Chào bác sĩ!

Sau mỗi lần tiêm phòng về, bé nhà em vẫn chơi ngoan và chẳng thấy bị sốt gì hết. Em không biết nên mừng hay lo nữa. Vì nhiều người bảo đi tiêm phòng về mà bé không sốt thì tức là thuốc không có tác dụng. Liệu có phải là do cơ địa của bé không được tốt nên không phản ứng với thuốc không ạ?

Chị Hoài Thương (Bạc Liêu)

Chào bạn!

Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích sản sinh hệ miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Sốt, quấy khóc, biếng ăn… là những phản ứng trẻ hay gặp phải sau khi tiêm phòng. Vì thế nhiều bậc phụ huynh thường hay e dè, lo sợ khi đưa bé đi chích ngừa vì sợ tác dụng phụ không mong muốn.

Nên mừng hay lo khi trẻ không bị sốt?

Nhiều mẹ cho rằng, tiêm phòng xong mà không sốt thì vắc xin không có tác dụng. Ngược lại, tiêm xong mà bé bị sốt có nghĩa là cơ thể đã thích ứng với thuốc. Tuy nhiên, những điều này chỉ là suy đoán và không có căn cứ cụ thể.

Cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng (sốt, co giật, phát ban, sưng đỏ chỗ tiêm…) sau khi tiêm vắc xin. Phản ứng này có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào cơ địa và tùy vào loại vắc xin.

biểu hiện sau tiêm

Loại vắc xin

  • Khi bé tiêm vắc xin có tế bào ho gà, thường có biểu hiện sốt trên 38ºC. Vắc xin ngừa bệnh sởi, sởi – quai bị – rubella có khoảng 5-15% trẻ bị sốt. Vắc xin uốn ván có 10% trẻ bị sốt.
  • Vắc xin DPT( bạch hầu, ho gà, uốn ván,), viêm não Nhật Bản là một trong những loại vắc xin dễ gây ra những phản không mong muốn nhất. Vì vậy, sau khi tiêm phòng những loại vắc xin này trẻ thường bị sốt
  • Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như vắc xin ho gà toàn tế bào:

     + Có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào.

     + Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.

     + Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.

     + Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ.

     + Sốc phản vệ.

Tùy thuộc vào cơ địa

Sau khi tiêm phòng, việc bé có sốt hay không, sốt nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi trẻ. Trường hợp trẻ không bị sốt không có nghĩa là thuốc không có tác dụng, mà là do bé có sức đề kháng tốt nên khi tiêm phòng về bé sẽ không bị sốt hay chịu phải những phản ứng không mong muốn khác. Cơ địa trẻ chịu được tức là trẻ khỏe mạnh.

Trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc xin là một phản ứng phụ không mong muốn của thuốc. Tình trạng này xảy ra ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm, khả năng miễn dịch kém. Khi cơ thể chưa thích ứng được với vắc xin tiêm vào, trẻ sẽ bị sốt sau khi tiêm vài giờ, thậm chí là 72 giờ sau đó. Phản ứng này thường là nhẹ và tự khỏi vài ngày sau khi tiêm.

Mẹ nên nhớ, sốt chỉ là tác dụng phụ của thuốc thôi chứ không phải là biểu hiện cần phải có khi chích ngừa. Hiện tượng sốt cũng không hề làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng.

Lời khuyên cho bố mẹ

Các bậc cha mẹ nên phối hợp với cán bộ y tế khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cụ thể như chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường khác. Bố mẹ nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

Cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, chú ý theo dõi chăm sóc trẻ trong 1-2 ngày đầu sau tiêm. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chăm sóc và theo dõi sát sao để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường. Nếu thấy trẻ khóc thét, tím tái, khó thở,bú ít, li bì… đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Theo sự tư vấn của BS CK1 Trần Nguyên Khôi – Khoa Nội 3, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bài viết liên quan