Dù là đang làm công việc mình đam mê hay chỉ vì cuộc sống đưa đẩy thì ít nhiều ai cũng từng phải trải qua cảm giác mất đi động lực làm việc. Điều này giống như một chu trình của tâm lý mà tất cả chúng ta sẽ đối mặt khi gặp phải những khó khăn, thử thách, thậm chí sự nhàm chán, vô vị trong công việc thường ngày. Những lúc như vậy, bạn nên lên lại “dây cót” tinh thần cho bản thân như thế nào? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Vì sao chúng ta bị “tuột mood”, không còn tâm trạng làm việc?
Trái tim, cảm xúc của chúng ta cũng có… “4 mùa”, có lúc vui, lúc buồn, lúc muốn xông xáo làm việc hết mình, lúc chỉ muốn nằm dài ở nhà không làm gì. Đây là chuyện vô cùng dễ hiểu. “Mổ xẻ” nguyên nhân, một số yếu tố tác động đến chúng ta như:
- Đố kỵ với người khác: Khi thấy đồng nghiệp được tăng lương hay được khen thưởng nhưng chúng ta thì không, chúng ta sẽ dễ có cảm xúc tiêu cực, cảm thấy ganh ghét và không muốn cố gắng nữa.
- Gặp sếp/đồng nghiệp/khách hàng “xấu tính”, không hòa đồng: Hầu hết thời gian làm việc bạn đều phải tiếp xúc với đồng nghiệp, sếp hoặc khách hàng. Vì thế, những người này có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Cãi nhau với đồng nghiệp, bị khách hàng phản hồi không tốt về sản phẩm hay bị sếp trách mắng đều có thể khiến bạn mất tinh thần làm việc.
- Bạn bị dồn nén quá nhiều cảm xúc: Nhiều người khi mệt mỏi, áp lực với công việc thường không giải tỏa ngay lập tức, cảm xúc bắt đầu bị dồn nén. Tích tụ những cảm xúc tiêu cực lâu ngày có thể làm bạn cảm thấy buồn bã, chán nản, mất hứng thú với công việc.
- Mất cân bằng trong sinh hoạt: Ăn uống không điều độ, thường xuyên thức khuya, sử dụng chất kích thích quá nhiều,… đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, khiến bạn không thể làm việc hiệu quả.
Phải làm gì để có động lực làm việc bạn nhỉ?
Nhắc nhở bản thân lý do bắt đầu
Mỗi người đến với bất kỳ công việc nào dù là mong muốn hay không mong muốn thì đều có lý do của riêng mình. Có người muốn đạt được kỹ năng, kinh nghiệm; người muốn trải nghiệm nhiều thứ mới; người muốn gặp gỡ và làm việc với đối tác có tầm ảnh hưởng lớn; người chỉ đơn thuần muốn chu cấp hoặc hỗ trợ cho gia đình… Khi bạn cảm thấy không còn động lực để tiếp tục những điều hiện tại, đây có thể là lúc để nhắc nhở bản thân về mục đích ban đầu của công việc này.
Trường hợp tới hiện tại vẫn chưa đạt được điều mình muốn thì rất có thể do những lý do khách quan khác, ví dụ như cách đặt ra mục tiêu quá to lớn và dài hạn. Những kế hoạch “đao to búa lớn”, dài hơi có thể khiến tinh thần bạn rơi vào chuỗi ngày mệt mỏi. Tốt nhất, bạn nên đặt mục tiêu nhiều mục đích ngắn hạn khác nhau trên con đường bước tới mục đích dài hạn để luôn giữ nhiệt huyết với công việc.
Trường hợp khi xem xét lại lý do ban đầu bạn nhận thấy bản thân đã đạt được mong muốn thì bạn có thể cân nhắc tạo nên những mục tiêu mới hoặc tìm một công việc mới với những kế hoạch khác giúp bản thân tốt hơn từng ngày.
Xem xét lại công việc hiện tại
Ban đầu bạn có thể làm việc tại công ty vì lương bổng, đãi ngộ, đam mê hoặc môi trường làm việc… Song một thời gian sau dần cảm thấy chán nản, áp lực công việc nhiều khiến bản thân không còn hứng thú để đi làm, mất đi động lực làm việc. Những lúc như vậy bạn nên nhìn nhận lại lý do đi làm của mình là gì. Ví dụ, bạn muốn phát triển bản thân theo hướng kinh doanh nhưng sau một thời gian bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải chịu đựng khách hàng. Đây chính là lúc ngồi lại và xem xét rằng liệu bản thân có phù hợp với ngành nghề này và cân nhắc lựa chọn công việc khác ít tiếp xúc với khách hàng hơn.
Học tập các kỹ năng mới
Học tập luôn là cách để giúp bạn có góc nhìn khác đi về những vấn đề cũ. Vì vậy, nếu bạn đang dần mất động lực làm việc hoặc cảm thấy sự nhàm chán nhưng lại chưa thể sẵn sàng để đưa ra quyết định dứt khoát như tìm kiếm một công việc mới, thì đây là lúc bạn nên trau dồi kỹ năng mới. Ví dụ như bạn quá chán với việc phải viết bài quảng cáo hàng ngày và muốn có bước tiến mới ở mảng kinh doanh hoặc thiết kế ảnh. Tất nhiên, bạn không thể nào chuyển hướng ngay lập tức tới việc thiết kế hoặc kinh doanh khi chưa có kinh nghiệm. Lúc này, bạn có thể tham gia các khóa học kỹ năng mềm để trang bị kiến thức cơ bản, từ đó “dấn sâu” vào mảng này. Đôi khi việc học không chỉ giúp bạn có thêm được một kỹ năng mới mà còn giúp bạn có một hướng giải quyết mới lạ, thú vị hơn cho công việc hiện tại.
Dám suy nghĩ và hành động
Mọi sự vật trong cuộc sống đều biến đổi mỗi ngày, mỗi giờ. Do đó sẽ không có gì ngạc nhiên khi cách giải quyết của bạn trong vấn đề trở nên cũ kỹ và không còn mang lại hiệu quả như trước. Khi gặp những chuyện này ít nhiều ai cũng cảm thấy nản lòng, mất đi động lực làm việc. Do đó, buộc bạn phải giải quyết hoặc là đổi mới hoặc là tìm mới. Đổi mới ở đây tức là xem xét thay đổi những thói quen, những phương pháp để có góc nhìn mới đi. Tìm mới tức là từ bỏ công việc hiện tại và tìm một công việc khác đi. Điều này cần có sự cân nhắc, quyết đoán và can đảm để phá vỡ thói quen hàng ngày cũng như bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân bạn.
Phát triển cách tiếp cận tích cực
Trước khi hoàn thành công việc thì ai cũng sẽ gặp những khó khăn riêng. Tuy nhiên, nếu biết chuyển những điều này thành một sự tích cực khác thì bạn hoàn toàn có thể tự tin rằng bản thân có thể vượt qua những giới hạn tưởng chừng như không thể. Ví dụ như bạn đang chật vật với những yêu cầu của khách hàng tới mức muốn “nổ tung”, sẵn sàng khẩu chiến hoặc chạy trốn. Xét về mặt tích cực, thông qua những lần áp lực công việc này bạn có thêm kỹ năng làm việc với những khách hàng khó nhằn. Nghĩ tới những điều tích cực sau khi vượt qua trở ngại sẽ tiếp thêm động lực cho bạn khi làm việc.
Làm việc với người lạc quan
Khi đang cảm thấy mất động lực làm việc và không thể tự vượt qua dù làm mọi cách thì bạn nên thử trò chuyện với những người có suy nghĩ lạc quan và sống tích cực. Những cá nhân này sẽ truyền cho bạn sự năng động, những lời động viên, thậm chí những trải nghiệm của chính họ để bạn lấy lại tinh thần và nhiệt huyết trong sự nghiệp. Lưu ý, nên tránh tâm sự với những người có suy nghĩ tiêu cực hoặc đang gặp phải vấn đề tương tự mình. Những người này có thể đồng cảm và hiểu thấu được bạn nhưng những tiếng thở than không hồi kết này sẽ kéo tinh thần bạn đi xuống tới mức tệ nhất.
Chăm sóc sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất không được quan tâm có thể khiến cơ thể bị suy yếu và ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ công việc. Càng về lâu dài thì chỉ khiến việc dồn việc và khiến bạn mất đi động lực để làm bất kỳ điều gì. Tốt nhất bạn cần sắp xếp thời gian cân bằng cả việc làm và cuộc sống nhằm đáp ứng nhu cầu sức khỏe thể chất như ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục đều đặn. Thêm vào đó, các bạn phụ nữ cũng không cần cảm thấy ám ảnh về việc béo gầy dẫn tới mệt mỏi mà điều quan trọng nhất là duy trì sự khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Bởi vì “khi có sức khỏe ta có ngàn ước mơ nhưng khi không có sức khỏe ta chỉ có một ước mơ là sức khỏe”.
Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi
Trong thời đại ngày nay, chúng ta luôn phải phấn đầu làm việc quá sức, chịu sự căng thẳng kéo dài để đạt được thành công hoặc ít nhất là đạt được những điều ta mong muốn. Dù bạn có quen với tần suất những áp lực, căng thẳng, lo lắng này nhưng nếu tích trữ dần dần trong tâm trí mà không được “giải thoát” thì rất có thể dẫn tới suy sụp tinh thần hoặc bệnh tật trong thời gian dài. Chính sự suy nhược này khiến bạn mất dần đi động lực làm việc, tệ hơn là bạn dần không tìm được hứng thú trong bất kỳ công việc nào khác.
Để xử lý căng thẳng này, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và điều dưỡng cơ thể. Bạn nên cho phép bản thân có một hoặc hai ngày cuối tuần đúng nghĩa thay vì ôm đống deadline hoặc công việc về nhà làm. Bạn có thể lên kế hoạch cho các hoạt động vui chơi cùng bạn bè, đi du lịch, mua sắm, chơi thể thao hoặc đơn giản là ngủ dậy trễ một xíu hoặc cùng những người thân yêu nấu ăn, giải trí. Đây là một cách “sạc năng lượng” cực kỳ hiệu quả để bạn nâng cao động lực với những dự án công việc, những dự định mới cho tương lai sắp tới.
Khi mất đi động lực làm việc, mọi thứ dần bị đình trệ và ngăn cản bạn trên con đường thăng tiến trong sự nghiệp. Đừng để bản thân lún sâu, mất đi động lực vĩnh viễn mà sau khi nghỉ ngơi, hãy cho mình khoảng thời gian suy nghĩ về hướng đi mới cũng như viết ra mục tiêu, kế hoạch mới cho công việc. Làm như vậy thì bạn chẳng bao giờ lo chán nản nữa nhé!