Bản chất mực là món ăn ngon, bổ dưỡng cho cơ thể kể cả mẹ bầu. Trong thực tế có bầu ăn mực được không thì còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Bởi có một số mẹ bầu bị ốm nghén, dị ứng hải sản hay nếu có gặp một số vấn đề sức khỏe cần kiêng cữ thì sẽ được bác sĩ dặn dò trước.
Hàm lượng dinh dưỡng trong mực
Mực là hải sản có hàm lượng dinh dưỡng cao khi cung cấp nhiều đạm động vật, omega-3, các loại khoáng chất và vitamin cho bà bầu. Thịt mực chắc, ngọt nhẹ và có mùi thơm hấp dẫn. Mực là món khoái khẩu của rất nhiều người bởi dễ chế biến, thích hợp với nhiều phương pháp nấu nướng.
Trong 100g thịt mực chứa khoảng:
- 15g protein: Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng giúp xây dựng các mô, cơ và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- 0,86mg sắt: Mực là thực phẩm bổ sung sắt cho bà bầu rất tốt. Hải sản này tham gia quá trình tạo hemoglobin, tạo hồng cầu và giúp tăng lượng máu chảy qua tử cung để nuôi thai nhi. Nhu cầu sắt trong thai kỳ của phụ nữ là rất cao, bên cạnh thực phẩm, nhiều mẹ bầu còn cần bổ sung trực tiếp qua đường uống.
- 1,48mg kẽm: Tham gia sản xuất enzyme và insulin ở trong cơ thể thai nhi.
- 213mg phốt-pho: Có vai trò quan trọng giúp hình thành vật liệu di truyền, enzyme và màng tế bào, phốt-pho cũng giúp đảm bảo răng và xương của bé chắc khỏe.
- 1,8mg đồng: Đồng cũng tham gia vào quá trình tạo hemoglobin, đồng thời, chúng giúp hệ thần kinh của bé phát triển đầy đủ.
- 44mcg selenium: Điều chỉnh hormone tuyến giáp và ngăn ngừa mất cân bằng oxy hóa.
- 0,389mg vitamin B2: Quan trọng với quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ.
- 1,05mcg vitamin B12: Hình thành vật liệu di truyền và hệ thần kinh trung ương, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất béo và protein.
- 3,6mg vitamin C: Tăng cường miễn dịch.
Ngoài ra mực chứa nhiều omega-3, chất béo quan trọng để hình thành não bộ và thị giác của thai nhi.
Bà bầu ăn mực được không?
Đối với mực tươi
Trong hải sản nói chung thường chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn các thực phẩm khác. Thủy ngân là chất độc, đặc biệt đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong số các loại hải sản phổ biến như cá ngừ, cá thu thì mực vẫn là loại chứa hàm lượng thủy ngân khá thấp.
Bầu ăn mực được không còn phụ thuộc vào cách chế biến và nguồn thực phẩm. Bạn cần tuân thủ các lưu ý sau để đảm bảo sức khỏe nhé:
- Tuyệt đối không được ăn mực sống, tái vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
- Tránh các món chiên xào, cay nóng nhiều dầu mỡ vì chúng vừa làm giảm giá trị dinh dưỡng của mực vừa không tốt cho sức khỏe.
- Chọn nguyên liệu là mực tươi, ngon, tránh các sản phẩm cận hoặc hết hạn sử dụng.
- Nếu có tiền sử dị ứng mực thì tuyệt đối không nên cố thử chỉ vì chúng giàu dinh dưỡng.
- Không nên ăn quá 150g mực tươi mỗi tuần.
Có bầu ăn mực khô được không?
Kinh nghiệm dân gian thường nói rằng bà bầu ăn mực khô thì dễ gây sảy thai, sinh con đen như mực hay trẻ kém thông minh. Điều này làm nhiều chị em dù rất thích món mực khô nhưng vẫn băn khoăn không biết có bầu ăn mực khô được không. Thực tế, việc ăn mực khô không ảnh hưởng gì tới trí thông minh hay màu da của trẻ cả.
Cũng như mực tươi, các món mực khô có hàm lượng dinh dưỡng cao, ngon miệng, dễ chế biến. Trong mực khô còn có một ít magie, có tác dụng làm thư giãn thần kinh và cơ bắp. Đây cũng là lý do nhiều mẹ bầu thích nhâm nhi mực khô.
Tuy nhiên, mực khô thường có khá nhiều muối mặn cũng như cholesterol khá cao. Nếu bạn thừa cân, đang lo lắng về béo phì thai kỳ hay là người bị mỡ máu thì nên hạn chế món này trong khẩu phần ăn.
Gợi ý các món ăn từ mực bổ dưỡng cho mẹ bầu
Để chọn được mực tươi bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau:
- Màu sắc: Màu sáng, tươi, lớp da bóng và thân thường có màu trắng đục.
- Mắt sáng, trong, không bị lồi hoặc chảy dịch.
- Thịt săn chắc, đàn hồi tốt khi ấn vào thử.
Mực hấp gừng sả
Món hấp giữ lại hầu hết chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Đồng thời, gừng sả giúp làm ấm cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa tốt. Đây là món ăn từ mực thơm ngon thích hợp cho các mẹ bầu. Cách chế biến rất đơn giản:
Chuẩn bị: 300g mực tươi, gừng tươi 1 củ, sả 3 cây, lá chanh, ớt, tỏi, gia vị.
Cách làm: Mực làm sạch, khử mùi tanh của mực với chanh, mẻ hoặc giấm chua sau đó ướp với muối, bột nêm, đường, nước mắm cho vừa ăn và để 20 phút cho ngấm gia vị. Đập dập sả, gừng, lá chanh, ớt… rồi trộn đều với mực sống. Sau đó hấp đĩa mực đã trộn này trong khoảng 10 phút.
Mực xào chua ngọt
Món ăn với vị chua chua ngọt ngọt dễ ăn vô cùng.
Chuẩn bị: 300g mực, 100g cà chua bi, 100g ớt chuông, 100g thơm (khóm), hành tây, hành tím, rau nêm, gia vị, tỏi…
Cách làm: Cách làm sạch và khử mùi tanh cho mực cũng tương tự như trên. Cắt mực vừa ăn, hành tím 2 củ, gừng đập dập cho vào nước sôi trụng khoảng 30 giây rồi để ráo. Tiếp theo ướp mực với gia vị vừa ăn và để 10 phút cho thấm gia vị, trong lúc đó thì sơ chế các nguyên liệu khác, cắt miếng vừa ăn.
Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi thơm tỏi, hành tím băm, cho mực vào xào 2 phút rồi tiếp tục cho cà chua, thơm, ớt chuông vào xào thêm khoảng 8-10 phút, khi gần chín thì cho thêm rau nêm tùy ý.
Với các thông tin trên đây hy vọng bạn đã hiểu rõ có bầu ăn mực được không. Nhớ thử ngay các món mực thơm ngon bổ dưỡng cho mẹ và bé này bạn nhé. Điều quan trọng là đảm bảo các bữa ăn dinh dưỡng cho bà bầu với nguyên liệu tươi ngon và cách chế biến phù hợp.