Rối loạn lo âu và trầm cảm có thể xảy ra trong cùng thời điểm nhưng nguyên nhân gây nên các chứng bệnh này thường không giống nhau. Vậy cách chữa rối loạn lo âu trầm cảm là gì? Cùng Mẹ và Con tìm hiểu rối loạn trầm cảm là gì, nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm và phương pháp điều trị chứng bệnh này nhé!
Rối loạn trầm cảm là gì?
Như đã đề cập ở trên rằng rối loạn lo âu và trầm cảm có thể xảy ra trong cùng thời điểm. Để biết được mối quan hệ mật thiết giữa 2 bệnh lý này thì chúng ta cần hiểu định nghĩa của từng bệnh.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là nhóm bệnh lý có biểu hiện đặc trung là luôn có cảm giác lo sợ thái quá trước một tình huống nào đó rất bình thường. Sự sợ hãi và lo lắng ở người mắc chứng bệnh này thường có tính chất vô lý nhưng lại kéo dài liên tục và lặp đi lặp lại. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và sức khỏe của người bệnh. Rối loạn lo âu thường đi kèm với các bệnh lý tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ.
Trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm là bệnh tâm thần phổ biến, nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, cách suy nghĩ và hành động của người bệnh. Người mắc trầm cảm luôn cảm giác buồn bã hoặc không có hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống trong một thời gian dài. Tình trạng này có thể làm giảm khả năng hoạt động, phán đoán, quyết định một vấn đề nào đó. Nếu chứng trầm cảm kéo dài và không được điều trị, người bệnh có thể không còn thiết tha với cuộc sống, dễ nảy sinh ý định tự tử.
Như vậy, rối loạn lo âu và trầm cảm là hai chứng bệnh khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết. Người mắc bệnh trầm cảm thường hay lo lắng và người bị rối loạn lo âu thường nảy sinh tâm lý chán nản. Đó chính là lý do hai bệnh lý này thường đi kèm với nhau và được gọi với cái tên đầy đủ là rối loạn lo âu trầm cảm hay rối loạn trầm cảm.
Rối loạn trầm cảm có nguy hiểm không?
Người mắc rối loạn trầm cảm thường phải đối mặt với các triệu chứng bệnh ở mức trầm trọng hơn. Tình trạng rối loạn trầm cảm tái diễn cũng khó lường hơn gây khó khăn cho việc điều trị. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, từ đó sản sinh thêm các bệnh lý như:
- Đột quỵ
- Bệnh lý tim mạch, đau tim…
- Làm nặng thêm các bệnh mạn tính như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường…
- Mất ngủ, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, hay gặp ác mộng
- Suy nhược cơ thể
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực làm bất cứ việc gì
- Rối loạn tiêu hóa
- Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do virus, vi khuẩn… gây ra
- Tăng nguy cơ tự tử
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật
Nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm
Các triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm xuất hiện là do những nguyên nhân đặc trưng khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những lý do gây rối loạn trầm cảm bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm, bạn có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm hơn người bình thường.
- Các chất hóa học trong não: Theo một số nghiên cứu ghi nhận thành phần các chất hóa học trong não người mắc bệnh rối loạn trầm cảm khác với người bình thường.
- Căng thẳng: Bất cứ tình huống gây căng thẳng nào kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ rối loạn trầm cảm như:
- Độ tuổi: Người ở độ tuổi 15 – 30 tuổi dễ mắc rối loạn trầm cảm hơn người ở các độ tuổi khác. Nguyên do là các đối tượng trong độ tuổi này thường phải đối mặt với những thay đổi trong công việc, tình cảm và các mối quan hệ…
- Trầm cảm sau sinh: Nhiều thay đổi về cơ thể và tâm lý sau sinh khiến chị em phụ nữ dễ mắc phải trầm cảm.
- Có tiền sử mắc rối loạn lo lắng, rối loạn nhân cách ranh giới hay rối loạn sau sang chấn.
- Lạm dụng thức uống có cồn và các loại thuốc có tính chất gây nghiện hay chất gây nghiện.
- Người có tính cách như thiếu tự tin, quá độc lập, hay tự chỉ trích bản thân, hay bi quan.
- Mắc bệnh mạn tính nặng như: ung thư, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Việc dùng thuốc chữa cao huyết áp hay thuốc ngủ kéo dài để điều trị mất ngủ có thể gia tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm.
- Bị lạm dụng tình dục hay thể xác, tinh thần, lạm dụng sức lao động…
Cách chữa rối loạn lo âu trầm cảm
Đối với các trường hợp mắc rối loạn trầm cảm, các bác sĩ thường sẽ phối hợp nhiều liệu pháp và có sự điều chỉnh cho phù hợp với các biểu hiện về triệu chứng bệnh. Nhờ đó có thể khắc phục được tình trạng rối loạn trầm cảm một cách hiệu quả.
Liệu pháp nhận thức hành vi
Đối với liệu pháp nhận thức hành vi, các bác sĩ điều trị sẽ có những định hướng giúp người bệnh suy nghĩ thực tế, hữu ích hơn và giảm đi những suy nghĩ tiêu cực. Phương pháp điều trị tập trung vào việc thực hiện các bước cụ thể để giúp người bệnh vượt qua được sự lo lắng và trầm cảm. Nhờ đó, người bệnh sẽ tự đối mặt với nỗi sợ của bản thân, đưa ra hướng khắc phục và giảm dần nỗi sợ hãi.
Thuốc trị rối loạn lo âu trầm cảm
Các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu thường xảy ra cùng nhau, đan xen và nghiên cứu cho thấy cả hai đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine serotonin (SNRI).
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) bao gồm:
- Citalopram (tên thương hiệu là Celexa)
- Escitalopram (tên thương hiệu là Lexapro)
- Fluoxetine (tên thương hiệu là Prozac, Sarafem, Symbyax)
- Fluvoxamine (tên thương hiệu là Luvox)
- Paroxetine (tên thương hiệu là Paxil)
- Sertraline (tên thương hiệu là Zoloft)
- Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine serotonin (SNRI) như:
- Desvenlafaxine (tên thương hiệu là Pristiq)
- Duloxetine (tên thương hiệu là Cymbalta)
- Venlafaxine (tên thương hiệu là Effexor)
- Levomilnacipran (tên thương hiệu là Fetzima)
Nếu việc sử dụng các loại thuốc SSRI hoặc SNRI không cải thiện được các triệu chứng, bác sĩ có thể cho bạn chuyển qua dùng các loại thuốc khác. Song việc dùng thuốc lâu dài cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng.
Tập thể dục
Duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc 3 – 5 ngày/tuần giúp cải thiện đáng kể triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm. Hoặc chế độ tập luyện với thời gian ngắn hơn, chỉ 10 – 15 phút, nhưng cường độ tập tăng lên cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Bạn có thể chạy bộ, đạp xe với cường độ cao để rút ngắn thời gian tập luyện.
Việc luyện tập thể dục mỗi ngày làm tăng sự tự tin, cảm giác hạnh phúc và cải thiện các mối quan hệ. Nguyên do là tập thể dục hàng ngày sẽ giúp não bộ sản sinh endorphin làm cho tinh thần phấn chấn giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Kỹ thuật thư giãn
Khi mắc chứng rối loạn trầm cảm, bạn hãy thử tập yoga, thiền và tập thở. Việc thiền định khoảng 2 – 5 phút mỗi ngày có thể giảm bớt sự lo lắng, giúp tâm trạng của bạn tốt hơn. Hoặc đơn giản hơn là bắt đầu với việc thay đổi tư duy, “truyền vào đầu” những điều này hàng ngày:
- Tập trung vào hơi thở của bạn
- Tạo dựng trong tâm trí một hình ảnh đẹp, một điều tích cực…
- Lặp lại một từ mang tính chất tích cực hoặc câu thần chú đơn giản như “yêu”, “hạnh phúc”, “cuộc đời tươi đẹp”…
Rối loạn trầm cảm cùng với các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người trẻ hiện nay đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Việc nhận thức sớm về tính phổ biến cũng như nghiêm trọng của vấn đề sẽ giúp nhanh chóng ngăn ngừa và điều trị tâm sinh lý cho cả một thế hệ.
Khi nhận thấy bản thân hay người xung quanh có những triệu chứng rối loạn trầm cảm, hãy tới các cơ sở y tế chuyên môn để được tư vấn và giúp đỡ bạn nhé!