Mẹ&Con – Mùa hè, bệnh bà bầu thường gặp không chỉ có phụ khoa, sốt xuất huyết hay thủy đậu, mà rôm sảy, cảm cúm, tiêu chảy, mẹ cũng không thể lơ là.

Bệnh bà bầu thường gặp – Rôm sảy

bệnh bà bầu thường gặp
Rôm sảy là bệnh bà bầu thường gặp.

Nhiều người tin rằng, rôm sảy chỉ xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này có thể xuất hiện ở cả người lớn, không ngoại trừ phụ nữ mang thai. Thậm chí, cảm giác ngứa ngáy của rôm sảy được nhiều mẹ bầu miêu tả là “chẳng khác gì ngồi trên đống lửa”.

Nguyên nhân chính của rôm sảy ở bà bầu là do sự gia tăng thân nhiệt khi mang thai. Thân nhiệt cao nên cơ thể bà bầu dễ nóng và đổ mồ hôi nhiều hơn so với người bình thường, nhất là trong mùa hè oi bức. Mồ hôi tiết nhiều gây ẩm ướt da, không vệ sinh kịp thời dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, tạo thành những nốt mụn đỏ gọi là rôm sảy.

Rôm sảy ở mẹ bầu tuy lành tính, nhưng nếu để kéo dài sẽ khiến mẹ khó chịu, bất tiện, thường xuyên ngứa ngáy, ăn uống không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Vì vậy, khi bị rôm sảy, mẹ cũng cần tìm cách điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe thai kỳ.

Muốn “đối phó” với tình trạng rôm sảy khi mang thai, điều đơn giản trước tiên là mẹ cần làm mát cơ thể bằng cách uống đủ nước, khoảng 3 lít nước mỗi ngày. Nước trái cây hay nước canh cũng được tính vào tổng lượng nước mẹ cần trong một ngày. Tuy nhiên, cà phê, nước ngọt và các loại nước có ga thì không, vì chúng sẽ làm cơ thể mất nước và nóng thêm.

Các loại rau xanh, hoa quả tươi có tính mát cần được tăng cường vào thực đơn hàng của mẹ, chẳng hạn như: bí đao, rau dền, trái cây họ cam quýt, dâu tây… Đồng thời, mẹ cần hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ, món cay nóng, nhiều gia vị, món nướng, bánh kẹo ngọt, trái cây vị ngọt đậm như nhãn, xoài, mít, vải, sầu riêng….

Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để giảm thiểu tình trạng rôm sảy. Mẹ bầu tránh sử dụng nước hoa, kem dưỡng da, mỹ phẩm… trong thời gian bị rôm sảy, vì chúng sẽ gây kích ứng da khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Đặc biệt, mẹ cần tránh cào gãi ở vùng da bị rôm sảy, vì móng tay có thể làm các mảng rôm có nguy cơ lan rộng hoặc nhiễm trùng.

Trước khi sử dụng một loại thuốc bôi hoặc uống trị rôm sảy, mẹ cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và em bé.

Cảm cúm

bệnh bà bầu thường gặp
Cảm cúm không chỉ là bệnh bà bầu thường gặp ở mùa đông.

Không chỉ mùa lạnh mới khiến mẹ dễ mắc cảm cúm, mà giữa mùa hè cảm cúm cũng “ghé thăm” mẹ như thường.

Cảm cúm khi mang thai cũng gây ra bởi các loại virus cúm. Triệu chứng cảm cúm ở mẹ bầu thường bắt đầu với biểu hiện đau nhức đầu, đau rát họng, chảy nước mắt, nước mũi, ho, đau mỏi toàn thân. Các triệu chứng này xảy ra một cách nhanh chóng và dần trầm trọng. Sau đó, mẹ bầu sẽ bị sốt cao khoảng 38 – 39 độ C, có cảm giác rét run, ớn lạnh trong người.

Bà bầu bị nhiễm cúm, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu không được theo dõi, chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thai nhi bị dị tật bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch, đục thuỷ tinh thể, sẩy thai, sinh non, thai chết lưu…

Cách tốt nhất để phòng tránh cúm trong thai kỳ là mẹ cần tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai ít nhất một tháng. Ngoài việc tiêm phòng, mẹ còn có thể nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng. Trong thực đơn hàng ngày, mẹ cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C trong rau, củ, quả tươi, uống nhiều nước để hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý súc miệng hàng ngày với nước muối sinh lý; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cầm nắm thức ăn, sau khi đi vệ sinh; đeo khẩu trang mỗi lần đến nơi đông người; tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh; giữ ấm cơ thể trong tiết trời giao mùa.

Khi mắc cảm cúm, mẹ cần nhanh chóng đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Mẹ tránh tuyệt đối việc sử dụng các mẹo dân gian hay tự ý dùng bất kì loại thuốc nào. Đồng thời, mẹ cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi, tích cực ăn uống bồi bổ để tăng cường sức đề kháng giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng.

Tiêu chảy

bệnh bà bầu thường gặp
Tiêu chảy là một trong những bệnh bà bầu thường gặp.

Tiêu chảy là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp và gây nhiều phiền toái cho bà bầu, nhất là trong mùa hè. Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở bà bầu trong thời điểm này là do chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh: uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, ăn phải những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn. Trong khi đó, mẹ bầu vốn đã có thêm sức đề kháng kém thì vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nên tình trạng “Tào Tháo rượt”.

Bà bầu khi bị tiêu chảy thường trầm trọng hơn so với người bình thường nên mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Không chỉ bất lợi cho mẹ, tiêu chảy còn khiến thai nhi đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thậm chí là thai chết lưu. Bởi lẽ, tiêu chảy thường làm mẹ đi đại tiện và nôn mửa với tần suất cao, gây mất nước, suy kiệt cơ thể nhanh chóng. Do vậy, chị em bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa y tế càng sớm càng tốt nếu chẳng may mắc phải. Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc và liều lượng nào để an toàn cho cả mẹ và bé.

Để phòng bệnh bà bầu thường gặp vào mùa hè, mẹ cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, luôn thực hiện “ăn chín, uống sôi”, không ăn rau sống chưa được rửa sạch; tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi hay thịt tái; tạm “né” những hàng quán không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực phẩm chế biến xong cần được ăn ngay, không để sang ngày khác; hạn chế món ăn giàu gia vị hay chứa lượng chất béo cao…

Bài viết liên quan