Mẹ&Con – Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ bài học về “ông Kẹ” mà người lớn vẫn thường dùng để dọa trẻ con – một người đàn ông có ngoại hình đáng sợ, xấu xí, chuyên đi bắt cóc trẻ hư. Hình tượng phản diện ghê rợn này còn được nhiều bậc cha mẹ gắn liền với “người lạ”, để trẻ con vì sợ bị ông Kẹ bắt cóc mà tránh xa những người không quen biết.

Cách dùng nỗi sợ hãi để dạy con tự vệ có thể hiệu quả ngay tại thời điểm đó – bé vì sợ mà răm rắp nghe lời, nhưng cũng có khả năng để lại những “di chứng” không đáng có cho tâm lý của con. Những lời đe dọa khiến bé cảm thấy thế giới bên ngoài là một nơi nguy hiểm và đáng sợ. Nhiều em luôn ở trong trạng thái lo lắng, sợ sệt, ngần ngại ra khỏi nhà và không muốn tiếp xúc với người khác, vì bé vô tình mặc định “lạ” chính là “nguy hiểm”.

Trao quyền cho con – Không trao nỗi sợ

Trên thực tế, các vụ bắt cóc trẻ em thường được tiến hành bởi người quen và người thân trong gia đình hơn là bởi người hoàn toàn xa lạ. Dù Việt Nam chưa có số liệu cụ thể, số liệu của trung tâm Action Against Abduction cho biết tại Anh quốc và xứ Wales, trong năm 2017 – 2018, chỉ có 40% trẻ em bị người lạ bắt cóc, 20% trẻ em bị bắt cóc bởi một thành viên trong gia đình và 40% còn lại bị bắt cóc bởi người mình quen biết.

treemtuve

Ảnh: Unsplash

Để học tự vệ một cách hiệu quả, trẻ em cần hiểu được rằng không phải người lạ nào cũng là người xấu, và không phải người xấu nào trông cũng dị hợm và đáng sợ. Những kẻ có ý định làm hại trẻ nhỏ thường sẽ ăn mặc đàng hoàng, đứng đắn, tỏ ra vui vẻ, thân thiện để chiếm được niềm tin của trẻ.

Pattie Fitzgerald – nhà sáng lập tổ chức Safely Ever After về giáo dục tự vệ cho trẻ em – gợi ý, phụ huynh nên trao quyền và tạo cảm hứng cho con bằng các cuộc trò chuyện cởi mở về an toàn, về tự vệ chứ không nên dọa cho trẻ sợ. Thảo luận giữa cha mẹ và con cái về các nguyên tắc đảm bảo an toàn của gia đình là việc làm tích cực và cần thiết, giúp con trưởng thành và sẵn sàng cho trách nghiệm tự bảo vệ mình hơn, mỗi ngày.

Dấu hiệu nguy hiểm: Lời dụ dỗ

Thay vì dặn con đừng giao tiếp với bất cứ người lạ nào, hãy dạy con tự vệ bằng cách nhận biết đâu là dấu hiệu của những “người lạ nguy hiểm” mà con phải tránh xa. Không phải người lớn nào tiếp cận trẻ con cũng vì mục đích xấu, thỉnh thoảng thấy một đứa trẻ đáng yêu, chúng ta cũng muốn lại gần bắt chuyện cho vui thôi.

Dấu hiệu người lạ nguy hiểm quan trọng nhất mà trẻ phải nhớ chính là sự dụ dỗ: mời trẻ ăn món gì đó hay ngửi một món đồ lạ; nhờ trẻ giúp mình làm việc này việc kia; dụ trẻ đi theo mình, vào nhà, ra khỏi nhà, lên xe hay cùng di chuyển tới một địa điểm khác… Tất cả đều là những lời dụ dỗ mờ ám, những cảnh báo nguy hiểm rõ ràng mà cha mẹ phải thường xuyên nhắc con nhớ để tự vệ.

treemtuve

Ảnh: Unsplash

Thông thường, người lớn sẽ tìm đến những người lớn khác chứ không tìm đến một đứa trẻ để nhờ giúp đỡ. Vì vậy, những lời đề nghị như “Bác cần cháu khiêng giúp cái này ra xe” hay “Cô bị lạc mất con chó, cháu đi tìm với cô nhé” từ người lạ có khả năng ẩn chứa mục đích xấu rất cao.

Thay vì cứ mặc định những người lạ trông hơi dị hợm một chút là “ông kẹ”, trẻ em nên cảnh giác trước những ai cố gắng thuyết phục chúng làm theo, làm giúp điều gì đó, hoặc dụ dỗ chúng phá vỡ nguyên tắc an toàn của gia đình mà cha mẹ dặn. Nguyên tắc “lời dụ dỗ nguy hiểm” áp dụng cho cả người lạ lẫn người quen của gia đình.

Học nhận diện nguy hiểm bằng tình huống

Đưa ra các tình huống giả định để trẻ tập đánh giá, nhận diện luôn là cách giáo dục hiệu quả, nhất là trong giáo dục về an toàn và tự vệ. Bạn nên đưa ra các tình huống với nhiều kiểu người khác nhau, từ đàn ông đến phụ nữ, từ già đến trẻ, từ người lạ đến người quen… để trẻ hiểu được sự nguy hiểm không đến từ một đối tượng mặc định nào.

Bạn có thể cho con xem các đoạn phim tình huống cho thấy người lớn đang tiếp cận trẻ em và để chúng quyết định cách ứng xử phù hợp. Ví dụ như cảnh một người đàn ông mời trẻ ăn kẹo và rủ lên xe, rõ ràng đây là tình huống nguy hiểm, trẻ cần tránh xa và tìm gặp người lớn an toàn. Có thể chêm vào những tình huống hoàn toàn vô hại, như một người đến nói chuyện với trẻ trong công viên về chú chó họ dắt theo. Thế nhưng, tình huống lại nhanh chóng trở thành nguy hiểm nếu sau đó người này mời trẻ cùng mình dắt chó đi dạo.

Tạo “mật khẩu” gia đình

Nhiều chuyên gia khuyên mỗi gia đình nên thống nhất một “mật khẩu” dành cho các tình huống nguy cấp, trẻ có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định tự vệ hợp lý. Ngay cả khi bạn thường xuyên nhắc con rất rõ về các nguyên tắc an toàn, cách nói “không” trước các tình huống đáng nghi, một “mật khẩu” gia đình vẫn có thể tạo ra khác biệt tích cực đáng kể trong thói quen tự vệ của trẻ.

treemtuve

Ảnh: Unsplash

Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Broward, bang Florida, Mỹ gợi ý, cha mẹ nên dạy con hỏi “mật khẩu” mỗi lần có người lớn tiếp cận, đề nghị cho đi nhờ xe hay nhận là người bố mẹ nhờ đến đón. Nếu người đó không trả lời đúng “mật khẩu” đã thống nhất trong gia đình, trẻ sẽ biết mình cần phải tránh xa và tìm sự giúp đỡ.

“Mật khẩu” có thể là cụm từ hay số bất kỳ mà trẻ thích và ghi nhớ được, nhưng không nên quá dễ đoán như sở thích hay ngày sinh nhật. Thỉnh thoảng gia đình cũng cần đổi “mật khẩu” mới một lần.

“Kế hoạch X”

Blogger Bert Fulks đã dạy con một phương pháp tự vệ mà anh gọi là “kế hoạch X”. Mỗi lần ở trong tình huống khiến mình cảm thấy bất an, không thoải mái và muốn tìm cách thoát ra, trẻ có thể nhắn nhanh đúng một ký tự “X” cho cha mẹ – một cách cầu cứu dễ dàng và kín đáo. Cha mẹ hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình nhận được tin nhắn “X” phải lập tức gọi lại, lấy cớ “gia đình xảy ra việc khẩn cấp” để đến đón trẻ ngay lập tức.

Bảo vệ trẻ em thời hiện đại: Đừng dạy con tự vệ bằng nỗi sợ hãi 4

Ảnh: Unsplash

Phương pháp tự vệ này phù hợp cho cả thanh thiếu niên, giúp các em có cái cớ phù hợp để tránh các buổi tụ tập hay đụng độ không mong muốn với bạn bè xấu.

Nhận biết người có thể giúp đỡ

Do thói quen dạy con tự vệ bằng nỗi sợ, nhiều phụ huynh vẫn hay đem công an, bảo vệ… ra dọa con, bảo “Con hư là mẹ báo chú công an đến bắt”. Những lời dọa dẫm vô lý này vô tình khiến trẻ mất niềm tin vào những người có khả năng và trách nhiệm bảo vệ chúng khi gặp nguy hiểm.

Ngay khi bé còn nhỏ, bạn hãy dạy con cách nhận biết đồng phục của công an, cảnh sát, bảo vệ, dân phòng, lính cứu hỏa, bất cứ người nào bé có thể dễ dàng nhận biết để cầu cứu khi cần. Người đang đi cùng với con cái, trẻ nhỏ cũng là những người lớn an toàn mà trẻ có thể chạy đến nhờ giúp đỡ. Họ sẽ cảm thông và biết chính xác cần nói gì, làm gì để kiểm soát tình hình.

                                                                                                                                                          Theo ELLE

Bài viết liên quan