Nôn trớ là tình trạng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn trớ có thể kể đến như:
- Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no hoặc lúc bé ti không đúng tư thế.
- Vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay cũng gây nôn trớ.
- Trẻ có thể mắc các bệnh nội khoa như bệnh về đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp trên, nhiễm trùng thần kinh…
Vậy cách chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh như thế nào? Mời mẹ cùng tham khảo một số bước đơn giản dưới đây:
Để tránh nôn trớ, mẹ không nên ép trẻ bú quá no. (Ảnh minh họa)
Bước 1: Khi trẻ nôn trớ, mẹ nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh trường hợp bị sặc. Nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi của trẻ bằng cách quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng.
Bước 2: Dùng tay vỗ nhẹ sau lưng để giúp trẻ tống khứ hết chất nôn ra ngoài và trấn an trẻ.
Bước 3: Lau sạch người cho trẻ bằng nước ấm.
Bước 4: Khi trẻ hết nôn, mẹ cho trẻ uống nước ấm hoặc cho trẻ ti mẹ từ từ.
Trường hợp sau khi trẻ hết nôn trớ nhưng vẫn còn mệt, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo an toàn.
Xử trí dị vật đường thở ở trẻ
Nếu trẻ hít phải chất nôn trớ, mẹ tuyệt đối không được dùng tay cố móc chất nôn mà phải thực hiện phương pháp Heimlich để tống dị vật ra ngoài. Phương pháp này đòi hỏi bố mẹ phải xử trí một cách nhanh chóng và chính xác.
Cách chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh (trường hợp trẻ hít phải chất nôn trớ) được thực hiện như sau:
Bước 1: Dùng một tay đỡ trẻ nằm sấp. Chú ý, bàn tay nâng đầu và cổ của trẻ thấp hơn so với thân người.
Bước 2: Dùng bàn tay còn lại vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai.
Hoặc bạn có thể áp dụng phương pháp Heimlich ấn ngực:
Bước 1: Dùng một tay đỡ trẻ nằm ngửa, bàn tay đỡ đầu và cổ thấp hơn so với thân người.
Bước 2: Hút sạch sữa trào ra ở vùng mũi họng nếu có.
Bước 3: Dùng 2 ngón tay của bàn tay còn lại ấn mạnh ở vùng giữa dưới ức 5 lần.
Chăm sóc trẻ bị nôn trớ
Ảnh minh họa
Quan tâm tới cách chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh thôi là chưa đủ, mẹ cần trang bị thêm kỹ năng chăm sóc trẻ đúng cách.
Nôn trớ cơ năng
Nôn trớ cơ năng tức là xuất phát từ những sai lầm trong việc ăn uống và chăm sóc trẻ chưa đúng cách. Trường hợp này, mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như chế độ chăm sóc trẻ một cách hợp lý.
Nôn trớ bệnh lý
Nếu trẻ bị nôn trớ bệnh lý, mẹ cần phải thận trọng, theo dõi trẻ thường xuyên trong thời gian dài. Đặc biệt, thấy trẻ nôn trớ kèm theo triệu chứng chướng bụng, co giật… mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Mẹ cũng cần nhớ rằng, nên cho trẻ bú từ từ, bú đủ cữ, không ép trẻ ăn quá no. Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải là điều đơn giản. Vì vậy, nếu bạn là một bà mẹ thông thái, cần biết cách chọn lựa thông tin và kiến thức đúng. Không nên vội vàng nghe theo và áp dụng các biện pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học.
Chúc mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan!