Gần đây, có thể thấy hàng loạt sao Việt như Hà Hồ, Đông Nhi thi nhau chọn phương pháp lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn cho “cục cưng” của mình ngay khi con chào đời. Vậy liệu phương pháp lấy tế bào gốc từ cuống rốn này là gì, có lợi ích gì? Cùng Mẹ&Con tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây, bạn nhé!
Lưu trữ tế bào gốc cuống rốn là gì?
Vào năm 1987, bác sĩ Eliane Gluckman tại Bệnh viện Saint-Louis, Paris (Pháp) đã thực hiện ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân 5 tuổi mắc bệnh thiếu máu Fanconi. Ca phẫu thuật đã sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn của em gái sơ sinh của bệnh nhân.
Có thể nói, lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là một hình thức “mua bảo hiểm sinh học trọn đời” cho trẻ. Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, cuống rốn và bánh nhau chính là bộ phận mang dưỡng chất đến con, giúp thai nhi khỏe mạnh. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ thực hiện cắt rốn. Cuống rốn và nhau thai cũng thường bị bỏ đi do được xem như rác thải y tế. Tuy nhiên gần đây, cuống rốn sau khi cắt sẽ được đội ngũ y bác sĩ lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn và gửi đến lưu trữ trong các ngân hàng lưu trữ.
Ưu điểm của phương pháp này là gì?
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy tế bào gốc từ máu cuống rốn có nhiều ưu điểm tuyệt vời:
- Tế bào gốc từ máu cuống rốn chứa nhiều tế bào gốc tạo máu có thể ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau tương tự như máu được lấy từ tủy xương hoặc máu ngoại vi. Hiện nay, tế bào gốc có thể giúp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị hơn 80 bệnh lý khác nhau. Các bệnh lý có thể điều trị bao gồm: bệnh bạch cầu, ung thư máu, suy tủy, bệnh tự miễn như tiểu đường, bệnh rối loạn di truyền như thiếu máu, tan máu bẩm sinh…
- Ngoài ra, tế bào gốc còn có khả năng biệt hóa thành tế bào của các mô khác như tế bào gan, thận, tế bào da, cơ vân, cơ tim…
- Đặc biệt, việc lấy và lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn sẽ đơn giản hơn, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật phức tạp, có xâm lấn như lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi và tủy xương.
- Tế bào gốc này cũng là những tế bào nguyên thủy, có độ thích ứng cao hơn, phát triển nhanh hơn, có nhiều khả năng tạo ra những tế bào khỏe mạnh hơn.
- Điều trị bệnh từ tế bào gốc máu cuống rốn sẽ hạn chế tối đa các phản ứng thải ghép của cơ thể bệnh nhân. Trong trường hợp người thân trong gia đình cần tế bào gốc điều trị thì việc sử dụng tế bào gốc của trẻ sẽ có khả năng phù hợp cao hơn tế bào gốc từ những người không cùng huyết thống.
Do đó, bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp lấy và lưu trữ tế bào gốc khi trẻ vừa được sinh ra.
Các bước lưu trữ tế bào gốc cho trẻ
Trước khi sinh, bố mẹ có thể liên hệ đến bệnh viện để đăng ký lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn của trẻ. Các bước thực hiện gồm có:
- Tìm hiểu ngân hàng lưu trữ phù hợp, liên hệ để đăng ký sử dụng dịch vụ.
- Ký hợp đồng lưu trữ.
- Ngay trong phòng sinh, các bác sĩ sẽ thu thập máu cuống rốn của trẻ (thời gian thực hiện: từ 2-3 phút).
- Máu cuống rốn được chuyển tới Ngân hàng máu cuống rốn, xử lý và lưu trữ lại tế bào gốc trong điều kiện nhiệt độ âm sâu (nito lỏng -196 độ C). Quy trình này được thực hiện trong khoảng 24 – 48 giờ.
- Rã đông và sử dụng khi có nhu cầu.
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao nhiều người chọn lưu trữ tế bào gốc cuống rốn đến thế rồi phải không nào? Nếu có điều kiện, hãy đăng ký ngay cho con bạn nhé!