Mẹ&Con – Thế là Tết đã đến cùng những buổi tiệc tưng bừng, những tối thức khuya thật là khuya với bố mẹ, những bữa ăn thay vì bắt đầu lúc 6 giờ tối thì dời xuống 8-9 giờ tối, v.v., tất cả khiến nhịp sinh học của bé yêu xáo trộn. Ăn không đúng giờ, ngủ không đúng giấc, sức khỏe của bé ra sao?

Sao con thức khuya thế hả?

Bạn có phải ra rả với bé câu này vào dịp cuối năm không? Nếu có, cần lưu ý và điều chỉnh ngay. Đừng tự nhủ với mình một cách thỏa hiệp rằng: Thôi kệ, lâu lâu mới có tiệc vui thế này, đông bà con họ hàng về thế này, cho bé thức khuya một chút dăm ba bữa có sao!

Với nhiều gia đình có họ hàng ở nước ngoài, lễ Giáng sinh – tết Dương lịch còn là dịp bà con ở nước ngoài về thăm. Những bữa nhậu kéo từ 6 giờ chiều đến 11 giờ khuya trở thành rất đỗi thường xuyên. Tất nhiên bé yêu của bạn cũng có “cơ hội” thức theo, chơi đùa với các anh chị em họ trạc bằng tuổi bé.

Bé bị xáo trộn nhịp sinh học dịp cuối năm

(Ảnh minh hoạ)

Đối với bạn, một người trưởng thành, chỉ cần thức khuya một đêm là sáng hôm sau cơ thể mệt mỏi, uể oải, làm việc không hiệu quả. Vậy thì, đối với trẻ nhỏ, một đêm lỡ giấc ngủ sẽ gây tác hại cho bé như thế nào. Chỉ cần xáo trộn giấc ngủ trên 3 ngày thôi, sức khỏe của bé sẽ “lên tiếng” ngay.

Khi bé ngủ, các mạch máu dưới da sẽ dãn ra, bổ sung dinh dưỡng và ôxy cho da, đồng thời gột rửa những chất cặn bã. Chưa hết, các hocmon sinh trưởng tăng lên sẽ thúc đẩy sự sản sinh tế bào. Giấc ngủ cũng giúp bé được nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn, hồi phục những mệt mỏi vào ban ngày để chuẩn bị cho 24 tiếng đồng hồ tiếp theo. Tất cả những việc này đều cần thực hiện hàng ngày, đều đặn, không có chuyện “làm bù”, hôm nay không sản sinh hocmon được thì ngày mai sản sinh hay những điều tương tự.

Bạn cần biết rằng không phải cứ ngủ đủ 8 tiếng là xong, nếu bé thức quá khuya, dậy quá trễ thì vẫn gây hại cho sức khỏe như thường. Bé cần ngủ trước 9 giờ tối vì khi bé ngủ, cơ thể tiết ra hocmon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần so với khi thức. Hocmon tăng trưởng lại theo đúng quy luật: khi bé đi vào giấc ngủ mới sản sinh, sau khi bé ngủ say 1 tiếng đồng hồ mới bước vào cao trào. Thông thường, hocmon tăng trưởng tiết nhiều nhất từ khoảng 10 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Do đó, trẻ cần đi ngủ trước 9 giờ tối để có thể bắt được “điểm vàng” này.

Không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, giấc ngủ đúng giờ, đúng nhịp sinh học còn giúp hồi phục sức khỏe, dự trữ năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thần kinh. Không đảm bảo giấc ngủ tốt dù chỉ vài ngày, bạn cũng có thể khiến cơ thể bé như một phân xưởng “náo loạn”, mọi chi tiết đều có thể trục trặc, hỏng hóc, ảnh hưởng không nhiều thì ít bất cứ lúc nào vì không còn đi theo dây chuyền bình thường nữa.

Chuyện ăn cũng bị xáo trộn

Những bữa cơm đầy đủ chất, đúng giờ được thay bằng những bữa tiệc thịt thà ê hề song chưa chắc đã đủ chất và giờ giấc thất thường. Bạn cần biết, muốn trẻ ăn ngon miệng thì những đòi hỏi cơ bản sẽ là trẻ cần ăn đúng bữa, không xáo trộn bữa ăn, không ăn vặt, không uống kèm nước ngọt trong bữa ăn (điều mà những buổi tiệc cuối năm rất hay làm).

Trẻ em dưới 1 tuổi một ngày phải ngủ từ 14 đến 20 tiếng đồng hồ, từ 2 đến 5 tuổi cần phải ngủ 11 – 13 tiếng, từ 6 đến 13 tuổi cần phải ngủ 9 – 10 tiếng.

Nhiều bé, trước giờ “nhập tiệc” đã thỏa thích uống liền một hơi cả ly nước ngọt, rồi nhâm nhi theo người lớn món bánh snack. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ làm lượng đường trong máu tăng làm ức chế men tiêu hóa, gây ra sự biếng ăn sau đó. Bạn cũng cần biết rằng việc cho trẻ ăn đúng giờ sẽ làm tăng lượng hấp thu thức ăn vào cơ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc khi bị bắt chờ, khi xáo trộn giờ ăn, khi chưa kịp đói đã ăn liền, cơ thể sẽ không thể hấp thu đầy đủ dưỡng chất như mong muốn nữa.

Sự thiếu hụt thành phần dinh dưỡng, thừa thịt, các loại chất béo chiên xào, các món nguội như chả, giò, v.v. mà thiếu rau, thiếu những tô canh nóng hổi chỉ vài ngày (thậm chí có khi chỉ cần một ngày), bé có thể bị táo bón, khó chịu ngay.

Bạn cần biết rằng ăn quá nhiều thịt không phải là tốt. Do đó, dù là tiệc tùng, bạn cũng đừng quên những món ăn nóng hổi, tươi ngon cho bé yêu của mình. Lưu ý cả việc bổ sung cho bé những loại rau quả, trái cây, nhất là trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, xoài, dứa, v.v. để tăng cường sức đề kháng cho con trong những ngày nhịp sinh học không ít thì nhiều xáo trộn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành

Hỏi: Khoảng một tuần nay, nhà có đám cưới, lại thêm dịp cuối năm bận rộn, tôi ít để tâm đến giờ giấc ăn ngủ của con, để bé thức khuya tùy ý. Tôi nghĩ không có gì quan trọng lắm, vì chẳng qua cũng chỉ vài ngày. Thế nhưng, thấy con có vẻ lừ đừ muốn bệnh, tôi ép bé đi ngủ đúng giờ thì bé lại bị giật mình, ngủ không sâu. Có phải tôi đã làm xáo trộn nhịp sinh học của con không? Làm sao để bé quay trở lại nhịp sinh học cũ?

Huỳnh Liên (Quận 2)

Đáp: Nhiều người cũng nghĩ như bạn, cho là xáo trộn giờ giấc sinh hoạt vài ngày cũng chẳng sao đâu. Kỳ thực là với trẻ em, chuyện này chẳng những “có sao” mà còn có “trăng” luôn đấy! Trẻ nhỏ cần được đảm bảo ăn ngủ đúng giờ vì cơ thể trẻ chưa có sự thích nghi nhanh nhạy như người lớn khi bị xáo trộn. Lúc đó, trẻ sẽ dễ bệnh, dễ ảnh hưởng sức khỏe. Muốn con trở về nhịp sinh học cũ, bạn cần nỗ lực điều chỉnh và giúp trẻ tuân thủ lại giờ giấc ban đầu. Sau vài ngày, trẻ sẽ “vào nếp” lại. Tuy nhiên, xin nói rõ là việc này “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tức sẽ tốt hơn nếu đừng để nó xảy ra. Cũng đừng lạm dụng tưởng “kệ, một lần không sao” vì nếu cứ “kệ” như vậy hoài, trẻ sẽ quen dần với thói quen xấu ăn ngủ tùy tiện, dễ mắc nhiều chứng bệnh.

> “Điểm danh” 10 thực phẩm tăng sức đề kháng có sẵn trong nhà

> Trẻ nghiến răng khi ngủ có thể xem là bất thường không?

Tags:

Bài viết liên quan