Chào bác sĩ!
Con trai tôi đang học lớp 4. Có một trở ngại nho nhỏ, khá tế nhị thế này: lớp của bé có tỉ lệ bạn gái rất nhiều, chỉ có 5 bé trai thôi (trong đó có con tôi). Chưa hết, trong đại gia đình bên nội, chỉ mỗi mình bé là cháu trai. Bé rất thích ca hát và aerobic. Tôi cho bé đi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi thì tỉ lệ bé gái cũng nhiều hơn bé trai. Có khi một tiết mục biểu diễn, chỉ thấy mình cháu làm “cái nhân” giữa một nhóm toàn là các bé gái.
Ban đầu, tôi không quan tâm lắm đến chuyện đó. Nhưng gần đây khi bé đã bắt đầu lớn, tôi bỗng giật mình khi nhận ra môi trường con đang tiếp xúc có quá nhiều bạn gái mà lại thiếu “trầm trọng” các bạn trai để bé có thể chơi đùa, sinh hoạt cùng. Tôi rất băn khoăn, sợ điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của con, khiến bé dễ bị ảnh hưởng. Nhưng thay đổi “cái rụp” thì tôi lại lo ngại làm con sốc, bởi không lẽ tôi cấm con chơi với các chị em họ trong nhà, hay đòi đi chuyển lớp cho cháu, đòi cho cháu nghỉ những môn năng khiếu mà cháu rất thích và sinh hoạt đã 4 năm nay?
Thanh Thảo (Quận 7)
Đúng là hoàn cảnh sống, môi trường tiếp xúc, sự định hướng giáo dục của cha mẹ sẽ có tác động phần nào đến tâm lý cũng như sự hình thành nhận thức về giới tính ở trẻ. Trong trường hợp của con chị, không nên làm cháu “sốc” vì những thay đổi đột ngột như cấm đoán cháu chơi với bạn gái, không cho cháu đi sinh hoạt hát múa, aerobic nữa. Thay vào đó, chị nên chọn cách tạo thêm nhiều cơ hội cho con được tiếp xúc với các bạn nam, cho con chơi nhiều hơn với bố, với các chú bác trong gia đình.
Nếu ở nhà không có anh em trai, nên tạo điều kiện cho trẻ chơi với những nhóm bạn trai khác đồng trang lứa trong xóm chẳng hạn. Đặc biệt, chị nên nhờ anh xã gần gũi bé, khuyến khích, tạo điều kiện cho bé tham gia các hoạt động, trò chơi mang tính chất mạnh mẽ như làm vườn, cùng bố chạy xe đạp, chơi thể thao, đuổi bắt, v.v.. Gợi ý, hướng dẫn bé tham gia giúp đỡ các bạn nữ yếu hơn mình những hoạt động “nam tính” như khiêng bàn ghế khi trực nhật ở lớp.
Sau những lần chơi hoặc phụ giúp bố như vậy, trẻ dần được trải nghiệm và nhận ra những tính cách dũng cảm, mạnh mẽ, sẵn sàng giúp đỡ người khác, v.v. là đặc trưng của bé trai. Trong quá trình chơi, bố có thể khéo léo đặt ra cho trẻ những câu hỏi như con trai có những đặc điểm gì khác con gái, con trai thích gì, v.v.. Đây là những cách dẫn dụ để lôi kéo trẻ tham gia những trò chơi của các bé trai.
Một gợi ý nữa là song song với những lớp năng khiếu hát múa, aerobic (nếu bé rất thích thú và không muốn bỏ), chị tìm cách hướng thêm con vào những môn “mạnh mẽ” như đăng ký cho bé học bóng rổ, bóng đá, học võ, học bơi, v.v.. Lưu ý đừng làm điều này một cách cực đoan hay bắt ép, tạo tâm lý không thoải mái cho bé, khiến bé e ngại. Chúc chị và gia đình thành công.