Nguyên nhân bé sơ sinh bị ghèn ở mắt
Trẻ bị ghèn có thể bắt nguồn từ 1 trong các nguyên nhân dưới đây:
Dịch nước ối và máu chảy vào mắt bé khi mới sinh: Với các trẻ mới sinh, mắt bị ghèn là một hiện tượng nhiễm trùng phổ biến do dịch ối hay máu chảy vào. Hiện tượng này sẽ dần biến mất và không để lại biến chứng gì, vì vậy mẹ không cần phải quá lo lắng.
Tay bẩn chà xát lên mắt: Thói quen này tưởng chừng như vô hại nhưng cũng tạo ra nguy cơ bị ghèn ở trẻ. Với nguyên nhân này, mẹ cũng không cần phải quá lo lắng, chỉ cần chú ý vệ sinh mắt bé bằng nước ấm thường xuyên thì ghèn cũng sẽ nhanh chóng biến mất.
Tắc tuyến lệ: Ước tính có tới 10% bé sơ sinh bị ghèn ở mắt là do nguyên nhân này. Nếu nhận thấy con chảy nước mắt kể cả khi chẳng khóc nhè hay ăn vạ thì có thể con đã bị ghèn do tắc tuyến lệ. Bình thường, mắt bé sẽ bị đỏ ngầu do viêm, nghiêm trọng hơn thì có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát và hình thành mủ.
Chấn thương mắt: Một số vật thể lạ bay vào trong mắt như bụi bẩn, mảnh vụn hay chất hóa học… gây kích ứng mắt khiến mắt tiết ra nhiều nước hơn, từ đó bé có nhiều gỉ, ghèn mắt.
Viêm kết mạc do vi khuẩn: Nếu bé bị ghèn do viêm kết mạc vi khuẩn gây ra thì mắt bé sẽ sưng, ngứa và khó chịu. Đồng thời, mắt bé cũng sẽ có nhiều chất nhầy màu trắng, vàng hoặc xanh lá cây.
Mẹ ơi! Mắt con có ghèn… (Ảnh minh họa)
Chăm sóc đúng cách khi mắt con có ghèn
WHO khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần được lau mắt ngay sau sinh và phải được nhỏ nitrate bạc 1% hay tra thuốc mỡ mắt tetracycline 1% trong vòng 1 tiếng sau khi chào đời. Tất cả các bước chăm sóc tiếp theo, mẹ có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ.
Để đảm bảo an toàn cho đôi mắt còn non nớt của bé, khi lau mắt, mẹ cần chuẩn bị bông gòn sạch, nhúng vào dung dịch nước muối ấm pha loãng, lau nhẹ nhàng mắt bé. Mẹ tuyệt đối không lau mạnh tay và lau sâu, vì dễ dẫn đến những tổn thương ở mắt trẻ sơ sinh. Mỗi ngày, mẹ có thể thực hiện bước chăm sóc này khoảng 2-3 lần hoặc bất cứ khi nào thấy ghèn mắt ra nhiều.
Trong trường hợp bé sơ sinh bị ghèn ở mắt đã áp dụngnhững liệu pháp trên nhưng không mang lại kết quả hoặc bé bị nhiễm trùng mắt, viêm kết mạc thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để thăm khám. Mẹ tránh việc tự ý dùng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào, kể cả sữa mẹ khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.