Xe rời bến.
Xe khuya, khởi hành lúc 11 giờ đêm nên vừa ổn định chỗ ngồi, xếp hành lý lên ngăn trên hoặc xuống dưới chân xong, hành khách hầu hết đã kéo cho ghế ngả ra sau, lim dim dỗ dành giấc ngủ.
Đèn trên xe cũng được chỉnh cho thật nhỏ.
Ngân ngồi nép mình bên khung cửa kính, nhìn ra phía bên ngoài. Đường xá vắng tanh. Thi thoảng vài chiếc xe máy phóng vù qua. Ngân không thích đi xe khuya thế này, dù nhiều người bảo rằng đó là cách giúp tiết kiệm thời gian, lên xe nhắm mắt ngủ một giấc là đến nơi, trong khi đi ban ngày thì mất hết cả buổi trời. Phí phạm. Ừ, không phải Ngân nhiều thời gian đến mức… có thể “xài hoang”, chẳng màng để tâm đến hai chữ “phí phạm” kia. Chẳng qua, nguyên nhân cũng dễ hiểu, Ngân rất khó ngủ trên xe. Hễ lên xe là dù cố đến thế nào, mắt cô cũng thao láo.
Ban ngày còn đỡ, nhìn ra ngoài trời ngắm được cảnh vật trên đường. Hoặc như chán nữa thì cô có thể mua tờ báo, lướt qua mấy cái tin giật gân câu khách. Thế cũng giết được thời gian. Ban đêm thì không thể. Hành khách xung quanh ngủ hết. Đường xá tối mịt mùng, có căng mắt nhìn ra cũng chỉ thấy những đoạn đường dài hun hút, những ngôi nhà buồn buồn leo lét ánh đèn. Ngân lại chẳng thể làm gì ngoài bâng quơ ngồi nghĩ lung tung.
Ừ, nếu không có việc gấp, nếu không phải là chồng – chính xác hơn là… chồng cũ – gọi báo bà nội bệnh nặng, có lẽ cô chẳng sấp ngửa chọn lấy chuyến xe giờ này. Ngân thở dài, rúm ró người vì bà khách ngồi cạnh bên bắt đầu gà gật ngả sang cô, tiếng ngáy đều đều vang lên thốc vào tai thật khó chịu.
Không còn cách nào khác, mắt Ngân lại lướt ra cửa sổ, xuyên thủng màn đêm.
Đã qua những đoạn đường nội ô thành phố nhà cửa san sát nhau. Giờ, xe đã đâu đó ở phía giáp ranh với tỉnh liền kề. Ngân thuộc mẫu người chẳng bao giờ nhớ được tên đường. Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng cô vẫn làm bạn đồng nghiệp cùng phòng phải mắt tròn mắt dẹt nhìn như người ngoài hành tinh khi hỏi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đường nào. Thế nên, chẳng lạ khi về quê chồng cũng đã tính đến con số vài chục bận, mà giờ đi trong đêm thế này, cô vẫn chẳng thể biết mình đã đi đến được đoạn nào, còn bao xa là đến căn nhà trong ngõ dài hun hút kia.
Ngân nhớ lần đầu tiên chồng đưa cô về thăm quê. Hồi đó, hai đứa mới quen nhau. Chuyến về quê đầu tiên quan trọng lắm vì không khác nào sự ra mắt người lớn trong nhà. Ngân hồi hộp đến độ cả đêm trằn trọc, thao thức. Đến 4 giờ sáng, anh sang đón, chở ra bến xe, mới đi được chừng hơn tiếng đồng hồ thì cô bắt đầu ngầy ngật say xe vì quá mệt, thiếu ngủ lẫn chịu không nổi những con đường dằn xóc. Về được tới quê, bước xuống khỏi xe là cô bắt đầu nôn thốc nôn tháo cả mật xanh mật vàng.
Ấn tượng đó còn hoài, khiến không hiểu sao cô cứ nơm nớp sợ mỗi lúc về quê anh. Mà thật lạ, cô có phải là người hay say xe đâu. Đi chơi với đứa bạn thân, cô đi xe thẳng một mạch cả ngày trời còn thấy chẳng hề hấn gì. Cứ lên xe là ăn, đọc sách, đọc báo, ngắm cảnh xung quanh. Khỏe ru đến tận lúc tới nơi mà chẳng cần ngủ.
Vậy mà suốt khoảng chục lần về quê chồng sau buổi “ra mắt” ấy, hết để gia đình hai bên làm quen, thăm hỏi, đến đi đi về về chuẩn bị cho đám cưới, lần nào Ngân cũng say xe đến lả cả người. Tận ngày cưới, rước dâu về quê mà trên xe cô dâu chú rể, Ngân còn phải thủ sẵn cái bịch ni-lông. Xe được quá nửa đường là thôi rồi, cô dâu tháo cả mấn đội đầu ra, phấn son nhòe nhoẹt, mặt mũi bơ phờ mà nôn, mà lả đi.
Độ ấy, con bạn thân làm phù dâu cho Ngân trầm ngâm lắm. Nó đợi đám cưới qua được vài tuần, mới rủ Ngân đi cà phê riêng. Con bạn lúng túng hồi lâu mới ngập ngừng bảo với cô: “Tao thấy mày nên cẩn trọng với mối quan hệ nhà chồng nghen. Không phải tao nói điều này để trù ẻo gì đâu. Chỉ là, tao cảm giác không lành. Có gì đó cứ khiến tao phải nghĩ rằng mày không thật sự hòa hợp được với nhà chồng. Đến cả cơ thể mày, nó cũng âm thầm phản ứng, báo động với mày như vậy!”.
Ngân không gật, không phản đối. Cô lặng im nghe bạn nói, chỉ không dám mở miệng thừa nhận với bạn rằng tao cũng có cảm giác y chang mày. Những thứ chuyện rất linh tinh, nhưng mơ hồ khiến tao cảm thấy có điều chi đó, hình như không ổn.
Rồi thì cái “không ổn” đó cuối cùng cũng lộ ra, chẳng phải để Ngân và đứa bạn phải đợi lâu, chỉ chừng vài tháng sau khi cưới. Hết em chồng hỏi mượn tiền, đến má chồng gọi điện thở vắn than dài, bảo lo đám cưới xong hết cả tiền dưỡng già. Hiểu ý bà, Ngân len lén gom góp hết lương và mớ tiền để dành của mình, gửi về quê cho yên, dù con bạn thân nghe chuyện cứ nhảy dựng lên, bảo có đời thuở nhà ai mà để cho con dâu phải tự trả hết từng chi phí trong cái đám cưới, từ tiền tiệc đến tiền lễ, từ mâm trầu cau đến nữ trang cưới, cả những thứ linh tinh như cổng Tân Hôn trang trí để rước dâu không.
Ngân cũng nghĩ không ổn, nhưng cô ráng nén, ráng dằn. Nhưng sự đời, đã bảo là nén thì ắt có ngày cũng phải bung ra. Cái đợt bung ra ấy cũng cách chẳng bao xa lần đứa bạn gọi ra quán cà phê cảnh báo kia. Ngân có thai, sinh con. Chồng một hai muốn cái gì cũng phải nghe theo bà nội. Anh quả quyết má chồng chăm, đứa cháu nào cũng sởn sơ khỏe khoắn. Ngân thì không chịu. Cô không muốn chuyện chi cũng phải nghe lời “người khác”. Bản năng người mẹ, cô muốn con phải được chăm sóc theo đúng ý mình. Cho dù chưa có kinh nghiệm, thì con vẫn là con cô, lẽ nào cô lại để cho người khác ăn hiếp, dằn nó ra khỏi tay cô để mang cho bà nội ẵm.
Những căng thẳng cứ lớn dần, đến cái ngày cô hét toáng lên với chồng: “Một là anh mời má về quê, để yên cho em trên này chăm sóc con, sống cuộc sống của mình. Hai là anh cứ việc ở lại đây với má, em ẵm thằng nhỏ em đi”. Đáp lại lời cô là một cái tát tai nảy lửa của chồng. Ngân chẳng vừa. Cơn trầm cảm, uất ức dồn nén lâu ngày bùng lên như lửa cháy rừng. Cô bấm điện thoại báo cho bác tổ trưởng tổ dân phố, gọi bảo vệ của khu chung cư nói mình bị bạo hành. Cô gọi tiếp cả điện thoại nói đứa bạn thân bắt taxi sang đón mình. Ngay trong đêm, cô quơ quàng mấy thứ đồ của con, lên xe đi thẳng.
Giờ ngồi trên xe nghĩ lại, Ngân bất giác thở dài, tự cười chính mình như cười một hình bóng xa lạ nào đó chứ không phải là cô của “ngày xưa”. Ờ, hổng hiểu sao hồi đó mình dữ dằn và cư xử điên cuồng vậy. Hai vợ chồng ly thân rồi ly hôn nhanh chóng. Đứa nhỏ tất nhiên được giải quyết cho về với mẹ. Ngân rồi cũng ổn định. Một căn hộ bé xíu nhưng đủ xinh như cái tổ chim cho cả hai mẹ con. Bạn bè xúm vào giúp “bà mẹ trẻ đơn thân”, đứa canh chừng giùm con cho Ngân ngủ những hôm thằng bé sốt, đứa tự tay chọn quần áo cho thằng nhỏ, đùa rằng “tao đầu tư cho con rể tương lai”.
Mới đó… mà đã ba năm. Ba năm rồi Ngân không còn về quê chồng. Mọi thứ bẵng qua như một giấc mơ. Cũng có lúc, Ngân giật mình trong đêm mưa gió ầm ào, quờ tay sang bên cạnh, thấy cái giường chỉ có hai mẹ con mà thèm có thêm một hình bóng đàn ông. Nhưng khi chồng đến thăm con, trầm ngâm nhìn thằng bé chơi đùa, trầm ngâm ngồi bên cạnh Ngân, ngỏ ý nối lại như xưa, Ngân vẫn nhẹ nhàng lắc đầu mà chẳng hiểu vì sao mình từ chối.
Bạn Ngân bảo, chắc tại mày với ảnh hổng có duyên, nên cưới nhau chẳng được bao lâu đã chia lìa rồi. Có đứa lại lý giải rằng tại phụ nữ sau sinh trầm cảm, mà ổng với mày lại còn “non” quá, chưa đủ những kinh nghiệm để ứng xử với cơn bão khốc liệt này. Nó an ủi, bảo chẳng phải mình mày đâu, mà nhiều cặp khác cũng hay ly hôn thời điểm ấy. Ngân nghe hết trơn, rồi nhẹ nhàng cười. Đúng thiệt là giờ nhìn lại, cô cũng chẳng nhận ra người phụ nữ phản ứng dữ dằn đó là mình. Hai con người đang căng như hai sợi dây đàn, cộng thêm đủ thứ ám ảnh và thành kiến trước đó, thì làm gì mà chẳng đứt.
Cười thôi, rồi Ngân bảo sống như vầy được rồi. Vợ chồng lâu lâu còn nhớ nhau thì vẫn gặp, lịch sự, nhẹ nhàng hỏi thăm nhau. Đỡ giận hờn cãi vã. Thằng nhỏ vẫn được đều đặn tuần gặp bố hai lần. Vậy đi chứ còn đòi gì hơn nữa.
Ờ, vậy đi. Ngân thoáng cười, không lẽ cô giải thích với đám bạn rằng, tại vì cô muốn thong thả nhìn mình trưởng thành dần lên theo từng nhịp bước thời gian? Rằng giờ, thỉnh thoảng cô vẫn về nằm mơ thấy về quê chồng, và trong mỗi giấc mơ, cô đều thấy mình nhẹ đi dần những oán giận khi xưa, đến cả những cơn say xe, nôn thốc nôn tháo kỳ lạ cũng không còn nữa.
Đường về… Còn xa…
Nhưng Ngân muốn bình tĩnh nhìn từng thứ cảm xúc trong lòng được chín muồi. Có thể một ngày nào đó, cô sẽ nhận lời nối lại với chồng, có thể không. Cô chỉ biết chắc một điều rằng, hôm nay, lụi bụi về quê chồng trên chuyến xe đêm, trái tim cô đã đủ bao dung để mà tĩnh lặng một mình nhớ lại “ngày xưa”. Cảm giác ấy nhẹ nhàng lắm. Giống như… Ừ, giống như vẫn là cùng một chuyến xe, mà sao giờ cô không còn “say xe” nữa.