Vì bệnh hen suyễn liên quan đến quá trình viêm nên thực phẩm tác động đến tình trạng viêm có thể gây ra các triệu chứng và ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của cơn hen ở một số người bệnh. Phản ứng dị ứng với các loại thực phẩm khác nhau cũng có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Ngược lại, các chất dinh dưỡng bao gồm vitamin C, D và E cũng như selen, chất xơ và một số loại chất béo,… lại có thể giúp bạn kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn.
Thực phẩm tốt cho người bệnh hen suyễn
Những thực phẩm nguyên chất, nhiều dinh dưỡng được liệt kê dưới đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Cà rốt
Giàu beta-carotene và vitamin C, cà rốt chứa chất chống oxy hóa chống viêm có thể giúp bảo vệ đường thở khỏi bị tổn thương. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào hô hấp khỏi stress và tổn thương oxy hóa.
Bạn có thể dùng cà rốt để chế biến thành nhiều món ăn và nước uống, chẳng hạn như salad rau củ, sinh tố cà rốt, nước ép cà rốt thơm, súp rau củ,… Dùng sống hoặc nấu nhanh sẽ đảm bảo cà rốt giữ được độ giòn và bảo quản được nhiều vitamin C chứa trong cà rốt.
Cam quýt và các loại trái cây có múi
Người bị bệnh hen suyễn nên lựa chọn bổ sung các loại trái cây có múi vào trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình. Cam, chanh, bưởi,… và những loại trái cây có múi khác rất giàu vitamin C tăng cường sức đề kháng và bảo vệ tế bào hô hấp.
Bên cạnh đó, người bị bệnh hen suyễn nên ăn nhiều trái cây có múi bởi các loại trái cây này giúp bổ sung một lượng nước dồi dào cho cơ thể. Ăn các loại quả có múi giúp góp phần hydrat hóa, từ đó làm giảm các cơn hen suyễn do tập thể dục.
Quả hạnh nhân
28 gram hạnh nhân chứa khoảng 45% lượng vitamin E khuyến nghị hàng ngày. Vitamin E từ hạnh nhân để giúp bảo vệ lớp màng mỏng manh của hệ hô hấp, giúp hạn chế hệ hô hấp của bạn bị tổn thương và kích hoạt cơn hen suyễn.
Cá hồi
Nếu bạn bị bệnh hen suyễn, chất béo bạn tiêu thụ có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với sức khỏe của bạn. Khả năng chống viêm của chất béo omega-3 trong cá hồi chỉ là một trong nhiều lý do để bạn nên ăn nhiều loại cá béo.
Việc ăn các loại cá béo chứa nhiều omega-3 còn tốt cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Chất béo omega-3 làm giảm huyết áp, giảm triglycerid trong máu, giúp giảm viêm khớp trong bệnh thấp khớp, giúp duy trì chức năng não bộ và mắt ở trạng thái tốt nhất, ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ mất trí nhớ, trầm cảm, hen suyễn, đau nửa đầu, tiểu đường,… Ngoài ra, omega-3 còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Quả óc chó
Quả óc chó là một nguồn chất béo omega-3 tuyệt vời có vai trò bảo vệ hệ hô hấp khỏi tình trạng viêm quá mức. Người bệnh hen suyễn có thể thêm quả óc chó vào trong ngũ cốc, yến mạch, sinh tố, granola, salad và đồ nướng.
Cá mòi
Cá mòi chứa lượng lớn selen, một loại khoáng chất có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ tế bào. Có một số bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh hen suyễn bổ sung thực phẩm chứa selen có thể hạn chế các cơn hen đột ngột.
Việc ăn cá mòi và những loại thực phẩm giàu selen đã được chứng minh là giúp kiểm soát tình trạng viêm đường thở cũng như giảm tiết chất nhầy đường thở, đặc biệt là khi kết hợp với việc bổ sung vitamin E.
Yến mạch
Đường ruột khỏe mạnh có thể giúp phổi hoạt động tốt hơn. Do đó, người mắc bệnh hen suyễn có thể thúc đẩy vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh bằng cách ăn chất xơ hòa tan từ yến mạch.
Thực phẩm cần tránh đối với người mắc bệnh hen suyễn
Một số thực phẩm có thể làm bệnh hen suyễn nặng hơn do có khả năng gây ra phản ứng dị ứng. Tránh xa những thực phẩm này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng hen suyễn tốt hơn.
Ngoài ra, các thực phẩm khác có thể gây viêm kéo dài, điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến tình trạng hen suyễn của bạn.
Đậu phộng và các loại hạt
Đậu phộng và các loại hạt là một trong số những chất gây dị ứng phổ biến nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng. Những người không bị dị ứng với đậu phộng hoặc các loại hạt vẫn có thể ăn để bổ sung chất béo và chất xơ lành mạnh.
Thịt chế biến
Một lượng lớn thực phẩm giàu chất béo bão hòa, bao gồm các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói và xúc xích Ý, có thể gây ra tình trạng viêm quá mức khắp cơ thể. Tình trạng viêm có thể gặp ở cả phổi nói riêng và hệ hô hấp nói chung nên người mắc bệnh hen suyễn cần hạn chế dùng các loại thịt này.
Sản phẩm bơ sữa
Có nhiều bằng chứng khác nhau về việc liệu các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa, sữa chua và phô mai, có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn hay không. Sữa là một chất gây dị ứng phổ biến, nhưng một số dữ liệu cũng cho thấy sữa không gây dị ứng có thể dẫn đến các vấn đề về phổi.
Thực phẩm chứa sulfit
Những người uống rượu vang thường có thể tận dụng được lợi ích của chất chống oxy hóa có trong rượu vang đỏ. Nhưng chất sulfit trong rượu cũng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh hen suyễn.
Mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng các nghiên cứu cho thấy độ nhạy cảm với sulfite xảy ra ở 3% -10% số người mắc bệnh hen suyễn. Ngoài rượu, sulfites cũng có thể được tìm thấy như một chất bảo quản thực phẩm và trong một số loại thuốc. Do đó, nếu bạn đang mắc bệnh hen suyễn, nên kiểm tra nhãn thực phẩm để tránh dùng các chất có hại.
Thực phẩm và bệnh hen suyễn tưởng chừng không liên quan nhưng lại có mối liên kết cực kỳ chặt chẽ với nhau. Vì thế, nếu mắc bệnh hen suyễn, đừng quên cẩn thận với các loại thực phẩm mà mình dùng hàng ngày bạn nhé.