Mẹ&Con - Sổ mũi là chuyện nghe… quá quen nên các mẹ dễ thờ ơ bỏ qua, xem như “không quan trọng”, tự tin “vài ba bữa trẻ tự khỏi”! Song kỳ thực, nếu không được điều trị đúng cách, sổ mũi có thể kéo theo nhiều “hệ lụy” khác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé, nhất là trong những tháng giao mùa cuối năm này!   Có nên cho bé xịt mũi? Nhỏ nước tỏi vào mũi bé có trị được cảm? Dùng nước muối xịt mũi có tốt?

Nên hiểu thế nào về sổ mũi?

Bé hay sổ mũi: đừng đùa! 6

Những tháng cuối năm, trời lạnh là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự bùng nổ các dịch bệnh về đường hô hấp. Ho, sốt, chảy nước mũi, ngẹt mũi, sổ mũi, viêm họng… là những triệu chứng của viêm đường hô hấp trên. Tuy là triệu chứng phổ biến, nhưng sổ mũi vẫn cần được hiểu rõ, hiểu đúng và chăm sóc tốt, tránh để kéo dài và liên tục rất dễ có biến chứng khôn lường như: viêm phế quản, viêm họng mãn tính, viêm tai giữa, viêm phổi gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Sổ mũi có thể gây ảnh hưởng gì đến trẻ? Trước hết, với trẻ nhỏ, sổ mũi sẽ khiến trẻ khó thở, khò khè, bú khó, bỏ bú… Kế đến, nhiều mẹ vệ sinh mũi cho trẻ không đúng cách còn khiến bệnh không thuyên giảm mà nặng hơn, tái đi tái lại khó điều trị. Mẹ nên nhớ, chỉ cần thấy trẻ sổ mũi từ 3-7 ngày, nước mũi đổi màu, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa để có thăm khám thích hợp. Không nên tự ý dùng kháng sinh.

Bé hay sổ mũi: đừng đùa! 7

Những sai lầm mẹ thường mắc phải

1. Tự… chế “thuốc” nhỏ mũi

Phổ biến nhất là nước tỏi ép. Khi thấy con bị sổ mũi, mẹ này rỉ tai mẹ khác và không hiểu sao lại ra một “bài thuốc” được lan truyền rộng rãi rằng chỉ cần ép một củ tỏi, lấy nước nhỏ vào mũi của trẻ là có thể sát khuẩn và hết sổ mũi ngay!!

Xin khẳng định với bạn, đây là một phương thức “tự chữa bệnh” sai lầm. Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm đặc.

Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn tới hoại tử. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ khó thở bằng đường mũi mà buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi.

2. Hút mũi cho trẻ

Khi trẻ bị ngạt mũi, nhiều bà mẹ (nhất là ở quê) thường xử trí bằng cách dùng miệng của mẹ để hút mũi cho con. Lưu ý rằng cách làm này không được bác sĩ khuyến khích, vì nếu mẹ đang bệnh, trong miệng có mầm bệnh thì đây chính là cách… nhanh nhất để trực tiếp truyền bệnh cho con.

Một số mẹ khác không dùng miệng mà dùng xi lanh, áp chặt vào mũi bé rồi hút. Cách này cũng hoàn toàn sai. Vì khi chọc sâu ống hút vào mũi trẻ thì áp lực của xi lanh sẽ hút niêm mạc mũi lên. Làm nhiều lần có thể gây phù nề niêm mạc mũi nhiều hơn mà nghẹt mũi vẫn kéo dài, không hết.

Nếu trẻ bị sổ mũi kéo dài quá 1 tuần, nước mũi chuyển sang màu vàng hoặc xanh thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, vì đây có thể là dấu hiệu của viêm xoang, hoặc niêm mạc quanh xoang mũi bị viêm nhiễm.

>>>Mẹ lưu ý: Cần tiêm ngừa đầy đủ cho bé theo lịch, duy trì nguồn sữa mẹ càng lâu càng tốt. Bảo đảm dinh dưỡng cho bé đầy đủ các nhóm chất, cho bé ngủ đủ giấc, giữ môi trường xung quanh trong sạch được xem là phương pháp khoa học để giúp bé tăng cường sức đề kháng, tránh các bệnh ở đường hô hấp, vốn rất phổ biến ở bé.

3. Rửa mũi liên tục

Khi trẻ bị sổ mũi, việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý là cần thiết. Tuy nhiên, không theo hướng dẫn của bác sĩ, nhiều mẹ cứ tự nghĩ thầm: “Rửa mũi tốt như thế thì nên rửa nhiều cho con. Rửa càng nhiều, con sẽ càng mau khỏi!”.

Suy nghĩ này dẫn đến việc các mẹ cẩn thận xịt, rửa mũi liên tục, hở chút là rửa, thậm chí con mới có dấu hiệu sổ mũi đã liên tục… rửa! Nên biết rằng, khi rửa mũi nhiều lần như vậy sẽ làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.

Rửa mũi quá nhiều có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Vì vậy, mẹ chỉ nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… Rửa khoảng 3-4 lần một ngày là đủ!

4. Hở chút là… nhỏ mũi!

Bé hay sổ mũi: đừng đùa! 8

Sai lầm này bắt nguồn từ nguyên nhân đầu tiên: Mẹ coi thường sổ mũi nên khi thấy con bệnh không hề đưa con đi bác sĩ mà tự mình làm “bác sĩ”, tự mua thuốc nhỏ mũi về nhỏ liên tục cho con.

Cần biết rằng, thuốc nhỏ mũi vẫn là thuốc cần đến sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng. Chẳng hạn, thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và phải theo chỉ định của bác sĩ. Nếu mẹ tự mua về, tự dùng cho con, thuốc có thể gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết…

Mẹ nên làm gì khi trẻ sổ mũi?

•Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây.

•Bổ sung vitamin C dạng viên sủi, hoặc vitamin C từ các loại trái cây chua để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

•Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ tăng cường bú mẹ nhiều lên.

•Hướng dẫn trẻ tập hỉ nếu trẻ có khả năng hỉ được.

•Khi thấy nước mũi đặc, nên dùng nước muối sinh lý đúng lượng, theo hướng dẫn của bác sĩ để làm nước mũi loãng ra.

•Dùng giấy mềm, sạch lau mũi cho trẻ suốt thời gian sổ mũi.

•Cho trẻ uống thuốc theo bác sĩ chỉ định. Không tự ý mua thuốc sổ mũi cho trẻ em.

•Giữ ấm cho trẻ suốt giai đoạn cuối năm, để phòng tránh trường hợp trẻ bị lại.

Trong nhà lúc nào cũng phải để sẵn vài lọ nước muối Natriclorid 0,9%. Cứ mỗi khi thấy bé hắt hơi tức dấu hiệu sổ mũi là phải nhỏ ngay.

 

Tags:

Bài viết liên quan