Mẹ và Con - Ai cũng mong muốn ngày Tết của gia đình mình được đủ đầy nên thường sẽ nấu rất nhiều món ăn. Vì thế, tình trạng thức ăn thừa ngày Tết là điều không thể tránh khỏi. Làm thế nào để "xử lý" hết ngần ấy thức ăn tồn đọng?

Các món ăn ngày Tết thường là tự chế biến từ các nguyên liệu tươi mới nên thời hạn bảo quản sẽ thấp hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất cần làm sau Tết là phải nhanh chóng “giải quyết” thức ăn tồn đọng này. Hãy cùng Mẹ và Con tham khảo ngay những mẹo sau đây nhé!

Bánh chưng, bánh tét

thức ăn thừa ngày Tết

Một trong những thức ăn thừa ngày Tết phổ biến nhất chính là bánh chưng, bánh tét. Thông thường chúng sẽ xảy ra hai hiện tượng sau: Bánh bị đổ nhớt và chai cứng (lại gạo)

  • Đối với trường hợp bánh bị lại gạo thì các bạn có thể đem luộc lại bánh, hấp cách thủy để dùng nóng
  • Đối với những bánh đổ nhớt nhưng không có mùi chua hay nổi váng mốc và không bị đắng thì bạn có thể tận dụng bằng cách chiên. Cách được mọi người ưa dùng nhất là chiên từng khoanh dày với dầu nóng. Như thế, bánh sẽ vàng giòn bên ngoài mà bên trong vẫn còn độ dẻo và thơm đặc trưng. Nếu bạn không thích dầu mỡ, có thể dùng chảo chống dính để chiên. Lúc này mỡ trong bánh sẽ tự tiết ra và làm giòn bánh. Bánh chưng/ bánh tét chiên ăn kèm củ kiệu, dưa món sẽ càng ngon và đậm đà. Để tăng hương vị các bạn có thể chấm thêm tương ớt hay tương cà

Bên cạnh đó, một cách khác bạn có thể dùng là dàn bánh mỏng và cho các miếng xúc xích cùng ít sợi dưa chua vào cuộn lại như gói giò chả. Sau đó chiên vàng đều xung quanh bằng chảo ngập dầu cho thật giòn. Món này ăn kèm tương xí muội hoặc tương ớt trộn sốt mayonaise sẽ rất ngon.

Gà luộc

mẹo luộc thịt gà

Nhiều nhà có truyền thống là trên mâm cúng tất niên, cúng đón ông bà về ăn Tết… đều phải có gà luộc, khiến sau Tết trong tủ lạnh ít cũng phải có đến 2 con gà được cài chân rất đẹp mà không biết phải dùng làm gì. Thông thường mọi người sẽ nghĩ đến các món kho mặn, rang gừng để ăn kèm với cơm hay xôi nhưng ăn một món như vậy cũng ngán, phải không nào. Thay vào đó, bạn hãy dành chút thời gian gỡ riêng phần thịt và xương. Xương, đầu cổ, cánh, chân… đem ninh lấy nước dùng nấu miến, cháo, súp… Phần thịt có thể xé phay, nấu miến, bún, tẩm ướp và rán… Dùng gà làm gỏi/ nộm (gỏi gà bắp cải rau răm, hoa chuối…) ăn nhẹ bụng, ngon miệng, vừa giúp giải quyết gà vừa giúp ăn hết rau.

Phần gà thường bị thừa đến chót cùng là lườn gà, ức gà vì quá nhiều thịt nạc, ăn bị khô. Chính vì vậy mà phần thịt này thường làm món nào cũng sẽ dễ bị dai và không ngon. Bạn có thể quyết ngay từ đầu là đem làm ruốc, vừa bảo quản được lâu mà cũng dễ ăn hơn. Cách làm ruốc gà không quá phức tạp, bạn xé thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm, sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng.

Theo kinh nghiệm dân gian, khi rang ruốc đến lúc nào đó sẽ có ít thịt bị vụn ra dính ở phía đáy của chảo. Lúc đó không nên rang tiếp mà hãy đặt chảo ra 1 mặt phẳng hút nhiệt: ví dụ như sàn nhà bằng gạch, cái bàn bằng sắt… Để ra ngoài như vậy một lúc thì lớp thịt vụn bám trên mặt chảo sẽ bị tróc ra dễ dàng, chỉ cần dùng đũa ấn lớp ruốc ở phía trên di di vài cái là đáy chảo lại láng như lúc đầu. Bạn tiếp tục rang cho đến khi ruốc đến độ ẩm đạt yêu cầu.

Giò chả và thịt nguội

nhận biết giò chả chứa hàn the

Với các món chả lụa, chả bò, thịt nguội, lạp xưởng… bạn có thể mua thêm bánh mì hoặc bánh ướt về và làm bữa sáng cho cả nhà. Bạn cũng có thể làm món gỏi củ kiệu với chả lụa, hay xào với các loại củ như su hào, mộc nhĩ, cà rốt… Cách khác, bạn có thể dùng chúng để rim với tương đen và ớt làm thành món chính ngon miệng trong bữa cơm trưa.

Đơn giản hơn, giò chả và thịt nguội bạn cũng có thể ăn kèm với mì gói cùng rau xanh, như vậy là có thể giải quyết cơn đói rồi đấy.

Bia

bia

Mỗi lần chúc tụng, nhiều người có thói quen cụng bia. Tất nhiên việc dự trữ bia ngày Tết sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa khá nhiều. Trong khi đó, đây là loại đồ uống có hạn sử dụng không phải quá dài. Để giải quyết lượng bia thừa này, bạn có thể cho vào các món hầm để món ăn có vị nồng và thơm hơn hoặc dùng trong các món hấp, nhất là hải sản như cá, cua, tôm, mực…

Trái cây

mâm ngũ quả miền Trung

Trái cây là một trong nhóm thức ăn thừa ngày Tết mà bất cứ gia đình nào cũng có. Đặc biệt là mâm ngũ quả, đối với mâm ngũ quả các bạn có thể tận dụng làm các món mứt trái cây để tăng thời gian bảo quản. Bên cạnh đó bạn có thể tận dụng làm sinh tố mang theo đi làm hay đơn giản hơn là cắt nhỏ ra để làm thạch trái cây tráng miệng cũng rất ngon.

Bên cạnh đó, dưa hấu là loại trái cây sẽ thừa rất nhiều sau dịp Tết. Nhưng bạn đừng lo nhé vì dưa hấu thường sẽ rất dễ sử dụng lại, các bạn có thể ép lấy nước để làm thạch dưa hấu hay làm các món bingsu thơm ngon mát lạnh. 

Trên đây là một số mẹo giúp các mẹ có thể tận dụng thức ăn thừa ngày Tết để chế biến thành những món ăn thơm ngon bổ dưỡng. Chúc các mẹ áp dụng thành công nhé!

Bài viết liên quan