Nhà văn La Mã sống ở thế kỷ thứ I trước Công nguyên cho rằng: “Lời nói là tấm gương của tâm hồn. Anh nói như thế nào thì anh là người như thế đó”. Từ đó có thể thấy rằng lời nói của một người phản ánh rất nhiều về nhân cách của họ. Vì thế, nếu bạn muốn con trở thành người vui vẻ, tự tin vì được mọi người yêu mến, trân trọng, hãy chăm chút trong việc dạy kỹ năng giao tiếp cho con. Đương nhiên, trong đó cảm ơn và xin lỗi là hai từ quan trọng nhất.
Lời cảm ơn, xin lỗi được thốt ra từ miệng trẻ thơ chính là cách hữu hiệu để người khác đánh giá cách bạn nuôi dạy con cái. Những đứa trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi sẽ học được rất nhiều về sự lễ phép và cách đối nhân xử thế. Nhờ đó, khi trưởng thành, con cũng sẽ là người điềm đạm, có nhiều bạn bè và luôn được yêu mến, nể trọng. Việc này có khó không? Sẽ không đâu, bố mẹ ạ! Dưới đây là một số “mẹo vàng” dành cho quý phụ huynh.
Ba mẹ hãy là tấm gương quý nhất
Đặc điểm chung của trẻ em là hay quan sát và thích bắt chước người lớn. Nói một cách ví von, con cái chính là sản phẩm của “tấm gương” bố mẹ. “Lợi dụng” điều này, ngay từ lúc chúng còn nhỏ, ba mẹ nên chú ý từ lời ăn, tiếng nói đến hành động của mình để đưa con trẻ vào khuôn khổ của gia đình.
Được như vậy, sẽ không một đứa trẻ nào có thể cư xử kém lễ độ nếu hàng ngày tai nghe, mắt thấy “tấm gương” của mình nói lời xin lỗi khi làm sai và thể hiện sự biết ơn chân thành khi được người khác giúp đỡ.
Xây dựng tình huống cho con thực hành
Các tình huống giả định đóng vai trò quan trọng trong việc dạy con, nhất là việc hình thành thói quen nói lời cảm ơn và xin lỗi của trẻ nhỏ. Để tôi luyện cách ứng xử này, phụ huynh nên đưa ra các tình huống và đặt câu hỏi, ví dụ như: Khi người lớn cho quà bánh, con phải nói thế nào? Khi lỡ tay làm bạn đau, con phải làm sao? Sau đó là định hướng để bé có câu trả lời đúng.
Song song đó, khi gặp phải tình huống tương tự trong thực tế nhưng bé quên nói lời cảm ơn hay xin lỗi, ba mẹ hãy gợi ý cho bé thực hiện ngay và luôn nhé. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành “phản xạ có điều kiện” khi gặp những tình huống ấy trong giao tiếp hàng ngày với mọi người.
Lời cảm ơn có sức cuốn hút hơn cả một nụ cười – Ảnh minh họa
Khen ngợi đúng lúc, uốn nắn kịp thời
Trẻ em rất thích được khen ngợi. Lời khen đúng lúc giống như liều thuốc bổ giúp gia tăng sự tự tin, khơi gợi sự nỗ lực trong trái tim trẻ nhỏ. Cho nên, khi thấy con biết nói lời cảm ơn vì được giúp đỡ và xin lỗi khi làm sai, ba mẹ đừng quên trao tặng lời khen ngợi như một cách khích lệ con nhé. Ngược lại, nếu bé chậm tiếp thu hoặc làm sai, phụ huynh đừng vội nóng giận hãy nhắc nhở con kịp thời, tránh để sai lầm đó “nguội” đi rồi mới uốn nắn sẽ không còn tác dụng nữa.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên “tiết kiệm” lời khen của mình, đừng để trẻ “vin” vào đó và ỷ lại, nghĩ rằng mình luôn luôn đúng. Ngược lại, sự khắt khe quá mức cũng là điều cần tránh, nếu không muốn con nhụt chí và từ bỏ mọi cố gắng.
Nói cảm ơn, xin lỗi khi thích hợp
Không nhất thiết phải nói cảm ơn, xin lỗi ngay lập tức. Trẻ con cũng có… “sĩ diện” rất đáng yêu.
Trong trường hợp chúng bị bạn bè ăn hiếp nhưng cũng đánh lại, rõ ràng lỗi sai là ở bé nhưng đối phương mà bé làm tổn thương cũng không hề đúng. Lúc này, bé yêu có thể đang bực tức, chưa nguôi giận… Vậy thì, ba mẹ cũng đừng nên một hai bắt bé yêu nói ra lời xin lỗi ngay lập tức nhé. Cách xử lý thích hợp nhất trong chuyện này, đó là để cơn giận của con nguôi ngoai đi, giải thích cho bé hiểu hành động của mình chưa đúng. Nhận ra lỗi lầm của mình, bé sẽ tự động, tự nguyện xin lỗi người khác chứ không phải xin lỗi cho có theo sự “bắt ép” của cha mẹ.
Sự chân thành trong lời nói
Lời nói sẽ không hề có giá trị nếu như nó không ẩn chứa sự chân thành. Song song với việc dạy con biết nói cảm ơn – xin lỗi, ba mẹ cũng cần chú ý đến sự chân thành hay không trong lời nói khi trẻ thốt ra miệng.
Một đứa trẻ chỉ thực sự được gọi là trẻ ngoan, nếu chúng nói cảm ơn khi trong lòng thực sự cảm kích chứ không phải vừa nói cảm ơn, sau đó quay ra dè bỉu sau lưng. Tương như như vậy, lời xin lỗi cũng cần được thốt ra khi thực sự hối lỗi chứ không phải vừa nói xin lỗi, đã quay ra phủ nhận sau đó. Ở bất cứ đâu, sự chân thành luôn được đề cao. Ba mẹ nhớ nhé!
Cách thể hiện thông điệp cảm ơn, xin lỗi
Lời cảm ơn, xin lỗi không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà nó còn có thể bày tỏ qua ngôn ngữ cơ thể như nét mặt, ánh mắt và cả hành động… Ví dụ như khi bà cho kẹo, bé có thể tặng lại một cái ôm thật chặt thay cho lòng biết ơn sâu sắc.
Tương tự, để bày tỏ rằng mình rất tiếc vì những gì đã làm, ngoài lời nói bé cũng có thể tặng một món quà nhỏ như bức tranh tự vẽ, bông hồng tự làm. Món quà này có thể gửi gắm được nhiều hơn những gì bé muốn nói.
Nói lời xin lỗi khi sai, nghĩa là bé đang làm đúng – Ảnh minh họa
Người lớn cũng cần nói lời xin lỗi
Đừng nghĩ rằng chúng ta là người lớn, đương nhiên có quyền không cần nói lời cảm ơn, xin lỗi với trẻ nhỏ. Tình cảm và cả sự tôn trọng không thể xuất phát một chiều, bạn ạ. Khi trẻ em làm việc tốt như giúp đỡ người lớn, chúng có “nhu cầu” được cảm ơn. Hay khi người lớn có lỗi, trẻ cũng cần được nghe từ bạn một lời xin lỗi chân thành. Vì thế, hãy từ bỏ ngay ý nghĩ trẻ con không biết gì hay “ta là người lớn, ta có quyền” nhé. Trẻ con nhạy cảm hơn bạn tưởng đấy.
Lời cảm ơn và xin lỗi trẻ xuất phát từ bậc trưởng bối như cha mẹ, ông bà không hề khiến người lớn “mất mặt” mà chỉ khiến trẻ khâm phục, ngưỡng mộ và tin tưởng chúng ta hơn mà thôi.
Ba mẹ ơi!
Dạy trẻ nói lời cảm ơn, xin lỗi không chỉ đơn thuần là một thước đo về sự giáo dục trong mỗi gia đình. Bởi bạn dạy con là vì chính con, vì muốn trang bị hành trang vững chắc cho con vào đời chứ không để chứng tỏ cho người khác thấy bạn là một phụ huynh tốt như thế nào.
Do đó, tuy việc này không đến nỗi phức tạp, nhưng để trẻ có thể thực hành như một thói quen cần sự kiên trì, nhẫn lại và cách hành xử tinh tế từ ba mẹ. Bạn có thể làm được điều đó mà, đúng không nào?
Chỉ có hai từ nhưng cảm ơn, xin lỗi lại là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa con người với nhau. Đừng tiết kiệm những lời nói kỳ diệu ấy, nếu chúng có thể giúp bạn góp phần chiếm được cảm tình, sự tin tưởng của người khác.
Cảm ơn, xin lỗi – hai từ được ví như món trang sức giản dị nhưng vô cùng quý giá, làm tỏa sáng bất cứ ai mang nó bên mình, không phân biệt giới tính, đẳng cấp, xuất thân… Vì thế, chẳng bao giờ là dư thừa nếu bạn trang bị cho con cái món trang sức không bao giờ lỗi mốt này.