Mẹ&Con - Nhìn con ngằn ngặt khóc hoặc cứ trằn trọc suốt đêm, bạn lo lắng tự hỏi: Sao kỳ vậy? Sao con người ta ngủ ngon lành còn con mình thì cứ ban ngày ngủ, ban đêm lại thức, khóc không yên? Chăm sóc giấc ngủ cho bé Những việc nên và không nên khi cho bé ngủ 4 cách giúp trẻ có giấc ngủ ngon

Có mẹo nào giúp bé say giấc nhanh chóng không?

Thật ra là… có đấy! Điều quan trọng thứ nhất bạn cần biết là khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, cần cho bé lên giường ngay. Ví dụ khoảng 8 giờ tối, bạn đã thấy bé có vẻ đòi lên giường rồi, nhưng vì một lý do gì đó, bạn dùng dằng thêm độ 1 tiếng nữa. Sau 1 tiếng này thì có khi bé đã quá giấc (qua cơn buồn ngủ), bé sẽ trằn trọc hồi lâu chứ không thể ngủ ngay nữa như bạn tưởng.

Tương tự như thế, không nên bắt bé đi ngủ quá sớm khi chưa đến giờ ngủ của bé, làm cho bé khó đi vào giấc ngủ và thấy khó chịu. Mỗi bé ở giai đoạn đầu đời có một nhịp sinh học riêng. Vì vậy nếu bé chưa đến giờ ngủ thì bạn không cần vội vàng, điều này sẽ mang đến tác dụng ngược.

bi-kip-tap-cho-be-ngu-ngoan-ban-dem

Lời khuyên thứ hai dành cho bạn là không nên cho bé thức – ngủ theo kiểu tùy tiện, mỗi ngày mỗi khác. Từ vài tháng tuổi, bạn đã có thể “tập” cho bé có giờ ăn, giờ ngủ nề nếp, đâu vào đấy. Bạn hỏi: Trẻ còn bé quá chưa phân biệt được ngày đêm, giờ giấc thì làm sao tập cho bé đúng giờ? Thật ra, điều này không khó. Trẻ còn rất nhỏ, nhưng trẻ có độ nhạy cảm riêng của mình. Mỗi ngày, vào đúng một khoảng thời gian nhất định, nếu bạn thực hiện lặp đi lặp lại những việc như: Thay cho bé một bộ đồ ngủ riêng (không mặc ban ngày), vặn nhỏ tất cả các âm thanh trong nhà cho yên tĩnh, tắt bớt đèn chỉ để lại ánh sáng đèn ngủ thật dịu. Sau đó vỗ về bé một lúc. Tất cả những điều này khi thực hiện nhịp nhàng thì đồng hồ sinh học của bé sẽ tự “thiết lập” trật tự riêng của mình, không còn thức – ngủ lộn xộn nữa.

Ở trẻ quá nhỏ (từ vài tháng tuổi đến 1 tuổi), đôi khi bé sợ ngủ vì có cảm giác không yên tâm là bị tách rời khỏi mẹ. Vì thế, trong giai đoạn đầu đời này, muốn bé ngủ ngon thì nhất thiết bạn phải tạo được cho bé cảm giác yên tâm. Bình thường nên vỗ về con thường xuyên, chăm lo cho con để con luôn có cảm giác gần mẹ và không lo lắng. Trước khi bé ngủ, nên hát ru, kể chuyện cổ tích cho bé nghe, ngồi bên cạnh vỗ về bé. Những việc làm ấy sẽ khiến bé không còn cảm thấy cô đơn và “sợ” ngủ.

Một vấn đề khác bạn sẽ đặt ra khi muốn trẻ ngủ ngon là: Có nên cho con ngủ chung phòng, chung giường với mẹ không? Thật sự nếu gia đình đủ rộng và có điều kiện có phòng riêng thì bạn nên sớm cho trẻ ngủ riêng, hoặc tối thiểu là cho trẻ ngủ chung phòng nhưng khác giường và sớm tách trẻ ra khi trẻ được trên 3 tuổi.

Việc ngủ một mình sẽ khiến bé nếu thức dậy giữa đêm không còn hoảng sợ, trằn trọc, kêu khóc mà có thể ngủ lại một cách tự nhiên sau đấy. Việc ngủ một mình sớm cũng là cách rèn luyện cho trẻ tính tự chủ, độc lập sau này.

Bé yêu của bạn khó lòng ngon giấc, nếu…

Có một số điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của trẻ hàng ngày và bạn nên biết để tránh cho bé. Thứ nhất, khi bé đã được khoảng 6 tháng tuổi, bé không cần ăn đêm nữa mà đã có giờ giấc ăn đàng hoàng. Bạn không nên cứ thấy trẻ thức giấc là cho bú sữa vì điều này sẽ hình thành cho bé thói quen thức thường xuyên và đòi ăn đêm thường xuyên, khiến mẹ vất vả hơn, đồng thời khiến hệ tiêu hóa không được nghỉ ngơi, làm xáo trộn cơ thể.

bi-kip-tap-cho-be-ngu-ngoan-ban-dem

Thứ đến, với trẻ đã từ 1 tuổi trở lên, giấc ngủ trưa vẫn rất quan trọng nhưng bạn không nên cho bé ngủ trưa muộn nữa vì nó ảnh hưởng đến giấc ngủ tối của trẻ. Trước khi trẻ đi ngủ, tránh cho trẻ chơi những trò chơi kích động, xem những cảnh tượng bạo lực trên phim. Bạn cũng nên hạn chế tối đa việc vợ chồng tranh cãi trước mặt con. Vì những yếu tố này sẽ làm bé hốt hoảng, bất an, giấc ngủ khó mà sâu được.

Gia đình cũng nên chú ý về phòng, giảm bớt các hoạt động náo nhiệt ồn ào khi đã đến giờ bé ngủ. Ví dụ như nếu bạn tưởng rằng bé không biết gì, bắt bé lên giường trong khi bố mẹ vẫn đang đùa giỡn, tiệc tùng, xem tivi mở lớn thì chắc chắn trẻ không thể nào “tập trung” vào giấc ngủ được.

Bạn cũng cần lưu ý là nếu bé ngủ trong môi trường ồn ào, quá nhiều âm thanh khiến bé luôn trong tình trạng không phân biệt được âm thanh nào là cái gì thì sự phát triển tâm lý của trẻ sau này sẽ không được tốt lắm. Với ánh sáng, bé cũng đặc biệt nhạy cảm. Vì thế, phòng ngủ hoặc nơi bé ngủ nên có ánh đèn ngủ dịu nhẹ, không nên mở đèn quá sáng, cũng không nên tắt hết đèn, vì đôi lúc bé có biểu hiện bất thường gì đó trong đêm bạn có thể phát hiện dễ dàng.

Với chăn nệm, bạn nên sử dụng các loại chăn mềm nhẹ, không có nhiều bông vì các bụi lông nhỏ li ti sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con. Nhiệt độ trong phòng cũng cần đảm bảo để không quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu phòng bé có cửa sổ, bạn cần đóng kín cửa sổ trước khi bé ngủ vì những cơn gió lạnh đột ngột trong đêm có thể khiến con bị lạnh. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo là phòng đủ thoáng khí để trẻ không bị ngạt khi đóng hết cửa bít bùng.

Ngoài ra, tư thế nằm ngủ cũng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, chi phối việc trẻ ngủ có ngon hay không. Trẻ nên nằm nghiêng sang phải (để không tạo sức ép lên tim) hoặc nằm ngửa. Tuyệt đối không để trẻ ngủ sấp vì khi nằm sấp, trẻ có nguy cơ đột tử trong khi ngủ – nhất là với trẻ sinh non. Với những chăm chút nho nhỏ và sự “luyện tập” này, bạn có thể giúp thiên thần bé bỏng của mình có được một giấc ngủ thật tròn, thật sâu và tươi tỉnh khi thức dậy.

Tags:

Bài viết liên quan