Mẹ&Con - Vì một phút 'lãng đãng', bạn đã lỡ vung tay quá trán. Cuối tháng, ngắm lại sổ thu chi của gia đình, mồ hôi bỗng dưng… tứa đầm đìa khi bạn nhận ra các khoản của tháng sau đã bị cắt xén từ trước đó! Bí quyết chọn mỹ phẩm tốt và tiết kiệm trong mùa Tết 5 chiêu sắm Tết siêu tiết kiệm bạn nên biết Học cách tiết kiệm thời lạm phát

Làm sao để nhanh chóng lấy lại sự “thăng bằng” cho quỹ gia đình, khi bạn lỡ “bội chi” vì những lý do như nghỉ Tết, nghỉ lễ, lỡ hứng lên mua một món đồ giá trị? Cũng cần có vài kỹ năng nho nhỏ để cân đối lại nhanh chóng thay vì để ngày càng nợ chồng nợ chất đấy!

Bí quyết cân bằng chi tiêu khi lỡ... vung tay quá trán 9

1. Tính xem mình đã “hụt” bao nhiêu?

Nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy mình đã “tiêu lẹm” nhiều quá, hoang mang với nợ, song lại không biết chính xác con số “nhiều nhiều” đó là… bao nhiêu thì bạn chỉ có thể hoảng thôi, chứ không thể bình tĩnh tính tới chuyện cân đối lại được.

Việc đơn giản trước tiên cần làm là mạnh dạn ngồi xuống, đối diện với “thực tế”, tính xem mình đã lỡ vung tay quá trán nhiều đến mức nào. Con số này nếu chỉ ở tầm vài triệu thì khá dễ, song nếu lên đến vài chục triệu thì khó hơn rồi đấy. Chính việc đối diện thực tế này sẽ giúp bạn hiểu mục tiêu mình cần làm là gì, con số cần “khắc phục” chính xác là bao nhiêu.

2. Đừng dồn lại cân bằng… cái rụp!

Giả sử bạn lỡ tiêu lẹm cho một chuyến du lịch của cả gia đình đến 30 triệu đồng. Bạn muốn mau chóng cân đối lại ngay trong… tháng sau thì quả là chuyện toát mồ hôi hột và rất khó khả thi. Khi “khó” quá như vậy, bạn sẽ nản và dễ bỏ cuộc, loay hoay với bài toán kinh tế gia đình. Ngược lại, nếu bạn thôi trách mình và thầm nhủ: “Giờ mình sẽ cho mình thời gian 6 tháng để khắc phục lại khoản này!”, thì việc sẽ dễ hơn nhiều. Vì điều đó đồng nghĩa bạn chỉ cần tiết kiệm tăng cường mỗi tháng thêm 5 triệu đồng.

Tất nhiên, tình hình kinh tế của mỗi gia đình mỗi khác. Song, chuyện giống nhau ở đây là một khi bạn đã nhận ra mình lỡ chi quá tay ở một thời điểm nào đó, thì việc cân đối lại sẽ dễ dàng hơn khi bạn giãn ra, cho mình một khoản thời gian đủ nhiều để “khắc phục hậu quả ban đầu”.

3. Tìm ra những khoản có thể tiết kiệm hợp lý

Muốn “bù” lại một khoản đã lỡ vung tay quá trán, không có cách nào dễ thực hiện hơn là bạn cần tìm ra cho được những gì có thể tiết kiệm trong các tháng tới và thắt lưng buộc bụng. Chẳng hạn trong 3 tháng tới, ngoài những khoản tiết kiệm như bình thường, bạn phải để dành thêm 3 triệu/tháng để “khắc phục hậu quả”. Con số này thấy nhỏ nhưng không nhỏ chút nào khi yêu cầu bạn phải “cắt thêm” (tức là tìm cách tiết kiệm thêm sau khi đã tiết kiệm một số thứ thông thường rồi).

Bí quyết cân bằng chi tiêu khi lỡ... vung tay quá trán 10

Bạn sẽ phải nhìn lại và tạm ngưng chi một số thứ trong thời gian ngắn hạn. Ví dụ bình thường ngoài tiền chợ, bạn có thêm tiền cho cả gia đình ăn ở ngoài nhà hàng ngày chủ nhật thì khoản “chủ nhật” này sẽ được cắt tạm, thay thế bằng những bữa ăn nấu tại nhà. Hoặc giả sử bạn có “ngân sách” để mua sắm quần áo khoảng 500 ngàn đồng/tháng thì trong 3 tháng tới, khoản này sẽ được cắt đi.  

4. Bán đi vài món đồ…

Trong nhà, bao giờ bạn cũng có một số món đồ khá giá trị nhưng bạn ít khi dùng tới. Hãy thử nhìn lại một vòng quanh nhà, xem bạn có thể bán đi vài món ít dùng (nhưng vẫn tiếc tiếc, cứ giữ lại lâu nay). Vài bộ váy áo bạn ít dùng, vài chiếc túi xách, một chiếc xe đạp còn mới nhưng “xếp xó” đã nửa năm nay… rất nhiều thứ bạn có thể tìm ra và “thanh lý”. Một mặt, việc này giúp bạn dọn nhà gọn hơn, mặt khác chúng sẽ tạo ra một “khoản thu” nho nhỏ, đủ cho bạn bù vào những gì đã lỡ vung tay quá trán.

5. Khuyến khích cả nhà cùng tiết kiệm

Đừng làm căng thẳng thêm không khí gia đình vì áp lực “tiền tiền tiền” cứ đè nặng. Thay vào đó, bạn hãy chia sẻ chân thành tình hình hiện tại với gia đình, chẳng hạn như Tết rồi về quê, nhà mình tiêu dùng các khoản hơi quá tay, nên hụt vào khoản để dành đến 30 triệu, giờ muốn tiết kiệm lại để “bù lỗ” thì cả nhà nên chung sức với nhau.

Khi cả nhà cùng hiểu, cùng vui vẻ tiết kiệm thì mọi việc sẽ dễ hơn rất nhiều. Chẳng hạn thay vì ăn sáng ngoài hàng quán, những tháng tới anh xã và các con sẽ thoải mái đón nhận những bữa sáng bạn chuẩn bị tại nhà. Tương tự, hãy hợp sức cả gia đình cùng tiết kiệm điện, nước, xăng xe, bớt các khoản quà vặt hoặc giải trí, tìm cách thay thế bằng những gì ít tốn kém hơn.

6. Tìm một khoản thu mới

Bên cạnh việc “thanh lý” bớt các món ít dùng trong nhà, thì việc cố gắng tìm thêm một công việc buổi tối sẽ giúp bạn cân đối lại quỹ gia đình nhanh chóng. Công việc này không nhất thiết phải dài hạn mà chỉ cần thời vụ ngắn hạn thôi (tùy vào thời gian bạn cần để “khắc phục hậu quả”). Tất nhiên sẽ mệt hơn một chút, song nếu bạn khéo thu vén, mọi thứ sẽ đâu vào đó. Một số công việc tại nhà thời vụ mà bạn có thể tìm là dịch thuật, làm các đồ thủ công, dạy kèm, bán các món ăn bạn tự làm, may vá…  

Bí quyết cân bằng chi tiêu khi lỡ... vung tay quá trán 11

7. Có thêm một… con heo đất!

Hãy tậu thêm cho mình một con heo đất trong nhà và cứ cho vào mọi đồng xu, mọi khoản tiền lẻ lắt nhắt bạn vớ được trong nhà. Thấy thì đúng là chẳng đáng là bao. Song, sau một khoản thời gian, “mổ heo” ra, bạn sẽ bất ngờ khi con heo đất thấy vậy mà lại giúp bạn thêm một khoản không nhỏ để phụ vào giải quyết chuyện vung tay quá trán trước đó.

8. Đừng để chuyện này lặp lại!

Đúng thế! Trừ những khoản chi đột ngột bất khả kháng như đau bệnh, cưới hỏi…, còn lại bạn nên thật sự quản chặt chi tiêu gia đình. Tránh hứng lên thì mua ngay một thứ gì đó quá sức mình, để rồi sau đó lại méo mặt vì… cân đối lại tài chính. Có những người đầu tháng lãnh tiền, liền mua sắm, đưa con cái đi chơi, tiêu pha đầy “sung sướng” để rồi chỉ đến nửa tháng nhìn lại, thì mình đã hết sạch cả phần dự phòng cho nửa tháng sau. Nếu không nhìn thấy và thay đổi cách tiêu tiền này, cho rằng cứ “thích là nhích” thì bạn sẽ thường xuyên rơi vào tình cảnh mệt mỏi như mô tả của phần mở đầu bài viết này đấy. 

Tags:

Bài viết liên quan