Tại sao con dễ nhiễm lạnh đến thế?
Những bà mẹ sinh con lần đầu thường chưa quen thuộc với việc trẻ sơ sinh khác hoàn toàn so với cơ thể người lớn. Vì thế, có những chuyện mẹ thấy rất bình thường, song kỳ thực với trẻ thì… không bình thường chút nào. Ví dụ như với tiết trời lạnh se se những ngày đầu năm, mẹ nghĩ rằng chỉ cần mặc thêm một lớp áo cho con là đủ ấm nhưng trẻ thì cần nhiều hơn thế!
Bạn cần biết rằng suốt chín tháng thai kỳ, trẻ được bảo bọc trong bụng mẹ và đã quen với nhiệt độ 37 độ C. Ra môi trường bên ngoài, lại sinh đúng vào mùa lạnh nhất năm, bé có thể phải thích nghi với nhiệt độ khoảng 25-26 độ C, thậm chí nhiều vùng thấp hơn, chỉ 14-15 độ C. Với nhiệt độ này, trẻ sẽ chịu không nổi. Nhất là khi trẻ không có khả năng run khi lạnh, tức là cơ thể chưa thực hiện được quá trình co cơ để sinh nhiệt. Trẻ sơ sinh lại chưa biết cách biểu hiện rõ rệt cảm giác lạnh của mình cho mẹ biết. Vì thế, nếu mẹ không chú ý, trẻ rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm lạnh, rối loạn chuyển hóa, thậm chí có trường hợp tử vong vì quá lạnh.
Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thấy hoang mang: Bé non nớt mong manh là thế, lại sinh trong mùa lạnh thế này thì biết làm sao? Kỳ thực, tạo hóa luôn ẩn chứa những sự kỳ diệu đặc biệt. Để chống chọi với cái lạnh, tạo hóa đã cho trẻ sơ sinh có một lớp “mỡ nâu” trong cơ thể. Lớp mỡ này được tạo ra ngay từ giai đoạn bé còn là bào thai trong bụng mẹ, vào khoảng 3 tháng cuối thai kỳ. Lớp mỡ nâu này chỉ có duy nhất ở trẻ sơ sinh, bao quanh những khu vực như cổ, giữa hai xương bả vai, sau xương ức, quanh các mạch máu lớn ở đáy tim và quanh thận. Lớp mỡ này đặc biệt nhạy với những kích thích do lạnh. Khi trẻ sơ sinh bị lạnh, cơ thể trẻ sẽ lập tức đốt cháy phần mỡ nâu này để sinh nhiệt, giúp làm ấm cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị sinh thiếu tháng, sinh non, tất nhiên lớp mỡ nâu không được tạo ra ở lượng đủ dự trữ như những trẻ bình thường. Nếu mẹ ăn không đủ chất trong chín tháng thai kỳ, bé sẽ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng bào thai nên khi sinh ra cũng chỉ có tỷ lệ mỡ nâu rất ít. Chính điều này dẫn đến tình trạng trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng bào thai càng dễ bị hạ thân nhiệt sau khi sinh, dễ cảm lạnh, dễ bị tử vong vì lạnh. Một số trường hợp đặc biệt, trẻ sinh đủ tháng, có lớp mỡ nâu dự trữ đủ nhiều. Nhưng sau đó trẻ lại bị bệnh quá sớm. Khi trẻ bệnh, cơ thể cũng sẽ không đủ sức đốt cháy lớp mỡ nâu tạo nhiệt để giữ ấm nên trẻ cũng sẽ dễ bị cảm lạnh, hạ thân nhiệt như trường hợp trẻ sinh non.
Nhận biết con lạnh bằng cách nào?
Sinh con trong mùa lễ tết, nghe thì rất thú vị nhưng kỳ thực là một thử thách với cả mẹ và bé yêu. Bạn cần quan tâm đặc biệt đến thân nhiệt của con, luôn kiểm tra thường xuyên bằng cách sờ tay vào người, vào chân bé. Bạn lưu ý, khi lòng bàn chân lạnh nghĩa là bé đã… rất lạnh, nên đừng để đến lúc ấy mới quan tâm. Trường hợp bé sinh non, bé bị suy dinh dưỡng, đang mắc bệnh… bạn càng cần phải để mắt đến bé thường xuyên. Có thể nhờ người nhà phụ giúp để thay phiên thức trông bé. Nếu đo nhiệt độ ở nách bé dưới 36,5 độ C là lập tức phải báo ngay với bác sĩ.
Ngoài ra, đương nhiên phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Bạn cần đảm bảo phòng bé ở bệnh viện cũng như ở nhà phải có nhiệt độ khoảng 27 độ C trở lên. Nếu sinh con mùa này và thấy thời tiết quá lạnh, nên sử dụng điều hòa nhiệt độ, giữ cho phòng khoảng 27 độ C. Chỉ mở cửa sổ vào những lúc có nắng ấm và không bị gió lùa. Lúc sáng sớm hoặc xế chiều không nên mở cửa sổ.
Bạn cũng cần để ý vì bé sơ sinh rất hay làm ướt tã. Khi bé đi ngoài, làm ướt tã, nếu mẹ không phát hiện để thay ngay bé sẽ bị nhiễm lạnh. Giường, nệm của bé phải khô ráo. Ngoài áo và tã quấn, trẻ sơ sinh cần được đội nón, mang vớ và găng tay đầy đủ để giữ ấm lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Một lưu ý khác là bé sơ sinh không cần phải tắm nhiều, nhất là nếu sinh vào mùa lạnh. Chỉ tắm khi thân nhiệt bé ổn định, tắm bằng nước ấm và tắm thật nhanh. Không cởi hết toàn bộ áo quần bé ra để tắm mà chỉ tắm từng phần. Phần nào xong lập tức lau khô, dùng khăn ấm che lại.
Muốn giữ cho bé khỏe, bạn cũng cần cho bé bú mẹ đầy đủ, bú nhiều để không bị đói (khi đói, cơ thể không đủ năng lượng đốt cháy lớp mỡ nâu dự trữ nên bé dễ bị lạnh). Nếu bé sinh thiếu tháng, sinh non, suy dinh dưỡng, bệnh viện có thể sẽ sử dụng đến lồng ấp. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyến khích và hướng dẫn bạn thực hiện phương pháp Kangaroo, phương pháp giữ ấm trực tiếp bằng cách cho da bé tiếp xúc với làn da của mẹ khi nằm sấp trên ngực mẹ. Đây được xem là cách giữ ấm rất tốt, giúp thân nhiệt của bé ổn định, đồng thời tạo nên một sự quyến luyến giữa mẹ và con khiến bé yên tâm, phát triển tâm lý tốt hơn.
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)
Ủ ấm, nhưng không được làm bỏng trẻ!
– Bạn lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng cái loại túi chườm ấm, đá nóng, lấy khăn nóng lau cho bé với mục đích… giữ ấm. Cách này rất dễ làm bỏng trẻ.
– Không được hơ than cho bé để giữ thân nhiệt, vì bé rất dễ bị ngạt thở khi hít phải khí độc từ khói than tỏa ra. Ngoài ra, than lúc nóng lúc lạnh, bạn không thể kiểm soát nhiệt độ được có thể khiến trẻ bỏng mà không biết.
– Không cố sức kỳ cọ lớp “gây” bao phủ bên ngoài người trẻ, vì lớp “gây” này thấy thì có vẻ… ghê ghê nhưng lại chính là lớp áo khoác tự nhiên mà tạo hóa ban cho trẻ sơ sinh, giúp giữ cho trẻ khỏi lạnh và tránh cho da bị tổn thương.
– Không được quấn bé kín mít trong cả một mớ áo quần, chăn bông, khăn choàng… vì bé có thể bị ngạt mà bạn không kịp biết.