Chào bác sĩ! Bố cháu cao 1,62m, còn mẹ cháu cao 1,57m. Năm nay cháu 13 tuổi, cao 1,5m. Ở lớp, cháu nằm trong top những người lùn nhất. Bây giờ cháu phải làm cách nào để cải thiện chiều cao được ạ?
Nguyễn Quỳnh (Bình Thuận)
Chào cháu,
Theo các nghiên cứu khoa học, di truyền chỉ đóng góp 23% về chiều cao, 77% còn lại được quyết định bởi môi trường sống bao gồm 32% do dinh dưỡng, 25% tình trạng bệnh tật và giấc ngủ, 25% vận động thể dục thể thao. Vì vậy bố mẹ dù “bé con” vẫn có thể cải thiện chiều cao cho bé nếu biết cung cấp dinh dưỡng đúng cách kết hợp với vận động thể chất phù hợp với từng độ tuổi.
Có ba giai đoạn phát triển chiều cao. Đó là giai đoạn trong bào thai, ba năm đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì kéo dài đến hết dậy thì. Trong giai đoạn cuối cùng, ở trẻ gái, chiều cao phát triển nhanh nhất trước khi dậy thì (trước khi hành kinh) và sau đó tăng chậm lại.
Thông thường, chiều cao của con người sẽ ngừng phát triển ở độ tuổi 25. Do vậy cháu hãy tận dụng khoảng thời gian còn lại để thực hành thật tốt cùng lúc cả ba yếu tố “Ăn đúng, ngủ sớm, tập đều”. Một vài gợi ý dưới đây có thể sẽ có ích cho cháu:
- Chế độ ăn: Cần đảm bảo đủ chất đạm, đủ năm nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn chính gồm bột, béo, đạm, rau, trái cây. Dùng thêm sữa và các sản phẩm từ sữa ít nhất 500-600 ml mỗi ngày. Hạn chế uống nước ngọt có ga.
- Ngủ sớm: Cháu nên ngủ trước 22h. Hóc môn tăng trưởng tiết ra tối đa từ 23h tới 2-3h sáng, nhờ đó xương sẽ dài ra.
- Tập luyện: Cần duy trì thường xuyên 60 phút mỗi ngày. Cháu nên chọn các môn thể thao giúp kéo giãn xương như bơi lội, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, nhảy dây, yoga…
Theo sự tư vấn của BS.CKI TRẦN NGUYÊN KHÔI (Khoa Nội Nhi 3, Bệnh viện Nhi Đồng II)