Mẹ&Con - Bố mẹ cần dạy con tự bảo vệ mình để giúp bé tránh khỏi các trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại tình dục và làm tổn thương con...

Theo thống kê, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục và con số này ngày càng gia tăng khủng khiếp. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và cuộc đời bé sau này. Vậy nên, bố mẹ cũng cần để ý tới con gái thường xuyên hơn và dạy con tự bảo vệ mình.

Một số lưu ý trước khi dạy con tự bảo vệ chính mình

Trẻ nhỏ là đối tượng ngây thơ, “cả thèm chóng chán” nên cần rất kiên nhẫn dạy cho bé. Mỗi ngày luôn nhắc đi nhắc lại những điều đã học. Bố mẹ có thể cùng trẻ đóng kịch, hoặc đặt ra những tình huống giả định để bé nhập vai và xử lý tình huống. Như vậy bé sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ hơn.

Từ 2,5 đến 3 tuổi là độ tuổi phù hợp để dạy con những điều này. Khi bé không vui, không thoải mái, tức giận, khóc lóc vì lý do nào đó, thay vì quát mắng, hù dọa bắt trẻ nín thì phải nhẹ nhàng hỏi han, trò chuyện, tâm sự. Dù bé làm sai cũng hạn chế dùng roi vọt mà chỉ ra điểm sai cho bé và sửa lại. Như vậy bé sẽ dần hình thành thói quen tâm sự với bố mẹ, giảm bớt được phần nào sự “đáng sợ, nghiêm khắc” trong vai trò là đấng sinh thành.

Bố mẹ cần thường xuyên tỉ tê, tâm sự với trẻ. Để nuôi dạy con, giúp con tránh bị kẻ xấu lợi dụng, mỗi ngày đều nên hỏi về việc học ở trường, những câu chuyện vui buồn mà bé gặp phải hoặc những câu chuyện bé nghe được.
dạy con tự bảo vệ mình

Những kỹ năng cần thiết khi bố mẹ dạy con tự bảo vệ mình

Biến kỹ năng thành thói quen mỗi ngày để bé gái luôn chủ động bảo vệ bản thân khỏi những tình huống không mong muốn.

Không cho ai đụng vào vùng riêng tư

Cho trẻ biết bộ phận nào gọi là vùng riêng tư và đặt tên cho chúng tùy thích. Sau đó nói với trẻ không ai được phép đụng vào khu vực đó ngoại trừ bố mẹ (tốt nhất là mẹ). Và những người chạm vào hoặc bắt con chạm vào thì đều là người xấu. Lúc này tùy vào từng tình huống giả định có thể dạy bé thoát thân bằng cách hét lên, bỏ chạy hoặc bình tĩnh và nói lại cho bố mẹ.

Không ai được phép chụp hình vùng kín của con

Theo Pháp luật Việt Nam có quy định, người lạ nếu không có sự đồng ý của trẻ trên 7 tuổi hoặc của người giám hộ nếu trẻ dưới 7 tuổi mà chụp và đăng hình trẻ trên mạng xã hội sẽ bị xử lý hành chính từ 10 – 20 triệu. Tuy nhiên đó chỉ là những bức hình chân dung, khuôn mặt… Với khu vực kín, bố mẹ phải dạy con tự bảo vệ mình, chia sẻ với con rằng không ai có quyền (kể cả bố mẹ) chụp hình vùng riêng tư của bé. 

Giáo dục tâm lý cho con

Thay đồ nơi kín đáo

Ông bà, bố mẹ Việt Nam hay có thói quen cho trẻ thay đồ hoặc đi toilet ngay giữa nơi công cộng vì nghĩ bé là trẻ con. Nhưng điều này lại vô tình đẩy bé vào tình huống dễ bị xâm hại nhiều hơn. Ngay từ nhỏ, dạy bé gái thay đồ ở những nơi kín đáo như phòng ngủ, toilet và tuyệt đối không tới hoặc từ chối thay đồ ở những nơi công cộng. 

Chỉ ngủ với bà khi bố mẹ vắng nhà

Nếu bố mẹ thường xuyên phải đi công tác xa nhà thì để dạy con tự bảo vệ mình, hãy dặn con chỉ được ngủ cùng bà (có thể là cô, dì, tốt nhất là chỉ một mình phụ nữ), không được ngủ cùng người khác phái dù là ông, chú, cậu, dượng… Quan trọng là mỗi sáng đều phải hỏi con rằng hôm qua con ngủ thấy thế nào, ngủ với ai, có thoải mái không…

Không được ngồi trong lòng ai khác trừ mẹ

Dù là những người thân quen đi chăng nữa thì dạy bé cũng không được ngồi lên lòng, đặc biệt là đàn ông. Bé chỉ được ngồi thoải mái và lâu nhất là ở trong lòng mẹ.

Không đi theo người lạ

Để dạy con tự bảo vệ mình, bố mẹ nên yêu cầu con tuyệt đối không đi theo và nhận quà bánh từ người lạ. Trẻ em là đối tượng dễ bị dụ dỗ bởi những món đồ ăn khoái khẩu như kẹo, bánh, kem…nên bố mẹ phải luôn nhắc nhở bé điều này. Và dù là người quen thì cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ mới được nhận đồ.

Cho trẻ đi học võ

Những đối tượng xấu luôn luôn cao to và khỏe hơn bé rất nhiều. Vậy nên khi bé vào lớp 1, hãy cho bé đi học võ tự vệ để tấn công vào những yếu điểm của đối phương trong trường hợp gặp nguy hiểm. 

Dạy con biết tự vệ

Trên đây là một số kỹ năng cần thiết khi bố mẹ dạy con tự bảo vệ mình cũng như những lưu ý giúp bé gái tự bảo vệ mình tốt hơn. Tuy nhiên, những điều trên chỉ là nền tảng cơ bản, bố mẹ cũng cần quan sát, dựa vào độ tuổi và tâm sinh lý của từng bé gái để có phát triển hơn những kỹ năng này. 

Bài viết liên quan