Mẹ&Con – Khi 3-4 tuổi, trẻ sẽ có khoảng 20 chiếc răng. Những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu lung lay và rụng đi khi chân răng của chúng bị tiêu dần để răng vĩnh viễn mọc lên thay thế. Nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ tự nhổ răng cho con thay vì đi bác sĩ. Điều này “lợi bất cập hại” vì gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Theo bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM ghi nhận mỗi năm có 30 – 50 ca bố mẹ nhổ răng cho trẻ tại nhà gây biến chứng. Chính vì vậy, tự nhổ răng không tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc và thời gian nhưng lại có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Những nguy cơ và biến chứng hay gặp khi bố mẹ nhổ răng cho trẻ
Như đã đề cập ở trên, khi bố mẹ nhổ răng cho trẻ tại nhà sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm vì thiếu kỹ năng và phương pháp. Cụ thể là không nhổ hết toàn bộ răng, chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài, nhiễm trùng do không sát khuẩn dụng cụ hay không vệ sinh tay sạch trước khi nhổ răng, trẻ nuốt phải chiếc răng vừa nhổ do thao tác nhổ không phù hợp, trẻ bị đau và ám ảnh, sợ việc khám chữa răng sau này.
Ngoài ra thời điểm trẻ thay răng sữa cũng là lúc các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên, nếu trẻ được đưa tới phòng khám để nhổ răng thì bác sĩ có thể đồng thời thăm khám việc mọc lên của những răng vĩnh viễn (mọc có đúng trình tự không, có đủ chỗ trên xương hàm cho răng phát triển không, những răng mới mọc có dấu hiệu bệnh lý gì không, có bất thường hay không…).
Những trường hợp bố mẹ không tự ý nhổ răng cho trẻ
– Nếu trẻ đang sốt cao, đang bị viêm lợi… thì không nhổ răng cho đến khi hết các triệu chứng toàn thân và tại chỗ.
– Những trẻ có bệnh đái tháo đường týpe 1 nếu tự ý nhổ răng tại nhà sẽ không kiểm soát được khả năng cầm máu sau khi nhổ răng, có nguy cơ nhiễm trùng cao. Do đó, bố mẹ phải đưa trẻ đi bác sĩ.
– Những trẻ mang bệnh tim mạch, các bệnh về máu, bệnh gan thận, thấp khớp hay truyền nhiễm… thì việc nhổ răng phải có sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa nhi, tim mạch, răng hàm mặt… phải tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt trước và sau khi nhổ răng.
Chăm sóc trẻ sau khi nhổ răng
– Sau khi nhổ răng xong, trẻ sẽ ngậm bông gòn trong vòng 15 – 20 phút để cầm máu, bố mẹ nên nhắc trẻ cắn chặt bông, nuốt nước bọt bình thường, không dùng lưỡi chạm vào chỗ răng mới nhổ để tránh chảy máu.
– Cho trẻ ăn đồ ăn mềm và nguội, vệ sinh răng miệng như thường ngày.
– Nếu có hiện tượng chảy máu kéo dài, sưng đau tại vùng nhổ răng, sốt và các dấu hiệu toàn thân khác thì liên hệ ngay với bác sĩ.