Mẹ&Con - Cứ thế, chuyện cũ ngày càng dày lên, chẳng ai nhường nhịn ai. Anh ấy là người bảo thủ nên không dễ thay đổi suy nghĩ và thường cho mình đúng khiến tôi rất khó chịu.Tôi không biết vấn đề như thế có nguy hiểm lắm không? 7 điều tuyệt đối không nên khi cãi nhau 5 điều chồng rất thích vợ làm sau cuộc cãi nhau Vợ khéo nói có phải là tốt?

Tôi và anh ấy cưới nhau hơn 2 năm, vì công việc nên chưa tiện sinh con. Dạo này, mức độ gây gỗ, cãi vã của hai vợ chồng ngày càng dày đặc hơn khiến tôi rất lo, thậm chí những người biết chuyện còn khuyên tôi không nên vội sinh con, sợ ly dị lại khổ cho con khiến tôi càng bất an. Khi bình tĩnh lại thì nhận ra những vấn đề gây gỗ đó chỉ là chuyện vụn vặt. Có khi xuất phát từ câu nói mà đối phương hiểu sai ý dẫn đến hiểu lầm nhau, hoặc có khi là do cả hay nhạy cảm quá, hay suy diễn vấn đề nọ vấn đề kia để hằn học nhau. Có một điều, chúng tôi giận nhau rất nhanh lành, tuy nhiên, những lần cãi nhau tiếp theo cả hai lại lôi chuyện cũ ra trách móc. Cứ thế, chuyện cũ ngày càng dày lên, chẳng ai nhường nhịn ai. Anh ấy là người bảo thủ nên không dễ thay đổi suy nghĩ và thường cho mình đúng khiến tôi rất khó chịu.Tôi không biết vấn đề như thế có nguy hiểm lắm không? Rất mong nhận được chia sẻ cũng như tư vấn của chuyên gia. Chân thành cảm ơn!

Thanh Mai (Q.2)

Ý kiến chuyên gia

Bạn Thanh Mai thân mến!

Những lo lắng của bạn không hẳn không có cơ sở. Đó là những tín hiệu đầu tiên cho thấy sự hòa hợp giữa hai vợ chồng bạn không có. Nếu cuộc chung sống không dựa trên nền tảng của sự hiểu nhau, chấp nhận và tôn trọng nhau  thì thật khó để có thể có một tình yêu vững bền hay cuộc hôn nhân hoàn mỹ bạn ạ! Những tranh cãi ban đầu, những hụt hẫng, bất đồng dần dần sẽ lớn lên, sẽ dày hơn… và chắc chắn thật khó có thể chung sống một cách đúng nghĩa.

Bạn bảo rằng đôi lúc gây nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt hoặc những hiểu lầm rất vụn vặt, vậy sao không bắt đầu điều chỉnh ở đây? Khi chung sống với một người mà chính ta đã chọn, có lẽ nhất thiết phải tập thói quen chấp nhận cũng như hợp tác. Bạn thực sự phải chấp nhận tương đối về những gì anh ấy có và đặc biệt bạn phải dần dần hướng đến sự hòa hợp để thay đổi anh ấy dần dần trong một chừng mực nhất định.

Bạn nên cùng anh ấy đối diện với nhau để phân tích lợi hại cũng như những vấn đề có liên quan là điều nên làm ngay lập tức. Điều này nên được tinh tế tổ chức một cách khéo léo vì nếu không sẽ có thể để bóng ma của sự “cãi nhau” càng lúc càng hoành hành. Không ai muốn cuộc hôn nhân mình tan vỡ, không ai muốn chuyện vợ chồng sẽ dẫn đến những hoàn cảnh đáng thương nhưng có lẽ chính bạn nên thực sự chủ động hết lòng. Với sự cố gắng của bạn, biết đâu anh ấy sẽ thay đổi? Lẽ dĩ nhiên, cả hai đều phải nghiêm túc, hết lòng và đặc biệt là thực sự hướng về nhau.

Việc có con hay không cũng phải xuất phát từ những cơ sở nhất định: bạn và anh ấy đã sẵn sàng làm cha làm mẹ chưa, điều kiện kinh tế, điều kiện tâm lý… Những cơ sở ấy hết sức quan trọng để bạn và anh ấy cần nhìn lại cuộc chung sống để có quyết định hợp lý. Hy vọng bạn sẽ quyết tâm và bình tĩnh để thực hiện bạn nhé! Chúc gia đình bạn sớm nhìn thấy nụ cười trên môi của mỗi thành viên trong gia đình.

Chuyên viên Tư vấn tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Yêu mọi người, tin vài người và đừng xúc phạm đến ai

Tags:

Bài viết liên quan