“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, cho dù bạn có là một người phụ nữ hiện đại, tự lập và mạnh mẽ thì vai trò bồi đắp hạnh phúc gia đình vẫn cần bàn tay vun vén của người đàn ông. Do đó, một trong những đề tài nổi cộm của hầu hết các cặp đôi mới cưới đó chính là việc chi tiêu gia đình, xây dựng nền tảng tài chính.
Nhiều người phụ nữ chọn cách giữ tiền của chồng là “chắc” nhất. Bởi lẽ, cách làm này khiến cho người đàn ông không thể tự chủ về tài chính, ngăn ngừa “tiêu hoang” và có tiền sinh nhậu nhẹt, gái gú… Thế nhưng, đó dường như chưa phải là một giải pháp tối ưu cho các cặp đôi. Ngược lại, cách làm này còn có thể là nguyên nhân khiến nhiều ông chồng “bức bối” và từ chối chia sẻ các khoản chi tiêu gia đình.
Thế nên, làm sao để giữ vững hạnh phúc gia đình mà vẫn khuyến khích chồng tích cực trong việc chia sẻ trách nhiệm tài chính? Theo Mẹ&Con, bạn nên:
Thẳng thắn bàn bạc vấn đề chi tiêu gia đình
Nếu chồng bạn không chia sẻ thông tin tài chính từ khi hai người bắt đầu mối quan hệ, có lẽ do bạn hoặc cả hai đã không thẳng thắn và thể hiện sự quan tâm đến chủ đề này. Do đó, đừng ngại thể hiện quan điểm của bạn ngay từ khi mới quen nhau. Điều này không có gì là đáng xấu hổ, thậm chí còn có thể giúp cho bạn và chồng thấu hiểu lẫn nhau tốt hơn.
Khi trao đổi, hãy nghiêm túc nói chuyện và bày tỏ suy nghĩ một cách mạch lạc, rõ ràng. Nhiệm vụ quản lý chi tiêu gia đình không nhất thiết phải là của vợ, mà nên có sự phân chia trách nhiệm theo kỹ năng cá nhân của cả hai. Nếu bạn giỏi với các khoản đầu tư, hãy đảm nhận trách nhiệm đó và để lại nhiệm vụ chi tiêu cho chồng. Ngược lại, bạn hãy quay về quản lý ngân sách gia đình và thanh toán các hóa đơn, để lại việc đầu tư và kiếm tiền cho anh ấy nhé.
Khuyến khích bằng lời “dễ nghe”
Nếu bạn biết chồng mình không cố tình “giấu giếm” thông tin về các khoản thu – chi, mà chỉ đơn giản là anh ấy lười chia sẻ thông tin về mức thu nhập, hãy tạo điều kiện để giúp anh ấy mở lòng và chia sẻ nhiều hơn. Tốt nhất là cả hai nên nắm rõ các thông tin tài chính cốt lõi của nhau để đề phòng các rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nếu một người gặp tai nạn mất khả năng làm việc và kiếm tiền, người còn lại sẽ biết cách phấn đấu và vực dậy tài chính cho cả gia đình.
Khi trao đổi, hãy chắc chắn rằng chồng bạn được lắng nghe và thấu hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng chi tiêu gia đình. Thay vì bắt ép anh ấy phải đưa cho bạn một số tiền cố định hay lấy hết cả tháng lương, bạn có thể để anh ấy tự đề xuất. Cách làm này sẽ giúp chồng bạn luôn cảm thấy được tôn trọng và có tiếng nói trong gia đình.
Nếu chồng không hợp tác?
Nếu bạn đã cố gắng nói chuyện với chồng về việc chia sẻ các khoản chi tiêu gia đình, nhưng anh ấy miễn cưỡng hoặc từ chối thẳng thừng thì sao? Hãy cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ của “người hòa giải”. Người này có thể là bạn tâm giao tin cậy của cả 2 hoặc người thân lớn tuổi, được cả hai vợ chồng tôn trọng. Nếu điều này không hiệu quả, hãy liên hệ với một cố vấn tài chính, người có thể có quan điểm khách quan và chuyên nghiệp để nhờ hỗ trợ nhé.
Nguyên tắc không áp đặt
Hãy nhớ rằng, vợ chồng là những người thụ hưởng tài sản bình đẳng. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là chúng ta có yếu tố tình cảm xen vào. Vì thế, vấn đề không thể rạch ròi như toán học, hay đúng hay sai như luật pháp. Thay vào đó, mỗi người hãy cùng nhau giải bài toán tài chính trong gia đình bằng sự chân thành, yêu thương và thông cảm. Vì thế, có người nói rằng: Hãy coi vợ chồng là đối tác – cùng chia sẻ lợi nhuận và các trách nhiệm liên quan. Điều đó nghe có vẻ không lãng mạn cho lắm, nhưng lại có tác dụng như là một nền tảng vững chắc để xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Thế là Mẹ&Con đã chia sẻ giúp mẹ những khó khăn trong việc phân chia, quản lý chi tiêu gia đình rồi đấy. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm 7 mẹo tiết kiệm chi tiêu cho gia đình có ngân sách eo hẹp để có sự chuẩn bị tốt hơn cho gia đình mình nhé!