Mẹ&Con - Mai vờ như không nghe, cứ ướm chiếc áo lên người con bé. Ước lượng của một người đã hai lần nuôi con nhỏ thật chính xác. Cuộn lại túi áo, giày và chiếc băng đô, cô ghé tai con bé thì thầm: 'Mẹ cháu chỉ dặn không được nhận quà của người khác thôi. Nhưng cô là cô tiên đấy. Cô tiên mùa xuân. Không tin cháu về hỏi mẹ mà xem!'. Nếu chỉ còn được sống 5 phút... Bí mật của chồng và mẹ chồng Tết hưởng thụ

Dắt xe ra khỏi nhà, Mai vẫn còn ngoái lại dặn chồng: “Anh quét tước ngoài sân, rồi lau bàn thờ nhé. Em đi sắm sửa thêm ít đồ đạc để tối cúng giao thừa!”.

Thật ra, từ mấy ngày trước Mai đã đi chợ Tết rồi. Thịt cá, giò chả, rau củ, trái cây đều đã đầy ăm ắp trong tủ lạnh, trên chạn bếp. Đến cả cây mai, chậu tắc và mấy chậu cúc, mồng gà cô cũng đã hăm hở đi mua từ sớm. Năm nay vợ chồng được thưởng khá (một điều may mắn mà cô không dám ngờ tới). Ngay từ hôm thưởng Tết, cúng đưa ông Táo về trời xong, cô đã háo hức bắt tay dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng mọi thứ để đón Tết. Có mấy lúc Mai còn ngồi thần ra, cố nhớ xem giờ này năm ngoái mình đã mua gì, sắm gì mà có một năm dài may mắn thế. Nhớ, để sắm sửa cho đủ, hi vọng năm sau phúc lộc lại tràn đầy.

Buổi chợ cuối năm 7

Thành ra sáng nay, khi chuẩn bị đâu đó xong, phủi tay đứng ngắm cả gian phòng khách sáng bừng, xinh xắn, Mai bỗng nhớ ra mình chưa mua mấy nén vàng trang trí bé xíu xiu, để treo lủng lẳng lên mấy cành mai giống như năm trước. Nhớ đến đấy, cô vội bảo chồng: “Em ra chợ một chút, mua thêm vài món lặt vặt!”.

Chồng cô, như mọi khi chỉ ừ hử chứ chẳng nói gì nhiều. Anh thong thả thưởng thức tách cà phê nóng, ngó bâng quơ ra ngoài khoảng sân ngập nắng vàng ươm.

Tất tả chạy xe ra đến chợ, gửi được xe trong buổi chợ cuối cùng mà muốn toát mồ hôi. Nào đẩy, nào chen, nào tiếng hối nhau: “Nhanh chân chút chị ơi!”, “Đấy đấy… Lấy giúp em con gà ấy. Làm nhanh lên hộ với nào!”.

Người người cùng miệt mài, tất tả.

Mai nghiện cái không khí này.

Hồi còn bé, nhà nghèo, mẹ Mai cũng tranh thủ buôn bán đến tận buổi chợ cuối cùng. Mai nhớ mình nhỏ chút đã mon men theo mẹ ra chợ, cũng hối hả theo cái cách của trẻ con để phụ mẹ cái này, cái kia. Bán xong hết những mâm bánh, ngẩng lên thì đã trưa trờ trưa trật. Người ta vội về, vứt đầy đường cả những chậu vạn thọ, chậu mồng gà xâu xấu không bán hết. Mai nhớ, mẹ sẽ nhặt lấy một ít, xin các chú dọn vệ sinh vài chậu cây đã bị vứt chỏng chơ. Có lúc, gặp người tốt, họ còn buộc chặt chẽ những chậu cây con con lên xe đạp cho mẹ.

Không cần nhắm mắt lại, Mai cũng có thể mường tượng chính xác mình thở phào nhẹ nhõm thế nào sau buổi chợ cuối cùng, khi mâm bánh của mẹ đã sạch sẽ, chỉ còn lại đúng một chiếc, mẹ đặt vào tay Mai và giục: “Đấy, cho con! Ngồi đây ăn chờ mẹ nhé. Mẹ chạy ù vào xem còn miếng thịt, miếng cá nào không!”.

Mẹ con Mai cứ hay đi “vét chợ” như thế.

Ai cũng mong về sớm để đón Tết ở nhà, nên bánh trái, thịt cá rau củ gì còn lại sẽ được bán với giá rẻ bèo. Mẹ mua về đến nhà, Mai soạn giỏ cho mẹ sẽ vừa dọn vừa reo, hí hửng thứ niềm vui cỏn con khi phát hiện ra mẹ mua được chút thịt hay mớ rau trông ngon lành mà rẻ thế.

Vào đến chợ trong, ghé mua thêm ít xấp bao lì xì và những dây trang trí nho nhỏ hình nén vàng sáng chói, Mai lững thững bước theo dòng người, chưa vội về ngay.

Nhà sắm sửa đủ hết rồi, cũng chẳng cần mua cái gì thêm. Song được đi chợ Tết ngày cuối năm thế này, nghe mọi người rộn rã trả giá, bảo cân hàng, lòng Mai cứ thấy vui vui.

Buổi chợ cuối năm 8

Ở góc chợ khuất tít đằng xa, một cô bé con trạc mười hai tuổi ôm rổ bánh ít, đon đả mời: “Cô ơi, mua dùm cháu nhé. Cháu bán nhanh còn về với mẹ!”.

Nhìn cái vẻ lanh lợi của đứa trẻ đã sớm quen với chợ búa, Mai chợt thầm so sánh rồi thở dài đánh khẽ một cái. Hai đứa nhóc nhà Mai cũng suýt soát tuổi này còn gì. Nhưng giờ thì chắc chúng đang cuộn mình trong chăn, chưa dậy ăn sáng nữa. Lúc sáng định gọi con dậy sớm, thì chồng Mai cản: “Kệ, để hai đứa ngủ thêm một chút, tối còn thức khuya đón giao thừa…”.

Nghĩ vậy, Mai ngồi xổm xuống bên mâm bánh ít của con bé ngay. Chẳng buồn hỏi giá, Mai vớ lấy chiếc bao ni lông, cho bánh vào, đếm đủ hai chục. Con bé nhoẻn cười, hí hửng: “Bánh của nhà cháu ngon lắm cô ạ. Đằng này là đậu xanh, đằng đấy là nhân dừa!”.

Mai rút hai tờ tiền 100 ngàn đồng trong túi ra, không đưa mà hỏi: “Con học lớp mấy rồi?”.

“Dạ cháu nghỉ rồi cô ạ. Cháu học hết lớp 4 thì nghỉ. Bố cháu đi với dì hai rồi, nên chỉ còn mẹ con cháu thôi. Mẹ ốm hoài nên cháu phải phụ mẹ đi bán!”.

Đôi mắt trong veo ngẩng lên nhìn Mai. Con bé cười, nụ cười tỏa nắng của cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Dường như chừng ấy cái cực khổ, vất vả vẫn chưa làm phai được nét hồn nhiên.

“Bánh ít 60 ngàn một chục. Hai chục là 120 ngàn cô ạ. Cô đưa tiền cháu thối!”.

Mai phì cười với vẻ lanh lợi của đứa trẻ, dúi hẳn vào tay nó hai tờ 100 ngàn đồng.

“Thôi không cần thối đâu. Lì xì cho cháu. Bán nhanh còn về với mẹ nhé!”.

Con bé ngước mắt nhìn Mai, rối rít cảm ơn đến quên cả mâm bánh đã vơi gần hết.

Bước đi vài bước, Mai bỗng xoay người quay lại. Giữa phố đông, cái dáng bé xíu, bàn tay bé xíu của con bé thoăn thoắt sắp trên mâm những chiếc bánh còn sót lại. Chiếc quần vải đen, đôi dép cũ, chiếc áo sạch sẽ nhưng đã lộ ra sự cũ mèm.

Ghé vào sạp quần áo đông kịt trong lòng chợ, Mai chọn vội một chiếc áo đầm vải hoa, đơn giản nhưng xinh xắn. Thêm một đôi giày săng-đan và chiếc băng đô nhỏ có đính hình con bướm bên trên. Cô quay lại chỗ con bé và mâm bánh.

“Đây, tặng cho con. Mang giày và ướm áo vào xem có vừa không…”.

Con bé tròn xoe mắt, hết nhìn Mai đến nhìn chiếc áo. Nó ấp úng: “Mẹ cháu dặn không được nhận quà của người khác đâu, cô ạ. Mà áo đẹp thế này, cháu mặc vào thì bẩn mất. Tiếc lắm!”.

Buổi chợ cuối năm 9

Mai vờ như không nghe, cứ ướm chiếc áo lên người con bé. Ước lượng của một người đã hai lần nuôi con nhỏ thật chính xác. Cuộn lại túi áo, giày và chiếc băng đô, cô ghé tai con bé thì thầm: “Mẹ cháu chỉ dặn không được nhận quà của người khác thôi. Nhưng cô là cô tiên đấy. Cô tiên mùa xuân. Không tin cháu về hỏi mẹ mà xem!”.

Mai cười, đứng dậy xoay đi, không kịp nhìn thấy đôi mắt trong veo, đen láy đang ngẩn ra, nửa tin nửa ngờ.

Ừ, Tết đến rồi… Tết thì có nhiều cô tiên mùa xuân lắm… 

Tags:

Bài viết liên quan