Con tôi 3 tuổi. Trước đây cháu không có tật mút tay nhưng khoảng thời gian gần đây tự dưng cháu phát sinh tật này. Tôi đã thử nhiều cách nhưng cháu vẫn thường xuyên lén mút tay. Cháu cũng có dấu hiệu ít vui, ít cười. Có phải đây là biểu hiện tâm lý không bình thường của cháu?
Phan Ngọc Yến
(Quận 9)
Khi bỗng dưng xuất hiện thói quen mút tay, lại đi kèm với việc ít vui, ít cười thì đúng là nên nghĩ đến một vấn đề tâm lý nào đó ở trẻ. Có thể bé vừa mới đi học mầm non. Có thể nhà vừa thay đổi người chăm sóc bé. Có thể dạo này bố mẹ bận rộn nhiều nên ít chuyện trò với con hơn. Cũng có thể bé vừa có em hay vừa có một thay đổi nào đó khác.
Mút tay được xem là một cách để trẻ em tự “xoa dịu” chính mình, “trấn an” mình để làm cho mình cảm thấy “an toàn”. Một số bé khác sẽ biểu hiện theo những kiểu khác, như ôm gấu bông, chỉ muốn ở với bà ngoại, tè dầm buổi tối, ngủ mớ… Hiện tại, thay vì nỗ lực cấm đoán và tìm cách cho bé bỏ mút tay (phần ngọn của vấn đề) thì bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân nào đang gây nên những xáo trộn tâm lý cho bé (phần gốc của vấn đề). Giải quyết được cái “gốc” này, gần gũi con nhiều hơn, tự dưng bé sẽ cảm thấy an toàn và vui vẻ trở lại, sau đó sẽ chủ động thôi mút tay. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn và thấy bé có dấu hiệu buồn bã nhiều hơn, nên đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý để được hướng dẫn thêm.