Mẹ&Con – Nuôi con bằng sữa mẹ vừa đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ, vừa giúp gắn kết tình mẫu tử. Tuy nhiên, để làm được điều đó, mẹ phải trải qua nhiều thử thách, một trong số đó là tình trạng bé bỗng dưng bỏ bú mẹ. Những lúc như thế này, mẹ nhớ vài lời khuyên sau đây của Mẹ&Con nhé!

Nguyên nhân khiến bé bỗng dưng bỏ bú mẹ

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bỗng dưng bỏ bú mẹ. Tuy nhiên, về cơ bản sẽ có những nguyên nhân sau:

Sữa mẹ có mùi lạ

Trong trường hợp này, có thể nói rằng “mẹ ăn gì, con ăn nấy” là không sai. Bởi lẽ, ngoài chất dinh dưỡng thì mùi, vị của thức ăn cũng sẽ truyền qua sữa và khiến sữa mang hương vị của thực phẩm mẹ đã ăn vào. Đây là nguyên nhân khiến bé cảm thấy khó chịu, nhất là khi mẹ ăn hành, tỏi, cần tây… vì mùi vị sữa thay đổi. Từ đó bé không còn hứng thú với việc bú mẹ nữa. Bên cạnh đó, một số thức ăn nhất định còn có thể khiến bé bị đầy hơi, trướng bụng, thậm chí là dị ứng nên tự ý bỏ sữa.

Trẻ bị bệnh, mọc răng

Một số loại bệnh về đường hô hấp như viêm tai, mũi, họng khiến bé bị khó thở. Từ đó, việc bú mẹ bị cản trở do bé ngạt mũi nên không thể ngậm vú và bú một cách thoải mái. Ngoài ra, bé bỗng dưng bỏ bú mẹ có thể do có vết loét hoặc xước trong miệng, bé bị nấm miệng, tươi lưỡi nên bị đau rất khó tiếp cận với vú như bình thường.

Thêm nữa, một số bé đang trong giai đoạn mọc răng cũng rất khó khăn trong việc bú mẹ do nướu sưng tấy và đau đớn khiến bé quấy khóc, mệt mỏi.

Tư thế bú chưa đúng

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ của bạn gặp khó khăn, nhất là với người mới lần đầu làm mẹ. Lý do là bởi khi bú sai tư thế sẽ khiến bé sai khớp ngậm, dễ bị sặc, nôn trớ và tụt khỏi núm vú của mẹ. Những yếu tố này khiến bé “sợ” bú mẹ và lâu dần hình thành phản ứng chống lại việc bú sữa.

Thêm vào đó, việc bú sai tư thế còn có thể khiến vú mẹ bị tổn thương với chứng “nứt cổ gà”. Mẹ sẽ rất đau đớn nên phải điều trị và không thể cho con bú thường xuyên. Điều này càng khiến cho việc giúp bé quay lại bú mẹ thêm phần khó khăn.

Bé bỗng dưng bỏ bú mẹ

Lượng sữa mẹ không ổn định

Việc bú mẹ thường hình thành do thói quen. Do đó, khi không nhận được lượng sữa ổn định như mọi ngày, bé sẽ nhanh chóng nhận ra và không thích thú bú mẹ nữa. Nguyên nhân có thể đến từ việc sữa mẹ đột ngột nhiều lên do mẹ tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi tốt hơn. Nguồn sữa phun trào quá mạnh làm bé sợ và không dám bú mẹ.

Ngược lại, khi mẹ căng thẳng, mệt mỏi và thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, lượng sữa sẽ không thể dồi dào như những ngày bình thường. Điều này khiến trẻ khó thu đủ số lượng sữa cần thiết nên nảy sinh tâm lý chán bú mẹ. Trong lúc này, nếu mẹ vì quá lo lắng mà chuyển sang dùng sữa công thức với nguồn sữa đều đặn, ổn định hơn thì việc khôi phục quá trình bú mẹ sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Tâm lý của mẹ ảnh hưởng đến bé

Tình cảm và những cử chỉ âu yếm của mẹ khi cho con thưởng thức dòng sữa ngọt ngào có ảnh hưởng nhất định đến bé. Vì thế, nếu chẳng may trong quá trình nuôi con bằng sữa, mẹ lại bị áp lực do công việc, gia đình, việc chăm con vất vả… khiến cho tâm trạng thoải mái. Lúc này, mẹ không còn “chiều chuộng” bé như trước nữa. Trẻ rất nhạy cảm nên dễ dàng nhận biết điều này và nhanh chóng không “hợp tác” với mẹ nữa.

Đồng thời, cũng có thể do quá căng thẳng nên mẹ không thể duy trì giờ giấc bú một cách đều đặn, khoa học như thông thường. Những xáo trộn này sẽ khiến bé không phân biệt được giờ bú, cữ bú, làm cho quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng bé giảm hứng thú với việc bú mẹ và có thể chuyển dần sang bỏ bú.

Bầu ngực mẹ có mùi lạ

Khi thấy bé bỗng dưng bỏ bú mẹ, mẹ nên kiểm tra lại xem ngực mình có mùi lạ nào không nhé. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với mùi. Vì thế, bất kỳ những thay đổi nào nhỏ nhất ở mẹ như thay đổi mùi nước hoa, dùng kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng thể… đều dễ dàng bị bé nhận ra.
“Phản ứng” bỏ bú của bé chính là thông điệp gửi tới mẹ rằng, bé không thích những mùi này. Mẹ cần phải kịp thời nhận ra và điều chỉnh để quá trình nuôi con bằng sữa mẹ không bị gián đoạn.

Biểu hiện bé bú đủ sữa

  • Bé nhanh nhẹn, vui vẻ và ngủ ngon giấc. Nếu trên 3 tháng tuổi, bé có thể ngủ suốt đêm mà không cần thức giấc nửa đêm đòi bú.
  • Bé đi tè thường xuyên và thải ra ít nhất 6 tã ướt/ngày.
  • Tăng cân và chiều cao đều đặn.

Giải pháp cho bé bỗng dưng bỏ bú mẹ

Điều chỉnh thực đơn hợp lý

Khi cho trẻ bú, mẹ cần phải đặc biệt quan tâm đến nguồn thức ăn nạp vào để tránh nguy cơ bé bỗng dưng bỏ bú mẹ do sữa bị thay đổi mùi vị hoặc bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Những thực phẩm mẹ đang cho con bú nên tránh là: gia vị cay nồng như tỏi, ớt; trái cây có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa cho trẻ như cam, quả bơ; thức uống chứa cồn và caffeine; thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản có vỏ…

Kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé

Nếu bé bỗng dưng bỏ bú mẹ kèm theo những biểu hiện như quấy khóc, lưỡi nổi đẹn, sổ mũi và có một số hành động như bứt rứt cấu vào tai… mẹ có thể nghĩ đến khả năng bé đã bị nhiễm bệnh và nhanh chóng đưa con đến bác sĩ kiểm tra. Việc chữa trị kịp thời sẽ giúp bé nhanh chóng quay về với việc bú mẹ và bắt kịp đà tăng trưởng.

Khi bé mọc răng, mẹ có thể giúp con vệ sinh nướu thường xuyên bằng nước muối loãng, cho trẻ dùng gặm nướu lạnh để giảm cảm giác đau đớn.

Điều chỉnh tư thế bú mẹ

Khi có được tư thế bú đúng, không chỉ đảm bảo cho việc bé dễ dàng nhận được nguồn sữa một cách thoải mái nhất mà còn giúp mẹ ngăn ngừa nhiều vấn đề phát sinh với bầu ngực.

Tư thế bú đúng: Mẹ ôm bé vào lòng để bé xoay về phía mẹ. Một tay mẹ đỡ mông, tay còn lại mẹ đỡ đầu để thân người bé thẳng hàng. Cho núm vú chạm vào miệng để tạo phản xạ bắt vú. Bé ngậm bắt vú đúng sẽ mở rộng miệng ngậm sâu cả quầng vú và cằm tì vào ngực mẹ. Lúc bé bú đúng sẽ mút chậm rãi và lõm má vào trong.

Lưu ý: Khi cho bé bú, mẹ nên đến khu vực yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ để bé cảm thấy thoải mái và không bị âm thanh bên ngoài chi phối gây mất tập trung.

Giảm áp lực cho bản thân

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, khi mẹ căng thẳng hay tức giận sẽ tiết ra một loại hóc môn không có lợi cho bé vào sữa. Vì thế, để tránh tình trạng này, mẹ nên tìm cách phân bố công việc, chia sẻ việc nhà với chồng hay người thân. Bên cạnh đó, mẹ chú ý nghỉ ngơi và tăng cường thức ăn bổ dưỡng, uống nhiều nước để đảm bảo cho nguồn sữa luôn ổn định.

Khi cho bé bú, mẹ nên gác những âu lo sang một bên để trò chuyện, vỗ về con tạo sự thân thiết, gần gũi, giúp bé cảm thấy vui vẻ và yên tâm tận hưởng dòng sữa ngọt ngào.

Hạn chế dùng các loại mỹ phẩm

Việc dùng mỹ phẩm trong giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ là điều nên hết sức cân nhắc vì chúng có thể đi vào cơ thể và gây hại cho bé. Vì thế, trong lúc này, bạn nên hạn chế dùng các loại mỹ phẩm, nhất là loại không rõ nguồn gốc và có thành phần độc hại như corticoid hydroquinon, thủy ngân.

Nếu cần phải dùng mỹ phẩm, bạn nên đợi bé được khoảng 6 tháng tuổi hãy bắt đầu quá trình làm đẹp. Lúc này, chú ý tránh xa vùng ngực để bé không nuốt phải. Sau khi thoa kem, bạn không nên bế bé ngay để tránh mỹ phẩm dây vào da bé gây dị ứng.

Đặc biệt, vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm với mùi hương nên bạn tránh dùng loại có mùi thơm quá nồng nhé.

 

Bài viết liên quan