Chị em nào cũng mong ước cuối tháng thở phào nhẹ nhõm khi kết sổ thu chi, dư ra được chút đỉnh để gửi vào ngân hàng hay chỉ là đãi cả nhà một bữa ra trò, thu xếp một chuyến đi du lịch sáng đi chiều về cũng đã vui rồi. Nhưng làm thế nào để dư? Thật ra, điều này không hẳn phụ thuộc vào mức thu nhập của vợ chồng bạn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng quản lý tiền bạc. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn.
1. Xác định rõ tổng thu nhập của gia đình
Hiện tại, bạn và anh xã, mỗi người kiếm được bao nhiêu tiền? Mỗi tháng vợ chồng bạn đóng góp chính thức cho gia đình bao nhiêu? Trừ hết những khoản chi tiêu mang tính cá nhân, “dằn túi” của hai vợ chồng, bạn sẽ có được một khoản “tiền quỹ” cho gia đình. Khoản này nếu ổn định thì quá tốt. Trường hợp vợ chồng bạn có thu nhập thất thường, hãy xác định lại mức tối thiểu nhất vợ chồng có thể góp vào cho “quỹ”.
Nên có sổ thu chi rõ ràng. Nhiều người không thích làm sổ thu chi vì cho rằng phức tạp, mất thời gian, hoặc “sao mà cứ phải đo lọ mắm đếm củ hành”, “không tin tưởng nhau hay sao”… Kỳ thực, sổ thu chi rất quan trọng, vì nó giúp kiểm soát phần “quỹ” gia đình. Một khi đã nắm được mức thu nhập tổng cộng mà bạn có thể dùng cho gia đình hàng tháng và có một cuốn sổ thu chi, bạn sẽ bắt đầu vào công cuộc tiết kiệm, quản lý tiền bạc rất dễ dàng.
2. Trừ ra tất cả những khoản chi cố định
Sẽ có một số khoản chi mang tính cố định, ví dụ như tiền thuê nhà hàng tháng, tiền học phí của con, tiền trả nợ vay ngân hàng mua nhà, tiền điện nước (có thể tăng giảm nhưng thường sẽ chênh lệch không nhiều), v.v.. Ngay khi cầm được khoản “tổng thu”, hãy làm một phép trừ và nhanh chóng thanh toán, đóng ngay những khoản chi mang tính cố định và quan trọng này.
Trường hợp các khoản chi cố định quá cao, bạn hãy nhìn lại chúng sau 3 – 6 tháng/lần, để tìm cách thay đổi. Chẳng hạn như tiền thuê nhà đang là 4 triệu đồng/tháng, nhưng vợ chồng bạn đang gặp giai đoạn tổng thu nhập bị giảm đi (chồng bị giảm lương), bạn nên tìm một chỗ thuê nhà mới, chỗ ở có thể chật chội hơn, nhưng đảm bảo để mức tiền thuê chỉ còn 2 – 3 triệu đồng/tháng, giúp bạn giảm bớt gánh nặng ở các khoản chi cố định quan trọng này.
3. Luôn có một khoản nhỏ để phòng xa
Sau khi thanh toán xong các khoản chi cố định, bạn chỉ còn lại một số tiền “ít ỏi”. Nhưng đừng ngần ngừ để trừ thêm từ trong số đó ra một khoản nhỏ (tùy khả năng của bạn) gọi là khoản phòng xa của gia đình. Ít thì vài trăm ngàn đồng, nhiều thì vài triệu hoặc hơn nữa. Nên gửi tiền vào thẻ ATM và tự nhủ sẽ không rút nó ra trừ khi có việc thật sự cấp bách, chẳng hạn như có người đau bệnh. Nên làm việc này ngay từ đầu tháng, khi túi bạn đang rủng rỉnh. Nhớ là cũng cần quyết tâm, đừng vội rút nó ra chỉ vì thấy một cái đầm quá đẹp hay muốn đổi chiếc ti vi mới trong nhà, trong khi chiếc ti vi cũ vẫn còn dùng được.
4. Chia nhỏ để kiểm soát chi tiêu hàng ngày, hàng tuần
Khoản tiền còn lại sau khi “trừ” đi cả tiền phòng xa, bạn không nên giữ “một cục” rồi chi tiêu cho đến khi thấy… hết tiền. Nên làm một phép chia. Chẳng hạn như số tiền còn lại cho gia đình tháng này là 4,5 triệu đồng, thì nghĩa là mỗi ngày bạn chỉ được phép sử dụng tối đa 150 ngàn đồng. Bằng cách chia nhỏ ra thành ngày hoặc thành tuần, bạn sẽ thấy mình “quản” số tiền cần chi tiêu trong gia đình dễ dàng hơn.
Nếu có một sự “bội chi” nho nhỏ trong ngày, bạn cũng phát hiện ngay để điều tiết lại mình. Nếu không chia nhỏ thành ngày, bạn rất dễ rơi vào cảnh đầu tháng thì cả nhà ăn uống thịt cá ê hề, nhưng chỉ đến giữa tháng, bạn lúng túng vì khoản còn lại quá ít, không đủ chi tiêu, thế là cho cả nhà chuyển sang… rau củ quả.
Nếu những cách trên có vẻ quá “to tát”, không ăn thua thì mẹ hãy thử áp dụng những cách hết sức đơn giản sau, tức là thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất:
– Ăn sáng ở nhà: trong thời kỳ vật giá leo thang thì giá những món ăn sáng cũng thi nhau “leo” theo. Một tô phở, bún bò, hủ tiếu hay bánh canh có giá “ngất ngưởng” từ 20.000 đến 50.000 đồng; hay thậm chí những món bình dân như xôi, bánh mì cũng từ 10.000 đồng trở lên. Nấu một bữa ăn sáng ngon lành, nhiều dinh dưỡng ở nhà, tuy có mất thời gian một chút, nhưng sẽ giúp mẹ tiết kiệm một khoản tương đối.
– Hạn chế ăn quán: những lần ăn quán thật quá tuyệt bởi món ăn ngon và không gian thoải mái, những sẽ lậm vào túi tiền của mẹ không dưới 200.000 đồng cho bữa ăn gia đình 3 – 4 người. Thêm nữa, thức ăn ở quán thường nhiều dầu mỡ và calo chỉ khiến bạn tăng cân.
– Bỏ bớt thú vui riêng: nếu thời con gái mẹ vẫn có thói quen ra tiệm gội đầu, làm móng hay cuối tuần đi lượn mua sắm; nếu bố thời độc thân cứ sáng sáng làm một ly cà phê hay chiều chiều cùng chiến hữu làm cử nhậu thì bạn nên hạn chế bớt.
– Xài điện, nước hợp lý: những thói quen sử dụng điện nước hàng ngày tưởng như vô hại nhưng thật ra lại làm tiền điện, nước hàng tháng của gia đình bạn tăng vù vù: không tắt ti vi hẳn mà để ở chế độ chờ; mở quá nhiều bóng điện, quạt khi không có nhiều người dùng hoặc không cần thiết; mở máy lạnh cả ngày dù thời tiết dễ chịu; quên tắt nước khi không sử dụng, v.v..
– Quán triệt tinh thần: mọi thứ sẽ là vô ích nếu những thành viên trong gia đình không thay đổi một vài thói quen của mình. Bạn cần công khai mọi khoản thu chi cũng như khả năng tài chính hiện nay của gia đình. Nhắc nhở mọi người về một vài thói quen không tốt trong sử dụng điện nước. Nếu cả gia đình cùng đồng lòng thì chắc chắn tháng nào cũng có khoản dư.
Tổng hợp
> Nghệ thuật sống khỏe: Không chỉ là ăn kiêng hay chăm chỉ tập luyện