Mẹ&Con – Thật tuyệt nếu nhà có nuôi một con chó để làm bạn với con. Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy quá trình chơi đùa, chăm sóc vật cưng sẽ giúp trẻ sớm có ý thức trách nhiệm, giàu tình cảm và thông minh hơn. Tuy nhiên, nuôi một chú “gâu gâu” trong nhà cũng đồng nghĩa với việc bạn cần hết sức cẩn thận. Nếu không, chính thiên thần bé bỏng của bạn sẽ rất dễ gặp phải một tai nạn mang tên: Chó cắn!

Đừng chủ quan với “người bạn bốn chân”!

Chó vốn là con vật nuôi tuyệt vời: Trung thành, dễ thương, thông minh, ngoan ngoãn, có khả năng hiểu rõ từng mệnh lệnh của chủ và thậm chí “đoán biết” được lúc bạn buồn vui để có những cử chỉ vẫy đuôi, nằm im, liếm tay liếm chân rất đáng yêu. Tuy nhiên, đừng vì quá quen thuộc và quá tin cậy vào chúng mà bạn chủ quan khi để con trẻ lại gần.

Trẻ không như người lớn để ý thức được đây vẫn là một con vật. Trẻ rất hồn nhiên khi xem chó như một người bạn bốn chân ngộ nghĩnh. Bạn bỏ lơ trẻ một lát mà xem, thiên thần bé bỏng của bạn sẽ chẳng ngần ngại… leo lên mình con chó, cấu véo, giật đuôi, nắm lỗ tai, thậm chí là cho hẳn tay vào miệng con chó để khám răng!!! Tất cả những hành động ngây thơ này của bé yêu có thể gây nguy hiểm cho bé, khi con vật cảm thấy bị làm phiền quá mức và đâm ra nổi quạu.

Việc bạn cần làm là hãy cho phép con chơi, nhưng chơi một cách an toàn, có kiểm soát với vật cưng. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết trong ô bên cạnh để biết mình phải làm gì. Công thức căn bản cần nhớ là cần kiềm chế sự “phấn khích” của con, tuyệt đối không chọc phá chó khi chúng đang ăn, đang ngủ, đang gầm gừ với một con chó khác hoặc đang chăm sóc đàn con của nó. Bé từ 3 tuổi trở đi đã hiểu được phần nào những căn dặn của bạn nên bạn đừng ngần ngại hướng dẫn con cách thức vuốt ve nhẹ nhàng, chơi đùa với “người bạn bốn chân” ra sao.

Can than vơi gau gau

(Ảnh minh họa)

Và bình tĩnh trước tai nạn chó cắn!

Thực tế, một khi đã nuôi chó thì dù cẩn thận hết mức, nguy cơ trẻ bị chó cắn vẫn có thể xảy ra. Làm gì khi bé của bạn bị chú chó trong nhà hay chú chó hàng xóm tấn công? Lời khuyên cho bạn là thay vì nổi khùng lên, cầm ngay lấy một cái cây nào đó để quay sang… quất túi bụi trả thù vào con vật thì bạn nên giữ thái độ hết sức bình tĩnh để giúp bé đỡ hoảng sợ về mặt tâm lý. Hãy trấn an, vỗ về trẻ để trẻ bớt sợ, sau đó kiểm tra xem bé bị nhiều vết cắn không, các vết cắn có sâu không, có chảy máu không hay chỉ mới là một cú “ngoạm” cảnh cáo trầy xước sơ sơ.

Hãy thực hiện ngay việc rửa vết thương cho bé bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. Cách đơn giản là mở vòi sen hoặc vòi nước thật mạnh, xả trực tiếp nước vào vết thương trong khoảng 5 phút. Sau đó, lau khô vết thương, sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70 độ, thuốc i-ốt, trừ trường hợp vết thương chảy máu quá nhiều. Sau đó băng gạc sạch lên vết thương và đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra, theo dõi. Trong trường hợp trẻ bị tấn công nghiêm trọng (ví dụ bị chó béc-giê tấn công, vết cắn sâu, chảy máu nhiều…), cần lập tức gọi điện cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

Nên nhớ rằng cho dù bị chó cắn sâu hay chỉ sơ sơ ngoài da thì vẫn cần theo dõi, đưa trẻ đến bác sĩ để quyết định xem có cần thiết tiêm ngừa dại hay không. Bạn cũng cần giữ lại con chó, tiếp tục theo dõi trong vòng 10 ngày xem nó có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, sùi bọt mép, lên cơn, phát bệnh dại hay không.

ĐIỀU ĐÓ ĐÃ XẢY RA… 

  • Đang chơi với một chú chó nhỏ trong nhà, bé H. (8 tháng tuổi, ngụ tại xã Mỹ Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bất ngờ bị con vật táp trực tiếp vào bộ phận sinh dục. Mẹ bé khi nghe tiếng con khóc thét, từ sân chạy vào thì đã thấy bộ phận sinh dục của con bị đứt lìa. Bé được đưa đến trạm y tế sơ cứu rồi chuyển thẳng tới bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã phải mổ cắt bỏ hẳn phần da bị tổn thương, nối da niệu đạo, tạo đường tiểu, tạo hốc để đặt 2 tinh hoàn. Đáng nói là con chó cắn bé ngày thường vẫn chơi đùa với bé một cách rất ngoan ngoãn, hiền lành, không hề hung hăng hay gầm gừ với người bao giờ cả!
  • Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng cấp cứu và tạo hình mặt cho một bệnh nhi 5 tuổi, bị chó cắn ở vùng mặt phải. Khi cấp cứu, bé đã bị chó cắn mất một phần lớn da và cơ mặt, vết thương chiếm gần hết phần mặt phải, lộ mặt trước xương hàm trên. Bờ dưới mi và khóe mắt ngoài bị xé rách, gây tụ máu trong kết mạc bên phải. Gia đình cho biết bé lại gần và bị con chó tấn công dù bình thường con chó này không dữ!
  • Tháng 12/2010, bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận một bệnh nhi 23 tháng tuổi bị chó nhà cắn nát gò má trái, rách môi trên và mất khá nhiều máu. Người nhà cho biết, ngày chủ nhật bé về nhà ông bà ngoại ở Quận 12 chơi và có… giành một món đồ chơi mà con chó nhà đang chơi đùa. Ngay lập tức, bé liền bị con chó giành lại, cắn vào gò má trái và môi làm tổn thương nặng phần mặt. Cháu bé đã phải khâu đến 25 mũi và được theo dõi nhiều ngày sau đó.
  • Không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ, bé L.T.T (10 tuổi) cũng bị hai con chó béc-giê cắn trọng thương khi đang trông nhà giùm cho bác. Gia đình cho biết bình thường bé rất hay qua nhà bác và đã chơi quen với hai con chó béc-giê ở đây. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà hôm đó, bé lại bị hai con chó tấn công cho đến khi nằm bất động dưới nền. Khi người nhà phát hiện, xích chó lại thì bé mới được đưa đi cấp cứu. Bé bị thương rất nặng, mất nhiều máu, tính mạng nguy kịch, khắp người đầy những vết cào, cắn…
Tags:

Bài viết liên quan