Chuyện “nuôi con kiểu Tây” đã một thời rộ lên thành “phong trào” với các bà mẹ Việt, rồi nhanh chóng mất dần độ hot vì khó khả thi do khác biệt lối sống Tây – ta. Tuy nhiên, nếu biết chọn lọc và bỏ qua những phương pháp không phù hợp, các mẹ Việt vẫn có thể học ở mẹ Tây những chiêu rất hay để áp dụng cho con yêu của mình.
Không ấp ủ quá nhiều
Với mẹ Tây, từ thuở lọt lòng con lọt lòng đã cho con ngủ riêng. Tuy nhiên, điều này khó áp dụng với mẹ Việt, vì điều kiện không gian sinh hoạt, cũng như thể trạng các bé Việt khác với bé Tây, rồi y tế, thói quen chăm sóc… Nhưng có một điều mẹ Việt có thể học hỏi và áp dụng, đó là việc không ôm ấp, bồng bế con quá nhiều. Với mẹ Tây, chăm sóc con trẻ nghĩa là luôn để con mình trong tầm mắt: Trên nôi, trên ghế võng, trên xe đẩy… Ngoại trừ lúc ru con ngủ hay khi thật cần, còn lại mẹ Tây ít khi nào chiều theo ý, vội vàng bồng bế, vỗ về ngay khi con khóc, đòi mình.
Thực tế chứng minh, chính việc không quá ẵm bỗng, ôm ấp giúp cho các bé Tây ít quấn, quấy, bám mẹ khi ở nhà và ra ngoài. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho bé tự lập sau này, mà con khiến mẹ có nhiều thời gian hơn để dành cho những công việc khác, đồng thời bớt vất vả hơn trong nuôi con nhỏ.
Dạy con tự lập
Có lần, trong chuyến đi Thái Lan, tôi có thời gian quan sát rát nhiều cha mẹ Tây đưa con đi du lịch. Hầu hết các bé, tuy nhỏ xíu nhưng đều có vali du lịch riêng của mình. Thật ngộ nghĩnh, vì nếu là cha mẹ Việt, các bé mới 4,5 tuổi sẽ bồng bế trên tay hoặc dắt đi kè kè. Bé Tây thì tự tay kéo chiếc vali nhỏ xíu đầy màu sắc của mình, tự theo sát bố mẹ. Trước chuyến đi, các bé tự chọn đồ mình thích dưới sự tư vấn của cha mẹ, tự xếp đồ vào vali và được phân công tự quản vali của mình. Ngoài ra, nếu là đi biển, các bé lớn đã được học bơi và dạy một số kĩ năng ứng phó trên biển, những điều nên làm, không nên làm. Vậy nên, khi đi trên thuyền ra đảo, các bé Tây 9,10 tuổi có thể chạy nhảy thoải mái. Khi đi vào vịnh, có bé còn chèo thuyền phao rất thành thạo hơn cả nhiều người lớn trên tàu.
Mẹ Tây còn dạy con tự lập trong chuyện mặc quần áo, ăn uống. Hầu hết, bé từ 3 tuổi trở lên đã tự mặc quần áo cho mình không đợi ba mẹ mặc cho, cũng tự múc thức ăn ăn không chờ ba mẹ đút.
Khi đi du lịch, bé Tây đã được tìm hiểu nhiều kĩ năng và tỏ ra rất độc lập với cha mẹ
Tìm ra năng khiếu của con
Có một điểm hơi khác biệt giữa mẹ Việt và mẹ Tây, đó là nhiều mẹ Việt muốn con phát triển theo điều mình và xã hội mong muốn, còn mẹ Tây thì để con phát triển theo năng khiếu và sở nguyện của con. Chính vì thế, trẻ con Việt lớn lên,làm bác sĩ nhưng luôn mơ mộng làm diễn viên, kĩ sư thì ấp ủ nghề ca hát… là điều không hiếm. Với mẹ Tây, điều quan trọng là định hướng. Còn bé thích âm nhạc sẽ được khuyến khích học nhạc, mê vẽ sẽ được cho học vẽ…
Mẹ Tây thường khuyến khích con phát triển theo năng khiếu và sở thích, hơn là làm theo điều cha mẹ và xã hội mong muốn
Cho bé phát triển theo đúng năng khiếu và sở trường của mình, bé mới dễ có niềm yêu thích, đam mê, để rồi khi trưởng thành mới có thể say mê và yêu thích việc mình làm, cảm thấy hạnh phúc trong công việc và dễ dàng thành công.
Khuyến khích và răn đe
Một cái hay nữa ở mẹ Tây, đó là biết thưởng, phạt phân minh. Bé Tây sẽ nhận được những khuyến khích từ cha mẹ trong việc thử nghiệm cái mới, nhận lời khen ngợi khi làm điều tốt và ngược lại, bị phạt rất nghiêm túc khi làm việc sai. Thay vì trừng phạt bằng roi vọt, mẹ Tây sẽ để cho con tự suy nghĩ, nghiền ngẫm về lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi.
Cách dạy con kiểu biết khuyến khích, răn đe nói trên sẽ giúp bé có được sự mạnh dạn khám phá cái mới, biết việc mình làm là đúng, sai, biết nhận thức sai lầm và chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình.
Vài “chiêu” của mẹ Tây, nhìn đơn giản những áp dụng không dễ. Nhưng nếu cố gắng áp dụng một cách hợp lý, ngoài việc giúp con có được những kĩ năng tốt, tạo tiền đề cho bé trở thành con người độc lập, mạnh mẽ và sáng tạo sau này, mẹ Việt còn giúp chính mình nhẹ nhàng, thoải mái hơn trong việc nuôi dạy con.
Vậy thì, còn chần chừ gì mà không thử học chiêu của mẹ Tây đi nào, mẹ Việt ơi!