Mẹ&Con - Người bình thường mất ngủ 1-2 đêm thôi đã thấy mệt nhoài, hiệu quả công việc giảm sút. Với bầu, giấc ngủ còn quan trọng hơn nữa vì khi không ngủ đủ giấc, chẳng những mẹ mệt mà thai nhi cũng “mệt” theo. Thế nhưng điều đáng lo ngại là hầu hết các “bầu bí” đều rất… quen với những đêm mất giấc, “đếm cừu” miệt mài đến cả chục ngàn con thế này. Giấc ngủ không ngon, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ khiến cơn mệt mỏi trong bạn càng tăng lên nhiều lắm. Các nguyên tắc vàng giúp bầu có một giấc ngủ ngon Bí quyết giúp bầu làm việc tốt khi mang thai

Tại sao bạn lại khó ngủ hơn?

Những tháng đầu thai kỳ, nếu cơn mất ngủ đến thì đa phần là do tâm lý bạn nhiều căng thẳng, hồi hộp, nghĩ đến con, đến công việc rồi sẽ phải sắp xếp ra sao vào thời điểm nghỉ sinh, cả những vấn đề về tài chính nữa… Cơn mất ngủ lúc này chưa đến mức “nặng” và chúng sẽ nhanh chóng qua đi khi bạn thích nghi với “tin vui”, trấn an được mình. Ba tháng giữa, giấc ngủ dường như êm hơn, tình trạng “đếm cừu” ban đêm giảm dần. Song, càng về cuối, sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy thì giấc ngủ bạn có được càng… vất vả! Khó khăn lắm bạn mới tìm được tư thế ngủ phù hợp.

Bí quyết giúp chống mất ngủ cuối thai kỳ 5

Bào thai ngày một lớn dần, khiến cơ thể nặng nề, xoay trở khó khăn, tư thế nằm không còn thoải mái là nguyên nhân mất ngủ đầu tiên. Ngoài ra, bạn cần biết rằng không phải chỉ có bào thai mà bạn còn phải đối diện với hàng loạt thay đổi khác của cơ thể trong thời gian chín tháng mang nặng này. Chúng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ. Chẳng hạn thận của bạn phải làm việc tăng cường. Dạ con chèn ép lên bàng quang khiến bạn luôn có cảm giác khó chịu và buồn đi vệ sinh. Thử hình dung, một đêm mà bạn phải thức dậy đến mấy lần với cảm giác buồn đi vệ sinh thì bạn còn “ngon giấc” nổi hay không.

Bên cạnh đó, nhịp tim của bạn cũng sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn đến buồng tử cung, nuôi dưỡng bé yêu của mình. Nhịp tim tăng cũng khiến bạn cảm thấy mệt nhọc và khó ngủ hơn. Chưa hết! Những hormone tiết ra trong quá trình mang thai làm bạn luôn rơi vào trạng thái ngộp thở, thở rất khó. Chân và vùng lưng thì mỏi nhừ sau cả ngày. Những trạng thái mệt mỏi, khó chịu ấy dồn nén làm bạn khó chịu hơn mức bình thường. Nếu gặp một bé yêu có phần “năng động”, thích… “đùa giỡn” trong bụng mẹ lúc nửa đêm thì giấc ngủ của bạn càng dễ bị gián đoạn hơn nữa. Tất cả những điều này khiến bạn thường xuyên rơi vào trạng thái ngủ không ngon giấc, giấc ngủ ngắn, dễ giật mình.

Với những bà bầu mới mang thai lần đầu tiên, còn phải kể đến những nỗi lo mơ hồ càng lúc càng bủa vây. Thực tế, trải qua chín tháng thai kỳ, hầu như ngày nào – đêm nào mẹ cũng có bao điều suy nghĩ, lo lắng về con: Thai có phát triển bình thường không? Sao hôm nay tự dưng con đạp ít hơn mọi ngày? Sao tự dưng lại thấy ra chút máu? Thiểu ối thì có sao không? Đa ối thì có sao không? Mẹ đã xét nghiệm đủ hết chưa? Sao bác sĩ bảo kết quả siêu âm cần theo dõi? Mình đã tăng ký nhiều quá chăng? Từng chút, từng chút như thế khiến thai phụ luôn ở trong một tình trạng “stress” mơ hồ, nhạy cảm, dễ xúc động, dẫn đến việc bạn rất dễ gặp ác mộng trong đêm. Bị một lần, thức dậy, mẹ sợ toát mồ hôi, bị ám ảnh là “điềm gở”(!) nên hôm sau người cứ phập phồng không dám ngủ! Giấc ngủ theo trạng thái thần kinh đó, càng trở nên khó đến hơn. 

Làm sao để được ngủ ngon?

Trước tiên, bạn cần chọn tư thế ngủ phù hợp. Tư thế nằm nghiêng, chân hơi cong là tốt cho bạn nhất trong quá trình mang thai. Bạn có thể lót một chiếc gối mềm ở phần bụng để dễ chịu hơn.

Bí quyết giúp chống mất ngủ cuối thai kỳ 6

Tư thế ngủ này giúp cả bạn lẫn bé trong bụng đều cảm thấy dễ chịu. Máu sẽ dễ dàng lưu thông. Gan thận cũng hoạt động tốt hơn, không bị trong trạng thái chèn ép. Bạn có thể nhắc ông xã để thay đổi một số thứ trong phòng ngủ. Ví dụ như một chiếc rèm để che bớt ánh sáng, đèn ngủ màu sắc dễ chịu, không gian thoáng đãng, bộ dra giường và gối nệm mới, sạch sẽ, màu sắc tươi sáng… là những thứ giúp ích rất nhiều cho “bà bầu”. Cũng có thể lưu ý người nhà về chuyện bạn khó ngủ để mọi người để tâm vặn nhỏ các thiết bị như tivi, cassette khi bạn cần đi ngủ.

Bạn cũng cần lưu ý là không dùng trà, cà phê suốt quá trình mang thai. Không ăn no trước khi ngủ vì điều này càng làm cho bạn khó ngủ dữ dội hơn. Trước khi ngủ chừng nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ, bạn uống một cốc sữa nhỏ và ăn 1-2 chiếc bánh lạt là được. Bạn không nên tập thể dục trước giờ đi ngủ, thay vào đó nên thay bộ áo ngủ rộng rãi thoải mái và nằm thư giãn trên giường, nghe một vài bản nhạc hòa tấu thật nhẹ nhàng.

Nếu cảm thấy quá căng thẳng về tình trạng mang thai, hãy chia sẻ với chồng, tìm đến chuyên viên tâm lý, tham gia các lớp học tiền sản dành cho những người sắp sửa làm mẹ. Trường hợp cảm thấy quá mệt mỏi, bạn nên trao đổi với sếp ở công ty để xin có được vài ngày nghỉ nhằm “điều chỉnh” lại nhịp điệu sinh hoạt của mình.

Và cuối cùng, nếu sau tất cả những chuẩn bị này mà bạn vẫn… mất ngủ, hãy trấn an mình, yên tâm rằng vô số bà bầu khác cũng gặp tình trạng tương tự bạn. Thay vì cố trằn trọc, vật vã tự hỏi xem tại sao mình mang thai lại khó ngủ đến thế này, bạn hãy… mặc kệ cơ thể. Cứ nhẹ nhàng làm những gì mình thích như nằm yên lặng trong bóng tối, khe khẽ nhẩm một bài hát nào đó trong đầu và nghĩ đến đứa con yêu. Bạn cũng có thể đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim vui vui nào đó. Hãy yên tâm rằng cơ thể con người là một cỗ máy kỳ diệu. Chỉ sau một đêm bạn mất ngủ, cơ thể sẽ dần biết cách tự điều chỉnh để bạn có được giấc ngủ ngon và sâu hơn đêm sau đó.

Mẹ cần nhớ!  

– Không nên ăn no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước lúc đi ngủ từ 3 giờ là tốt nhất để cơ thể có thời gian để tiêu hóa hết phần thức ăn.

– Nếu bạn hay bị hạ đường huyết giữa đêm, hãy thử dùng các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, các món ăn nhẹ buổi tối.

– Tăng cường thực phẩm giàu vitamin B như các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám để có thể giúp bạn ngủ ngon.

– Nên chia bữa ăn làm nhiều bữa nhỏ, khi ăn nên ăn một cách chậm rãi, nhai kỹ để dạ dày không bị quá sức, tránh tình trạng ợ nóng, đầy hơi sẽ khiến giấc ngủ đến một cách khó khăn hơn.

– Nếu bạn hay bị mất ngủ vì đi tiểu nhiều lần, hãy giảm lượng nước đưa vào cơ thể trước khi đi ngủ. Ngoài ra nên đặt một chiếc bô có nắp đậy ở gần giường để tránh phải đi ra toilet bên ngoài phòng quá nhiều lần, khiến giấc ngủ của bạn càng trở nên khó “dỗ” lại. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược)

Tags:

Bài viết liên quan