Khi nhắc đến tiết kiệm, chúng ta thường nghĩ đến không mua sắm, không chi tiêu hoang phí. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến việc dọn nhà cũng có thể giúp bạn thay đổi tài chính của mình? Hãy cùng Mẹ&Con tìm hiểu xem chúng ta có thể tiết kiệm thế nào khi dọn dẹp nhà cửa, bạn nhé!
Spark Joy – phương pháp dọn dẹp nhà cửa giúp tiết kiệm hiệu quả
Đầu những năm 2019, cái tên Marie Kondo – nhà tư vấn dọn dẹp, trở thành cơn sốt trong series của Netflix “Tidying Up With Marie Kondo” (Tạm dịch: Dọn nhà cùng Marie Kondo). Đây là chương trình thực tế nổi tiếng tại Mỹ, tại đây, Kondo sẽ tới từng nhà giúp đỡ giải quyết đống đồ đạc lộn xộn và cùng với đó có thể quản lý, tiết kiệm tài chính.
Phương pháp dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, chọn giữ lại hay bỏ đi đều dựa trên nguyên tắc chính là “spark joy” – chỉ lựa chọn những món đồ khiến mình vui và hạnh phúc. Nghe thì có vẻ đi ngược lại với điều ông bà ta hay dạy rằng tiết kiệm, “giữ lại đồ để lỡ lần sau cần tới lại không có”. Tuy nhiên, sự thật là khi đơn giản hóa, tối ưu hóa cuộc sống tức là người tiêu dùng đã có xu hướng ý thức khi mua hàng, giúp giảm thiểu những lần mua sắm vô thức và ngốn bộn tiền.
Tất nhiên mỗi gia đình đều có cách bài trí, vật dụng khác nhau nên không thể có một chung quy nhất, nhưng dù có nhiều đồ đạc như thế nào cũng phải cố gắng hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Ban đầu sẽ rất lộn xộn, “kinh dị” nhưng lại ẩn chứa niềm vui nhỏ bé đem lại niềm vui âm ỉ. Đó có thể là khoảnh khắc bạn bất ngờ tìm lại được món đồ ý nghĩa gợi nhắc kỷ niệm chẳng hạn. Đây là cảm giác mà Kondo khuyến khích mọi người tìm kiếm khi sắp xếp đồ đạc của mình.
Các phương pháp dọn dẹp nhà hợp lý để tiết kiệm hiệu quả
Bắt đầu từ quần áo
Hãy bắt đầu dọn dẹp từ quần áo của bạn trước, sau đó tới các vật dụng linh tinh, sách vở và tài liệu. Đặc biệt những đồ vật có chứa đựng ý nghĩa hoặc tình cảm thì nên để sau cùng bởi lúc đó sẽ giúp bạn cảm thấy yêu thích việc dọn dẹp cũng như ngôi nhà của mình hơn.
“Dọn dẹp theo thể loại”
Để tiết kiệm thời gian, thay vì dọn từng phòng thì bạn nên bắt đầu thu lượm quần áo ở tất cả các phòng vào 1 chỗ. Việc này sẽ giúp bạn biết được bạn có bao nhiêu quần áo, phân loại đồ muốn giữ và đồ đem đi cho hoặc tặng.
Biến gấp đồ thành niềm vui đối với mỗi thành viên
Theo phương pháp của Kondo, để vải không bị căng và tiết kiệm không gian trong tủ thì nên gấp tất cả đồ thành hình chữ nhật. Điều này cũng giúp bạn dễ dàng trong việc tìm kiếm đồ đạc hơn.
Bằng cách này, các thành viên trong gia đình sẽ tự biết được đồ của mình nằm đâu. Và cùng các bé tạo thói quen gấp đồ gọn gàng để bạn đỡ cực hơn và bé tự lập hơn.
Đừng nản lòng
Khi lật tung căn nhà lên thì chắc chắn sẽ là một mớ hỗn độn chỉ nhìn thôi cũng ngao ngán. Đặc biệt với một gia đình đã sống cùng nhau trên 20 năm thì đồ chắc chắn nhiều hơn một gia đình trẻ. Đừng tự làm khó mình, cũng đừng tự ép phải làm xong nhanh chóng vì không thể xử lý đống đồ trong quãng thời gian hơn chục năm chỉ trong một ngày đâu. Phải thực sự kiên trì và quyết tâm vì có thể việc dọn dẹp sẽ kéo dài cả tháng.
Đừng cất đồ trong bịch
Bạn muốn tiết kiệm? Tốt thôi, hãy áp dụng bí quyết không cất đồ vào các bịch, hộp ngay hôm nay!
Thông thường khi muốn cất một món đồ gì đi, chúng ta thường cho vào bịch lớn hoặc hộp giấy để đỡ tốn diện tích và bảo quản tốt. Thực tế phương pháp này khiến bạn không thể nhìn thấy món đồ đó và giảm giá trị của đồ, khiến bạn muốn thay mới. Kondo gợi ý nên dùng những thùng nhựa trong suốt để đảm bảo tầm nhìn và bảo quản tốt hơn.
Lưu trữ có chọn lọc những “món đồ tình cảm”
Với những món đồ mang tính kỷ niệm thì vấn đề giữ hay bỏ luôn là niềm day dứt mỗi người. Để bảo quản thì có thể chọn những chiếc hộp để đảm bảo không bị thất lạc. Để chọn lựa, theo Kondo, nếu bạn cầm đồ vật đó lên và cảm thấy niềm vui thì giữ lại, còn cái gì không làm con tim ta rung lên nhẹ hay chẳng gợi nhớ về kỷ niệm tươi đẹp nào thì nên bỏ.
Sau tất cả, đây không còn là việc dọn dẹp thông thường. Thông qua đó Kondo muốn giúp bạn nhận ra giá trị cuộc sống có thể thay đổi ra sao khi bạn có một ngôi nhà gọn gàng do chính mình sắp xếp. Đó có thể là niềm vui cùng con cái mỗi ngày gấp đồ, xếp gọn chồng sách, tiết kiệm tiền hoặc mua sắm ý thức về những gì thật sự cần hơn….Giá trị này khác nhau với mỗi người khác nhau.