Mẹ&Con - Nói thật là tính tôi rất đơn giản và rất thẳng. Có gì tôi nói nấy, không vòng vo, cũng không úp mở, không nói ẩn ý bao giờ. Nhưng chồng tôi thì không như thế... Chồng tôi gọi vợ bằng... nó! Làm sao 'giữ hình tượng' với con? Khi đàn bà thích... dìm nhau

Nói thật là tính tôi rất đơn giản và rất thẳng. Có gì tôi nói nấy, không vòng vo, cũng không úp mở, không nói ẩn ý bao giờ. Nhưng chồng tôi thì không như thế. Anh ấy rất hay suy diễn từ những điều nhỏ nhặt thành những điều tôi không tưởng tượng được. Chẳng hạn có lần, em gái tôi trêu: “Gừng càng già càng cay, anh rể càng già càng… hay nha!”. Đó chỉ là một câu khen vô cùng bình thường mà em gái tôi nói để khen anh rể biết cách tính toán, làm ăn giỏi. Ai ngờ về nhà, chồng tôi hầm hầm giận dữ, sau đó gắt gỏng với tôi là: “Em nói gì với bên nhà, mà để cho bé T. (tên em gái tôi) nói anh theo kiểu anh là người… sâu cay, hiểm độc(?!)”.

Tôi đã rất nhiều lần chưng hửng với cách suy nghĩ của chồng. Hàng xóm nói một câu rất bình thường ảnh cũng bảo tôi đừng sang chơi bên ấy nữa, họ toàn mỉa mai mình. Về đến quê, ban đầu người ta chỉ nói chuyện bình thường, ảnh nghĩ sao lại đốp chát lại theo ý rất sâu xa khiến bà con giận luôn. Ngay cả hai vợ chồng nói chuyện với nhau, ảnh cũng hay bắt bẻ bảo tôi “có ý gì” khi nói như thế, trong khi thật tình tôi chẳng “có ý gì” cả. Phải làm sao với một ông chồng thế này hở Mẹ&Con?

Thùy A.
(Quận 10)

 Ý kiến chuyên gia

Thông thường, đàn ông là người hay nói thẳng thắn, ít vòng vo và ít ẩn ý. Phụ nữ mới là người hơi nhạy cảm, dễ nghĩ sâu xa hơn “bề mặt” của những câu nói, những cách hành xử. Trong trường hợp một người đàn ông lại quá nhạy cảm như thế, hay suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực những nhận xét về mình, bạn nên xem lại xem anh ấy có đang che giấu một sự “mặc cảm” ngấm ngầm nào hay không.

Thường, chỉ khi đang có một sự mặc cảm thì khi nghe những câu nói tưởng chừng “không có gì”, người đàn ông mới dễ suy luận thành ẩn ý này khác. Cũng có thể môi trường sống (trước đây) hoặc môi trường làm việc của anh ấy khá phức tạp, nhiều chuyện “bằng mặt mà không bằng lòng” dẫn tới anh ấy có thói quen thường suy diễn và nghĩ phức tạp mọi thứ lên, nhạy cảm với từng lời nhận xét, khen chê về mình như thế.

Để thay đổi điều này không đơn giản. Tuy nhiên, về phía mình, bạn hoàn toàn có thể nói rõ với chồng một lần, rằng: “Tính em như vậy, nếu cần nói gì về anh, em sẽ nói rất thẳng thắn…”. Hi vọng chồng sẽ hiểu. Ngoài ra, như tôi đã nói, muốn giúp “trị” tận gốc việc này, chỉ có cách tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn, giúp giải tỏa dần để anh ấy hoàn toàn không còn mặc cảm, thấy tự tin và ít suy diễn theo chiều hướng tiêu cực những câu nói của mọi người. Một người tự tin về bản thân cũng sẽ biết cách ít quan tâm quá nhiều đến chuyện người khác nói sao về mình, hiếm khi về nhà “gây” với vợ chỉ vì một câu nói của… em vợ mình như thế!  

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao 

Tags:

Bài viết liên quan