Mẹ&Con – Hầu như bé nào vừa mới sinh ra cũng có vùng da sậm màu gọi là vết bớt. Các loại bớt ở trẻ sơ sinh hay gặp là bớt mạch máu, bớt rượu vang đỏ, bớt sắc tố, bớt cà phê sữa, bớt xanh…
Theo The world book encyclopedia – Bách khoa tự điển thế giới xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1961, vết bớt xuất hiện trên da trẻ sơ sinh được gọi là Brithmark. Còn trong y khoa, dấu vết này còn được gọi là vết cắn của thiên thần (Angle Bite).
Phần lớn các vết bớt thường không gây đau đớn và vô hại. Một số vết bớt phai mờ dần theo thời gian nhưng cũng có một số vết bớt phát triển theo chiều hướng ngược lại ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây ung thư, vì thế bố mẹ không nên chủ quan, lơ là bỏ qua.
Thông thường, các loại bớt ở trẻ sơ sinh được chia làm 2 nhóm chính: bớt mạch máu và bớt sắc tố. Nhóm bớt mạch máu xuất hiện do tình trạng các mạch máu tạo ra không đúng, có quá nhiều mạch máu hoặc các mạch máu to hơn mức bình thường. Còn nhóm bớt sắc tố do các tế bào hình thành sắc tố trên da phát triển quá mức gây ra.
1. Nhóm bớt mạch máu
Bớt đốm cá hồi (Salmon Patches)
Là một đốm màu hồng hoặc đỏ trên da giữa mắt, trên trán, hoặc gáy. Mọi người thường gọi những đốm màu này là “vết cò cắn” hoặc “nụ hôn của thiên thần. Nguyên nhân gây ra do các mạch máu giãn ra khiến da chuyển sang màu đỏ. Hầu hết các đốm này sẽ biến mất trong vòng 2 năm và không gây ra ảnh hưởng nào. Thường thì ở những bé có làn da trắng trẻo sẽ có nhiều loại bớt này hơn.
U mạch máu (Capillary Hemangiomas)
Là loại bớt thường xuất hiện ở vùng cổ, đầu, thân mình của trẻ. U mạch máu phát triển rất nhanh trong khoảng 6 tháng đầu đời, và thường teo nhỏ hoặc biến mất vào giai đoạn trẻ từ 5 đến 9 tuổi. Một số u mạch máu, nhất là những vết lớn hơn, có thể để lại sẹo khi teo rút lại. Nguyên nhân hình thành do các mạch máu được cấu tạo bất thường nằm sát bề mặt da. Bớt mạch máu không cần can thiệp điều trị.
Bớt rượu vang đỏ (Pot Wine Stai)
Là loại bớt thường xuất hiện trên cổ, mặt, cánh tay và chân của trẻ. Bớt rượu vang đỏ có thể có kích thước bất kỳ, nhưng chỉ phát triển khi trẻ lớn lên. Chúng có thể đậm dần theo thời gian và dày lên ở độ tuổi trung niên hoặc tuổi trưởng thành. Chúng không tự biến mất, trừ phi được điều trị. Nếu vết bớt này xuất hiện ở gần mắt có thể liên quan đến bệnh tăng nhãn áp. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Bớt sắc tố
Bớt xanh (Mongolian Spot)
Là những đốm trên da có màu xám, nâu hoặc thậm chí là xanh tím, xanh lục như vết bầm. Loại bớt này có nhiều kích cỡ khác nhau, hòa vào phẳng như da, thường tự biến mất trước tuổi đi học và không cần đến sự hỗ trợ xử lý từ y khoa. Trong các loại bớt ở trẻ sơ sinh thì đây là loại hay gặp nhất ở trẻ châu Á (khoảng 80%). Nguyên nhân là do các tế bào biểu bì sắc tố melanocytes tập trung dưới lớp hạ bì trong suốt quá trình chuyển di từ hệ trung ương thần kinh xuống các lớp biểu bì.
Bớt mụn mủ hắc tố (Pustular Melanosis)
Là những mụn nước nhỏ sẽ vỡ và khô lại trong vài ngày, sau đó để lại vết tích là các đốm sẫm màu thoạt nhìn như tàn nhang. Đây cũng có thể là dấu hiệu trước khi phát ban ở trẻ, trẻ gặp phải loại mụn mủ hắc tố này sẽ có cảm giác rất khó chịu, đôi khi đau rát. Tuy nhiên, các vết này sẽ mờ dần sau vài tuần và về cơ bản, chúng vô hại nên cha mẹ cũng không cần lo lắng quá nhé.
Bớt milia
Là những đốm chấm nhỏ xíu màu trắng hoặc vàng thường xuất hiện trên da trẻ sơ sinh do tuyến da tiết ra. Loại bớt này thường được thấy trên cằm, mũi, má của trẻ.
Bớt ban đỏ (Erythema Toxicum)
Là loại bớt thường xuất hiện ở 50% trẻ sơ sinh từ 2 đến 5 ngày sau sinh. Bớt ban đỏ không truyền nhiễm, chưa rõ nguyên nhân và cũng không có hướng can thiệp. Chúng thường tự biến mất sau vài tuần khi bé khoảng 1 đến 4 tháng tuổi.
Nốt ruồi (Moles)
Được xem là môt trong số các loại bớt ở trẻ sơ sinh hay gặp nhất, cứ 100 bé thì có 1 bé xuất hiện nốt ruồi. Nốt ruồi phát triển theo cùng với cơ thể bé và không gây hại gì cả. Đây được cho là loại u lành tính phổ biến với màu nâu, đen, hoặc nâu đỏ, hầu như không gây hại.