Mẹ và Con - Chiều ngày 8/7/2024, ghi nhận thông tin có trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Vậy bệnh bạch hầu là gì, có nguy hiểm không? Trẻ em có dễ mắc bệnh bạch hầu không?

Bệnh bạch hầu không phải là một căn bệnh mới. Trước đây, từng ghi nhận các trường hợp mắc bạch hầu. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu xem bệnh bạch hầu là gì, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn nhé!

Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi và họng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria giải phóng độc tố gây tích tụ mô xám trong cổ họng, dẫn đến các vấn đề về nuốt và thở. Bệnh có thể lây từ người sang người khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. 

Nguyên nhân bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria bám vào niêm mạc hệ hô hấp của bạn. Những vi khuẩn này tạo ra độc tố gây tổn thương các tế bào mô hô hấp của bạn. Trong vòng hai hoặc ba ngày, mô còn lại sẽ tạo thành một lớp phủ màu xám dày.

Lớp phủ này có khả năng bao phủ các mô trong thanh quản, cổ họng, mũi và amidan của bạn. Đối với người bị nhiễm bệnh, việc thở và nuốt trở nên khó khăn.

Nguyên nhân bệnh bạch hầu là gì

Triệu chứng, dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu

Các dấu hiệu và triệu chứng khi mắc bệnh bạch hầu thường bắt đầu xuất hiện sau từ 2 đến 5 ngày sau khi một người bị nhiễm bệnh. Người bệnh có thể gặp những dấu hiệu như:

  • Có một lớp phủ dày như một lớp màng ở mũi, họng hoặc đường thở (một triệu chứng bệnh bạch hầu phổ biến, giúp phân biệt với các bệnh lý hô hấp khác)
  • Đau họng và khản giọng
  • Sưng hạch (hạch bạch huyết to) ở cổ
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Chảy nước mũi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Các vấn đề về thần kinh, thận hoặc tim (nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu)

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc thậm chí là không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến cho nhiều người bị nhiễm bệnh mà không biết mình mắc bệnh bạch hầu nên không có biện pháp điều trị cũng như tránh tiếp xúc với những người xung quanh, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.

dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu

Có những loại bệnh bạch hầu nào?

Có hai loại bệnh bạch hầu chính, bao gồm bệnh bạch hầu đường hô hấp và bệnh bạch hầu da:

  • Bạch hầu hô hấp: Là loại bạch hầu phổ biến nhất, bạch hầu hô hấp có thể ảnh hưởng đến mũi, họng, amidan hoặc thanh quản của người nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí màng bị ảnh hưởng trong cơ thể. Một số người gọi tình trạng này là bạch hầu hầu họng (bạch hầu họng).
  • Bạch hầu da: Loại bạch hầu hiếm gặp nhất, bạch hầu da được đặc trưng bởi phát ban da, lở loét hoặc mụn nước, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. 

Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào?

Bạn có thể mắc bệnh bạch hầu qua các giọt bắn có chứa vi khuẩn trong không khí (lây lan qua hắt hơi, ho và khạc nhổ) hoặc qua việc chạm vào bề mặt của đồ vật có vi khuẩn (mặt bàn, mặt ghế, nút bấm thang máy, tay nắm cửa, đồ chơi trẻ em…). 

Ngoài ra, bệnh bạch hầu cũng có thể lây qua vết thương hở. Nếu bạn chạm vào vết thương hở của người đang mắc bệnh bạch hầu hoặc vết thương hở của bạn tiếp xúc với quần áo, các món đồ vật có dính vi khuẩn Corynebacterium diphtheria thì bạn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào

Chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu 

Bệnh bạch hầu được chẩn đoán như thế nào?

Khi một người có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, trước tiên cần đeo khẩu trang và cách ly với mọi người. Sau đó, nên liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Để chẩn đoán một người có mắc bệnh bạch hầu hay không, nhân viên y tế sẽ tiến hành dùng tăm bông để lấy mẫu từ phía sau cổ họng hoặc từ vết loét của bạn. Mẫu bệnh phẩm sẽ được xét nghiệm soi trực tiếp hoặc xét nghiệm sinh học phân tử (Real time PCR). Ngoài ra, các xét nghiệm nuôi cấy, phân lập, định danh cũng có thể được áp dụng để chẩn đoán bệnh.

Điều trị bệnh bạch hầu

Việc điều trị bệnh bạch hầu cần được thực hiện ngay lập tức khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, đôi khi thậm chí trước khi kết quả xét nghiệm được xác nhận. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu để ngăn chặn tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh, thường là penicillin hoặc erythromycin, để chống nhiễm trùng.

Những người bị nhiễm trùng nặng có thể cần máy thở để duy trì nhịp thở ổn định. Nếu chất độc có thể đã lan đến tim, thận hoặc hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân có thể cần truyền dịch tĩnh mạch, oxy hoặc thuốc tim.

Người mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly. Các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần khác chưa được tiêm chủng, hoặc những người rất trẻ hoặc lớn tuổi, phải được bảo vệ không tiếp xúc với bệnh nhân.

Khi ai đó được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bác sĩ sẽ thông báo cho sở y tế địa phương và điều trị, cách ly cho mọi người trong gia đình và những người có thể đã tiếp xúc với vi khuẩn. 

Điều trị bệnh bạch hầu

Cần làm gì khi bị bạch hầu?

Những người mắc bệnh bạch hầu được cách ly để ngăn ngừa việc lây nhiễm cho những người xung quanh. Thông thường, người nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu không còn khả năng lây nhiễm trong khoảng 48 giờ sau khi dùng thuốc kháng sinh. 

Trong quá trình điều trị, nên cố gắng nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước cũng như ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C và các chất dinh dưỡng khác để tăng cường sức đề kháng, giúp khỏi bệnh nhanh hơn. 

Sau quá trình sử dụng thuốc và tuân theo chỉ định điều trị từ bác sĩ, người bệnh cần xét nghiệm lại để xác định đã hết bệnh hay chưa. Sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, cần tiêm ngừa để phòng tái nhiễm bệnh.

Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?

Bệnh bạch hầu có thể gây ra một số biến chứng lâu dài, bao gồm:

  • Tắc nghẽn đường thở
  • Tổn thương cơ tim
  • Tổn thương thần kinh
  • Mệt mỏi, uể oải kéo dài
  • Liệt (không thể di chuyển)
  • Nhiễm trùng phổi hoặc mất chức năng phổi
  • Tử vong

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Phòng ngừa bệnh bạch hầu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc tiêm vắc-xin bạch hầu/uốn ván/ho gà. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm bệnh cũng như vệ sinh tay thường xuyên, dọn dẹp môi trường sống và làm việc sạch sẽ cũng giúp bạn phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Đặc biệt cần lưu ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng tổng thể để có thể chống chọi với vi khuẩn xâm nhập.

Một số câu hỏi thường gặp

Bệnh bạch hầu có lây không?

Có. Bạch hầu là một căn bệnh truyền nhiễm cao lây lan qua các giọt bắn trong không khí hoặc các vật dụng cá nhân bị nhiễm bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trẻ em (đặc biệt là trẻ chưa tiêm vắc-xin), người cao tuổi, người mắc các bệnh lý hô hấp, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu,… là những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn.

Bệnh bạch hầu kéo dài bao lâu?

Đối với những người bị bệnh bạch hầu, thường mất khoảng hai đến ba tuần để điều trị có hiệu quả. Bất kỳ vết loét da nào cũng có thể mất hai hoặc ba tháng để lành hoàn toàn và có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

Bệnh có thể chữa khỏi được không?

Có. Khi được điều trị ngay lập tức, bệnh có thể được kiểm soát thành công bằng thuốc kháng độc tố và kháng sinh. 

Bệnh bạch hầu là một bệnh lý hô hấp nguy hiểm, có thể gây tử vong. Vì thế, cần chú ý cho tiêm phòng từ sớm cũng như thực hiện các biện pháp vệ sinh để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. 

Bài viết liên quan