Mẹ&Con - Tôi và ông xã đã nhiều lần khuyên bảo nhưng bé cũng chỉ hứa rồi lại quên, tiếp tục đánh em. Đánh con là điền không nên, nhưng nếu cứ khuyên bảo nhẹ nhàng thì xem ra không có kết quả. Rất mong quý báo tư vấn để khắc phục tình trạng trên. Trẻ hiếu động, nghịch ngợm,... coi chừng là bệnh Đối phó với những cơn sốt ở trẻ nhỏ Đừng chủ quan với bệnh về tai ở trẻ

Tôi có 2 bé trai, bé lớn năm nay học lớp 2, bé út 4 tuổi. Bé Út rất quý anh trai nhưng ngặt nỗi bé lớn nhà tôi tính cộc cằn, điển hình là rất hay đánh em. Thường đánh với những lý do bé tí tẹo như: ngồi kế bên lúc anh không thích, nói chuyện lớn trong lúc đang xem ti vi, hay chỉ là đi theo sau trong lúc bé lớn không thích. Hơn em hai tuổi, nhưng bé lớn nhà tôi rất to, cao. Mỗi lần nhìn đứa em bị đánh (hay nghe mách lại) tôi và ông xã đều đau thắt lòng bởi bé đánh em rất mạnh. Khi thì đấm, đá, thúc khủy tay vào ngực, bụng em. Trái với tính của bé lớn, bé nhỏ lại rất hòa đồng, thương anh. Mỗi khi anh bị ba mẹ phạt vì ức hiếm em, bé tỏ ra rất thương anh, không chút oán hận mặc dù vết bầm tím còn hiện hữu trên người. Có khi mới bị anh đánh xong lại lẽo đẽo theo ngay sau đó. Tôi và ông xã đã nhiều lần khuyên bảo nhưng bé cũng chỉ hứa rồi lại quên, tiếp tục đánh em. Đánh con là điền không nên, nhưng nếu cứ khuyên bảo nhẹ nhàng thì xem ra không có kết quả. Rất mong quý báo tư vấn để khắc phục tình trạng trên. Chân thành cảm ơn!

Mẹ Thanh Hương (Q.5)

Các con hay đánh nhau, tôi phải làm sao? 4

Chào chị, tôi xin được chia sẻ vài ý kiến về trường hợp cộc tính của con trai chị như sau:

Tôi đồng ý rằng trong một số trường hợp nhất định, việc “khuyên bảo nhẹ nhàng” có thể không mang lại kết quả, mà thay vào đó là một sự kỷ luật đúng cách. Tuy nhiên điều trước hết tôi muốn được chia sẻ là cái nhìn “phân cách” giữa hai đứa con. Dù là không cố ý nhưng nếu không khéo, vô tình cha mẹ sẽ làm cho “hố sâu ngăn cách” giữa hai đứa con sẽ ngày càng lớn lên, và do vậy, bao nhiêu nỗ lực khuyên bảo với cậu con trai lớn cũng sẽ không mang lại kết quả như mong đợi.

 Các nhà tâm lý học đã cho chúng ta biết rằng, có một sự ghen tị hay nói cách khác là cảm giác “ra rìa”, bị bỏ rơi của một đứa trẻ khi chúng có em. Tâm trạng đó rất tự nhiên và rất nhạy cảm đối với đứa anh, chị mà đôi khi cha mẹ không nhận ra được. Để đảm bảo điều này không phải là nguyên nhân chính yếu, chị và ba đứa bé có thể chú ý nhiều hơn đến sự quan tâm và gần gũi với cậu con lớn. Điều này một phần giúp đứa bé thấy rằng ba mẹ quan tâm đến cả hai anh em chứ không phải chỉ quan tâm đến đứa em. Mặt khác đây cũng là cách hữu hiệu để ngăn chặn việc đánh em một cách thô bạo, vì khi có sự hiện diện và để mắt tới của người lớn, đứa trẻ sẽ giảm đi những hành vi có tính chất thô bạo và bạo lực.

 Sau cùng, chị hoặc ba của đứa trẻ có thể bắt đầu đặt vấn đề kỷ luật trực tiếp với đứa con lớn. Nội dung cuộc trao đổi bao gồm những mong đợi từ ba mẹ, những nguyên tắc cần tuân giữ trong gia đình, trách nhiệm yêu thương giữa anh em, và những hình thức kỷ luật có thể có nếu đứa trẻ vi phạm. Việc trao đổi trực tiếp và rõ ràng với đứa con lớn sẽ giúp trẻ hiểu được những mong đợi từ ba mẹ một cách rõ ràng. Trong trường hợp đã thực hiện những gợi ý của tôi trên đây trong một khoảng thời gian tương đối (3 tháng chẳng hạn), anh chị có thể nhờ sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý tại các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tại TP.HCM. Dù sao, việc dùng các biện pháp để thay đổi thói quen hành xử của một đứa trẻ luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện. Chúc chị thành công.

 Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Minh Uy Hội khoa học Tâm l‎ý – Giáo dục TP.HCM

Tags:

Bài viết liên quan