Mẹ&Con - Nhiều người cứ nghĩ: Viêm xoang là bệnh của người lớn, người lớn mới dễ bị viêm xoang, chứ con nít đâu có hít khói bụi nhiều, sao lại bị viêm xoang được?! Trong khi đó, theo khảo sát tại một vài bệnh viện Nhi trong thành phố, tỷ lệ viêm xoang cấp ở trẻ em chiếm đến… 6,6%!

Be cung bi viem xoang

(Hình minh hoạ)

Khí hậu Việt Nam vốn nóng ẩm, sự ô nhiễm không khí ngoài đường phố hiện nay lại cao đến mức đáng báo động đỏ. Vì vậy, chuyện trẻ em bị viêm xoang không phải là hiếm. Điều đáng nói là chỉ một tỷ lệ rất ít phụ huynh chịu nghĩ rằng trẻ em rất dễ bị viêm xoang! Nhiều người mặc định đây là bệnh của… người lớn, khi đã phải hít thở khói bụi ô nhiễm nhiều năm(!), vậy nên khi thấy con có các dấu hiệu sổ mũi kéo dài thì chỉ tự mua thuốc cảm cúm cho con uống. Mãi đến khi đưa trẻ vào bệnh viện thì bệnh đã nặng, quá trình điều trị mất công sức nhiều hơn. Cần lưu ý rằng, viêm xoang rất dễ mắc và khi mắc rồi thì dễ gây biến chứng.

Một trong số những biến chứng đáng sợ của viêm xoang là làm giảm thị lực mắt. Có nhiều bé chỉ mới 6-7 tuổi, được đưa vào bệnh viện với tình trạng mắt sưng tấy, lồi ra, bác sĩ kiểm tra, cho chụp CT-Scan mới biết là viêm xoang có biến chứng. Một vài trường hợp đáng tiếc, cha mẹ đưa đến khi đã muộn, bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng thị lực của trẻ cũng bị giảm xuống rất nhiều. Bạn cần biết rằng biến chứng mắt do viêm xoang có thể khiến mắt bị phù nề, nhãn cầu bị hạn chế vận động, đồng tử giãn, giảm cảm giác giác mạc, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến mù hai mắt.

Thực tế, trẻ em khi bị viêm xoang sẽ dẫn đến biến chứng về mắt, giảm thị lực hoặc mù nhiều hơn hẳn người lớn. Một con số rất đáng báo động là 75-85% trẻ bị nhiễm trùng mắt đều có nguyên nhân do viêm xoang. Vì vậy, cha mẹ không được phép chủ quan, lơ là khi thấy con bị cảm kéo dài, đau đầu, ngạt mũi, nhất là khi có kèm theo các triệu chứng mắt bị thâm quầng, sưng, nhìn kém…

Trẻ em cũng có thể bị viêm xoang do hiện tượng viêm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi-rút, vi nấm). Triệu chứng của viêm xoang ở trẻ em ít hơn người lớn nên rất dễ bị bỏ qua.

Ngăn ngừa viêm xoang có khó không? Câu trả lời là khó nhưng có thể làm được. Bạn cần giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh tối đa cho trẻ hít thở phải khói thuốc lá. Ngoài ra, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng cho con, bổ sung các món ăn/uống giúp làm tăng sức đề kháng mỗi ngày. Bạn cũng cần chú ý, nếu nhà có trẻ bị viêm xoang thì tuyệt đối nên tránh nuôi súc vật, chó mèo, gia cầm, chim chóc… vì lông của các con vật này có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng nề hơn. Một số bậc phụ huynh hay chiều con, cho trẻ ngủ trên giường chung với rất nhiều thú nhồi bông. Đây cũng là việc cần hạn chế, vì các món đồ chơi này rất dễ bắt bụi và trẻ có thể hít vào toàn bụi bặm, vi trùng khi ôm một chú gấu nhồi bông to đùng vào lòng và ngủ!

Đừng coi thường cảm cúm…

Khi trẻ bị cảm cúm, mũi sẽ bị sưng, nước nhầy xuất hiện nhiều hơn, hệ thống dẫn lưu cho các xoang bị cản trở. Vi khuẩn, vi-rút, nấm có thể nhờ môi trường thuận lợi đó để phát triển, dẫn tới viêm xoang. Vì vậy, cho dù trẻ chỉ bị cảm cúm thông thường, bạn cũng cần quan tâm theo dõi, giữ vệ sinh và điều trị đúng cách cho con để ngăn ngừa những nguy cơ viêm xoang có thể xảy ra.

Ðiều bạn nên biết về viêm xoang trẻ em

1. Viêm xoang là gì?

Xoang là khoảng không gian ẩm trong xương mặt xung quanh mũi. Khi xoang nhiễm trùng thì gọi là viêm xoang. Viêm xoang cấp được phân biệt với viêm xoang mạn dựa theo yếu tố thời gian của bệnh. Viêm xoang cấp xảy ra khi có đợt khởi phát cấp tính của tình trạng nhiễm trùng với các triệu chứng kéo dài dưới 3 tuần, dưới 4 đợt trong năm. Viêm xoang mạn là tình trạng viêm nhiễm tại xoang kéo dài trên 3 tháng, hoặc tình trạng viêm nhiễm tái phát trên 6 lần trong năm kèm theo có bất thường trên X-quang.

2. Khi nào bạn nên nghi ngờ bé bị viêm xoang?

– Nếu bé có các triệu chứng: Viêm mũi kéo dài trên 10 ngày, sốt trên 39 độ C, hơi thở có mùi hôi, nước mũi có mủ vàng hoặc xanh, ho nhiều về ban đêm, nhức đầu, đau mặt, đau răng, đau cổ họng…, bạn nên nghĩ đến việc bé đã bị viêm xoang cấp.

– Nếu bé có các triệu chứng: Viêm mũi kéo dài trên 3 tháng, sốt từng đợt nhưng không cao, khan tiếng, hay ho khạc, đau họng thường xuyên, nghẹt mũi, hay bị nước mũi chảy xuống họng, nhức đầu, chảy máu cam, ù tai…, bạn nên nghĩ đến việc bé đã bị viêm xoang mạn.

3.  Bạn nên làm gì khi nghi ngờ bé bị viêm xoang?

Ngay khi nghĩ đến chuyện bé có thể bị viêm xoang, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ có thể khám, cho chụp X-quang, nội soi, CT-Scan… để đánh giá tình trạng viêm xoang. Nếu sau khi có đánh giá chính thức là viêm xoang, bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành các biện pháp điều trị thích hợp với bé.

4. Điều trị viêm xoang cho bé thế nào?

Đa số trường hợp trẻ em bị viêm xoang sẽ được điều trị nội khoa là chính. Các phương pháp điều trị sẽ là dùng kháng sinh, làm ẩm mũi, làm lỏng dịch tiết giúp bé đỡ cảm giác khó chịu, hút mũi, rửa mũi, tránh tình trạng ứ đọng mũi để giúp thông thoáng; đồng thời điều trị các bệnh là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang như dị ứng, suy giảm miễn dịch, trào ngược dạ dày thực quản…

5. Bạn có thể ngăn ngừa viêm xoang cho trẻ?

Câu trả lời là có thể! Quan trọng nhất, hãy giữ môi trường sống trong nhà luôn sạch sẽ, thoáng đãng. Cho trẻ hít thở khí trời trong lành (bằng cách mở cửa sổ) sẽ tốt hơn việc suốt ngày mở máy lạnh. Bạn cũng cần vệ sinh máy lạnh, quạt thường xuyên. Khi có việc đưa trẻ ra khỏi nhà, nên giữ thói quen luôn cho trẻ đeo khẩu trang. Ngoài ra, bạn cũng cần nhắc nhở trẻ khi hỉ mũi, trẻ phải dùng khăn giấy sạch và bỏ cẩn thận vào sọt rác, rửa sạch tay sau đấy…

Con mình từng bị viêm xoang! 

Có một sai lầm trong việc nuôi con mà mình vẫn luôn tự trách bản thân mỗi khi nhớ đến nó: mình để cho con gái bị viêm xoang. Cũng may là việc chữa trị đã dẫn đến kết quả tốt, nếu không thì mình sẽ trách bản thân mình suốt đời.

Bản thân mình cũng viêm xoang, giống như đại đa số người dân Việt Nam hiện nay. Viêm xoang mạn tính gây rất nhiều khó chịu, đau nhức. Khi phải nạo xoang hay mổ lệch vách ngăn thì mới biết đau đớn đến chừng nào. Rồi khi nó ảnh hưởng đến thần kinh tiền đình thì lúc đó càng thêm khổ sở.

Người ta nói xoang mạn tính không thể chữa dứt, chỉ có giải pháp hạn chế nó tái phát chẳng hạn như giữ vệ sinh mũi thật sạch, ra đường bịt kín mít, không để quạt máy thổi vào mặt, không để mũi hít phải mùi lạ… Nhưng sống ở môi trường hết sức bụi bặm như Sài Gòn thì khó mà “giữ mình”.

Bệnh viêm xoang ở trẻ em càng khó phát hiện hơn, vì vậy mà mình để con mình bị bệnh hồi nào mà không hay vì cứ bám theo cách điều trị sổ mũi thông thường. Bé sụt cân và xanh xao trong một thời gian rất nhanh. Sau khi bác sĩ làm kháng sinh đồ và chữa xong thì con lên cân vùn vụt. Hi vọng các bạn quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn ngừa viêm xoang cho con, đừng để bé rơi vào tình trạng tệ hại như con gái mình trước đây…

(Trích blog NDC) 

Tags:

Bài viết liên quan