Mẹ&Con - "Trẻ em như búp trên cành" vì vậy sự phát triển tâm sinh lý của trẻ là hết sức quan trọng. Dưới dây là như chia sẻ của bác sĩ về tình trạng Bé không biết sợ. Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của bé 5 kỹ năng dạy bé lớn khôn Làm gì để sớm có em bé?

Chào bác sĩ,

Bé nhà em được 2 tuổi rưỡi, con gái. Thật tình là em hơi lo, vì không hiểu sao bé là con gái mà “nghịch” quá. Em đã cố gắng để mắt đến con từng chút, nhưng dạo này con càng lúc càng hiếu động, bày trò và dễ gây ra những tai nạn hơn. Ví dụ như em lơ mắt một cái là con lao sầm ra đường, con chộp lấy bất cứ thứ gì trong tầm tay cho vào miệng. Không hiểu đây có phải là do sự phát triển tâm lý ở độ tuổi này không, hay chỉ là những “bất thường” ở con em? Em đã thử cả việc dọa hay nhắc chừng, nhưng dường như không có tác dụng. Làm cách nào để bé biết “sợ”, ít “nghịch dại” kiểu đó hơn thưa bác sĩ?  

Trần Thị Minh Hà (Quận 3)

Bé không biết... sợ! 4

Trước hết, cần phải chia sẻ với bạn rằng trẻ em dưới 3 tuổi chưa lường trước được bất kỳ “hậu quả” nào đâu bạn ạ! Trên 3 tuổi, nếu bạn nhắc chừng bé, cho con hiểu chạy nhanh là sẽ té ngã chẳng hạn, sau vài lần té bé sẽ “rút kinh nghiệm” và ý thức được về tai nạn, sự nguy hiểm, từ đó có sự khắc phục cho mình.

Tuy nhiên, ở trẻ dưới 3 tuổi, chuyện bạn “dọa” hay nói với bé về “hậu quả” là vô ích vì các bác sĩ, chuyên gia tâm lý cho biết ở tuổi này, bé chỉ rất háo hức với sự khám phá thế giới quanh mình (cho dù là bé trai hay bé gái), chưa “tự rút kinh nghiệm” được cũng như không hề e ngại những lời dọa của ba mẹ như kiểu “con chạy ra đường sẽ bị ông Ba Bị bắt”, “đụng vô cái nồi là phỏng đấy”…

Phải hiểu được rõ ràng sự phát triển tâm lý này của trẻ để ý thức rõ rằng: Người lớn phải để mắt đến trẻ dưới 3 tuổi liên tục, thường xuyên, tuyệt đối không “tự tin” con mình ý thức được hiểm nguy, không để cho bé ở một mình, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Ví dụ như, nếu trẻ trên 3 tuổi, bạn có thể để bé chơi một mình trong phòng với rào chắn an toàn, yên tâm thỉnh thoảng quay lên trông chừng con. Nhưng với trẻ dưới 3 tuổi (cụ thể như ở tuổi con bạn), việc đó sẽ bị xem là nguy hiểm.

Như bạn cũng đã từng “trải nghiệm” qua rồi đấy, bé có thể cho đồ chơi vào miệng nuốt, có thể lao ào ra đường dù bạn đã “nhắc nhở” bé nhiều lần, có thể đâm sầm vào cạnh bàn hay làm bất cứ việc “bất thường” nào đó mà bé thích. Xin nhấn mạnh với bạn lại lần nữa, bé không hiểu và chưa ý thức được hiểm nguy nên thay vì hỏi bác sĩ cách nào làm bé biết “sợ” hơn, đỡ “hiếu động” hơn, việc đơn giản nhất bạn có thể làm là tránh kích động con, tránh làm bé quá vui, quá buồn, quá giận dữ vì những lúc này bé dễ phản ứng “bất thường” nhất.

Kế đến, hãy để mắt đến con thường xuyên, liên tục. Nếu điều kiện gia đình cho phép, tránh gửi bé đi nhà trẻ quá sớm (vì ở tuổi này, như đã nói, bé rất hiếu động, dễ có tai nạn xảy ra). Luôn tự hỏi mình: Có chỗ nào trong nhà mất an toàn với bé không? Luôn đọc những bài báo, sách vở về sự an toàn cho con và thực hiện theo, ví dụ dùng dụng cụ che chắn các ổ cắm điện, cẩn thận với nước sôi, với những thứ dễ ngã, đổ…

Hi vọng bạn sẽ không quá “stress” trong giai đoạn này vì chỉ một thời gian nữa thôi, khi bé bước sang tuổi lên 3, ý thức của bé sẽ thay đổi dần dần, bạn sẽ thấy con hiểu những nguy hiểm quanh mình, biết “sợ” và biết “rút kinh nghiệm” hơn hẳn.

 Theo sự cố vấn của Bác sĩ Phạm Khuê Anh (BV Nhi Đồng 1) 

Tags:

Bài viết liên quan