Mẹ&Con - Tôi có hai con gái, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi nhưng không hề biết dọn dẹp đồ đạc. Xin nói thêm là tôi không hề chiều con, vẫn dạy các con tính gọn gàng từ nhỏ nhưng dường như không thành công. Dạy con biết nhường nhịn Dạy con ứng phó trước thảm họa Dạy con tự lập

Tôi có hai con gái, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi nhưng không hề biết dọn dẹp đồ đạc. Xin nói thêm là tôi không hề chiều con, vẫn dạy các con tính gọn gàng từ nhỏ nhưng dường như không thành công. Hôm nào hai con ở nhà thì mọi ngóc ngách đều bừa bộn đồ đạc. Ngay cả sách vở, đồ dùng học tập tụi nhỏ cũng vứt chỏng chơ trên bàn, ghế, nền nhà. Tôi đã nhiều lần đóng vai bà mẹ hung dữ, quát nạt con nhưng đứa lớn nạnh đứa nhỏ, đứa nhỏ nạnh… lại mẹ hoặc làm qua loa khiến tôi càng bực hơn. Tôi đi làm về trễ mà thấy “bãi chiến trường” như vậy thì mệt mỏi vô cùng. Nhiều người bảo tại tôi dạy con chưa đúng phương pháp. Vậy chuyên gia có thể tư vấn giúp tôi phương pháp dạy con tính ngăn nắp, cẩn thận vì tôi không muốn con gái của mình sau này sẽ vụng về, “đụng đâu hỏng đó”.
Mai Oanh (Q.3)

Bí quyết dạy con ngăn nắp, cẩn thận 4

Dạy con luôn là một nghệ thuật và đòi hỏi ba mẹ không chỉ là một nghệ sĩ mà phải là nghệ sĩ đa tài, đa năng với hàng ngàn tố chất: Đúng phương pháp, kiên nhẫn, bền bỉ, khi nhu khi cương và quan trọng hơn là bản thân (bắt buộc) phải là tấm gương để trẻ noi theo.

Phương Tây có câu “Children see, children do” (tạm dịch: Trẻ em nhìn thấy gì, chúng sẽ làm theo cái đó) bởi ở trẻ nhỏ, khả năng nhận thức chưa chín muồi, chúng không thể hiểu hết lý do sâu xa những việc được người lớn hướng dẫn. Trẻ con không thể phân biệt lý do thực sự của việc cất cái ly uống nước đúng vị trí với việc vứt lung tung trên sàn nhà bởi với chúng, miễn nơi nào có thể để được, trừ phi các bé thường xuyên nhìn thấy người khác luôn cất ly đúng vị trí, hoặc khi chúng quên thì được nhắc nhở và giải thích một cách cụ thể nhất, hoặc việc này sẽ được thiết lập bởi phương thức kỷ luật: Phạt, cắt bớt đặc quyền, ăn đòn…

Hai bé nhà bạn đang ở giai đoạn “cực kỳ cần được làm mẫu” cũng như sự khích lệ cần thiết để tập cho các cháu tính ngăn nắp gọn gàng. Thay vì luôn bực bội khi thấy con bừa bộn và cảm thấy bình thường những lúc chúng không bừa bộn, bạn hãy tập trung khen ngợi những khi chúng làm được một việc gọn gàng. Ví dụ hôm nào chúng chơi xong nhưng ít bừa bộn hoặc thậm chí chỉ dọn dẹp qua loa, bạn cũng nên khen ngợi: “Ái chà, hôm nay các con gọn gàng hơn bữa trước rồi đấy, mẹ thích như vậy hơn, bữa sau thu dọn gọn chút nữa thì còn giỏi hơn đó”.

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng phải là người ngăn nắp để khi yêu cầu trẻ gọn gàng, bạn có thể minh họa trực tiếp: “Coi mẹ nè, dù bận rộn nấu ăn cho cả nhà, giặt đồ phơi đồ nhiều nhưng đồ đạc mẹ luôn để gọn gàng, đẹp mắt. Vậy thì đồ chơi tụi con cũng nên sắp xếp thật gọn nhé”. Trẻ con thường không hiểu ý nghĩa từ gọn gàng nên bạn hãy hướng dẫn cụ thể cách cất đồ và làm một vài lần thay vì chống tay ra lệnh: “Dọn đồ chơi ngay!”.
Trong trường hợp “nhẹ nhàng, kiên nhẫn” mà vẫn không vào quy củ, bạn hãy đề ra những quy định rõ ràng, ngưng mua đồ chơi mới hoặc “đe dọa” bằng hình thức hoán đổi nếu hai bé tị nạnh nhau: “Mẹ cất đồ chơi, chị hai lau nhà, Út quét nhà rồi hai đứa nấu cơm nhé!”.
Dạy trẻ nhỏ rất cần sự hướng dẫn cụ thể, khen ngợi đúng lúc và kiên nhẫn. Chúc bạn và các bé sẽ giải quyết được nhiệm vụ này một cách nhẹ nhàng nhất.

Theo sự tư vấn của Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý tưởng Việt)

 

Tags:

Bài viết liên quan