Mẹ và Con – Liên quan đến hàng loạt vụ học sinh nhập viện do ngộ độc khí từ “bóng thối”, không ít các bậc phụ huynh đang rất lo lắng bởi những hiểm họa giải trí của con trẻ đang bủa vây khắp nơi.

Nôn ói, nhức đầu, chóng mặt…là những biểu hiện ngộ độc chính từ trò chơi “bóng thối” hay còn gọi là “bom thối”, loại đồ chơi này không khó để một bộ phận giới trẻ, trong đó đa số là học sinh có thể tiếp cận dễ dàng qua việc mua tại các hàng quán tạp hóa trước cổng trường hay mua qua mạng Internet.

Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thật chi tiết về hiểm họa giải trí này để nâng cao cảnh giác và đề phòng cho con em chúng ta tránh những tai nạn đáng tiếc!

Bóng thối, bom thối là gì?

“Bóng thối” là đồ chơi được đựng trong túi ny lông kín, dùng tay chân hay vật tác động mạnh thì sẽ phồng to lên tạo tiếng nổ và bay ra khí có mùi “hăng thối” được sản xuất từ Trung Quốc và Đài Loan.

Hình thức bên ngoài của bóng thối, bom thối đa dạng nhưng chung quy kiểu cách nhìn như gói bánh kẹo, hình ảnh rất “bắt mắt” với cậu bé chổng mông bịt mũi nhe răng cười nhăn nhở đi kèm với từ “boom”, hay loại bom thối có hình đầu lâu xương chéo ghi tên “Fart Bag” “Fart Bomb”.

Các trẻ nhỏ có thể dễ dàng mua được đồ chơi này tại hầu hết các cửa hàng, tạp hóa bán đồ chơi trước cổng trường hay qua mạng Internet, các sàn Thương mại điện tử. Dù trên bao bì có in khuyến cáo không được sử dụng với trẻ em dưới 6 tuổi nhưng việc này thật khó kiểm soát khi trẻ chơi chung, dễ dẫn đến tai nạn trẻ “hít, ngửi” phải gây ngộ độc.

bóng thối

Sản phẩm được bán với giá rất rẻ, khi mua trực tiếp chỉ từ 1.000-2.000 đồng/1 sản phẩm, nếu mua trên mạng Internet thì còn thường kèm những dòng mô tả sản phẩm sơ xài như thế này:

Hiểm họa ngộ độc từ bóng thối

Trên thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc sau khi hít khí từ bóng thối nổ ra, nếu được xử lý kịp thời và chă sóc đúng cách thì trẻ sẽ phục hồi sau vài ngày mà không gặp phải vấn đề lâu dài. Tuy nhiên trong một số trường hợp, ngộ độc khí nghiêm trọng có thể cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong do những hóa chất khi hít phải sẽ gây nên tình trạng suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.

Các dấu hiệu ngộ độc khí từ “bóng thối” thường biểu hiện rõ trong vòng 1-2 giờ sau khi hít phải điển hình như:

    • Khó thở
    • Buồn nôn
    • Nôn mửa
    • Đau đầu
    • Ù tai
    • Tức ngực, tim đập nhanh
    • Suy nhược cơ thể

Nếu chẳng may hít nhiều mà ngộ độc nặng hơn, ngoài các triệu chứng trên còn có biểu hiện vã mồ hôi, da xanh xao, bước đi không vững, thị lực giảm, có thể hôn mê bất tỉnh, chân tay co quắp, co giật và tím tái.

bóng thối

Nên làm gì khi trẻ nhiễm độc khí từ “bóng thối”?

Ngay khi phát hiện trẻ mang bên mình các sản phẩm đồ chơi như “bóng thối” “bom thối”, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thầy cô hoặc cha mẹ cần thu giữ ngay và chú ý quan sát trẻ, tuyệt đối không để cho bé chơi.

Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc khí từ “bóng thối” phải nhanh chóng thực hiện các bước sau để sơ cứu cấp tốc tránh trường hợp xấu nhất xảy ra:

  • Kiểm tra mạch và tình trạng thở của nạn nhân. Nếu nạn nhân hết mạch và ngừng thở, bạn cần khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo để phục hồi tình trạng chức năng của tim và phổi.
  • Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên cho họ nằm yên tĩnh để nghỉ ngơi, tránh cử động chân tay làm giảm oxy và năng lượng không cần thiết.
  • Sau khi sơ cứu nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến trung tâm y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.

Cách điều trị ngộ độc khí từ “bóng thối”

Một số phương pháp được sử dụng trong bệnh viện để điều trị ngộ độc khí như sau:

  • Thở oxy tinh khiết: Liệu pháp này làm tăng lượng oxy hòa tan trong máu và giúp cung cấp oxy đến các cơ quan hoặc mô.
  • Liệu pháp buồng oxy cao áp: Liệu pháp này sử dụng một buồng kín hoàn toàn chứa đầy oxy nguyên chất ở áp suất cao hoặc nồng độ cao gấp 2 – 3 lần của bệnh nhân để làm tăng tốc độ thay thế CO bằng oxy trong máu.

bóng thối

Phòng ngừa trẻ chơi “bóng thối” như thế nào?

Để hạn chế nguy cơ trẻ bị ngộ độc khí, bạn nên “bỏ túi” những lời khuyên sau đây:

  • Không nên cho tiền trẻ mua quà vặt, đồ chơi trước cổng trường.
  • Hướng dẫn và nhắc nhở trẻ thường xuyên về việc không sử dụng đồ ăn, thức uống lạ, đồ chơi lạ… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
  • Dặn dò trẻ không tự ý mua quà vặt, đồ chơi online. Nguyên do là bởi những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt thường được bán trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử.
  • Về phía cha mẹ, không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là trong thời gian mùa hè, khi nhu cầu mua giải trí tăng cao.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng ngộ độc “bóng thối” ở trẻ em, từ đó có những biện pháp phòng ngừa phù hợp, bảo vệ sức khỏe của trẻ. Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe! 

Bài viết liên quan