Mẹ&Con - Sau một chặng đường rất dài với những gian nan, bạn cũng đã đến được những tháng “chót” của hành trình. Trước mắt bạn bây giờ là vài thử thách cuối cùng (nhưng đặc biệt quan trọng). Bạn đã sẵn sàng chưa? Giục sinh và những điều “bầu” cần biết Khi nào nên sinh con thứ hai? Coi bói để sinh con

Thiên thần bé bỏng phát triển đến đâu rồi?

Ba tháng cuối, bạn đã chẳng còn bẽn lẽn cười khi ai đấy chúc mừng, hỏi thăm: “A, đã có bầu rồi đấy à? Bao giờ sinh thế?”. Đồng nghiệp đã quen với những bước đi chầm chậm của bạn lúc lên cầu thang. Anh xã đã chẳng còn mắt tròn mắt dẹt: “Em thay đổi nhiều thế?”. Cả bạn cũng vậy, bạn đã thật sự quen thuộc với chuyện “làm mẹ” của mình. Những triệu chứng ốm nghén hoàn toàn biến mất, bạn ăn ngon ngủ yên, quen với cái bụng bầu, quen với những sinh hoạt của một “bà bầu”.

chuan-bi-gap-nhau-nhe-con-yeu

Điều khiến bạn xúc động nhiều nhất trong những tháng cuối là cảm giác được nghe con máy (đạp). Từng cử động nhỏ của con giống như sợi dây gắn kết thiêng liêng, khiến bạn cảm thấy ngập tràn hạnh phúc và mong mỏi biết bao ngày con sẽ chào đời. Ba tháng cuối cũng là khoảng thời gian bạn gấp rút chuẩn bị cho việc sinh em bé. Nào tham gia học lớp tiền sản, nào hỏi han kinh nghiệm của người đi trước, nào chuẩn bị sẵn sàng túi đồ cho con và suốt ngày mang ra ngắm nghía… Bạn cũng đã bàn giao dần công việc, sẵn sàng với việc “biến mất” khỏi cơ quan khoảng 4 tháng trời.

Thiên thần bé bỏng thì sao nhỉ? Vào tuần lễ thứ 28, bé cưng của bạn dài khoảng 35cm và cân nặng khoảng 1.135g. Nhưng vào cuối tam cá nguyệt thứ ba (tuần lễ thứ 40), bé sẽ dài khoảng 50cm và nặng khoảng 2.700g đến 3.600g. Bé tăng thêm lượng mỡ, tiếp tục phát triển các cơ quan khác, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Tay chân của bé trở nên đầy đặn hơn và da chuyển sang màu hồng xanh, trơn láng.

Điều may mắn cho bạn là đến thời điểm này, bé ít “nhạy” với nhiễm trùng và tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, bạn không được quyền ỷ y. Mọi thứ vẫn cần thiết phải thận trọng y như những việc bạn đã làm suốt 6 tháng qua: Hạn chế tối đa để bị bệnh vặt, muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc gì phải hỏi ý kiến bác sĩ, tránh những thực phẩm sống sít, dễ nhiễm khuẩn.

Vào tuần lễ thứ 32 đến 34, bé tăng cân khoảng 30 – 35g/ngày (vào khoảng 230g/tuần).

Vào tuần lễ thứ 36, sự phát triển của thai nhi chậm lại và thể tích dịch ối đạt tối đa. Bé yêu của bạn lúc này đã sẵn sàng rồi đó. Sau tuần 36, thể tích dịch ối bắt đầu giảm. Bác sĩ sẽ kiểm tra liên tục để có thể chắc chắn rằng lượng ối vẫn bình thường cho đến lúc mẹ chuyển dạ sinh. Đến tuần lễ thứ 41, 42 (quá ngày dự sinh), thai hầu như không phát triển gì hơn nữa. “Nhiệm vụ” của bé yêu và mẹ bây giờ là trải qua một chuyến vượt cạn để mẹ có thể ẵm bồng, nâng niu bé thật sự trên tay.

Những yếu tố mẹ cần lưu ý

* Cử động của thai nhi

Bé hiếu động lắm rồi. Cứ thỉnh thoảng, bé lại bất thần đá, đạp một phát “tưng bừng” trong bụng mẹ. Bạn cần theo dõi cử động của thai nhi đều đặn mỗi ngày. Nếu bất chợt thấy thai “im hơi lặng tiếng”, giảm hẳn cử động hoặc những cử động biến mất, phải lập tức báo ngay cho bác sĩ. Nhiều người bảo rằng đến thời điểm cuối trước khi sinh, thai sẽ giảm cử động đi. Thực tế điều này không đúng, chỉ là thai sẽ thay đổi sang những cử động có phần “êm ái” như cuộn tròn người. Thông thường, thai cử động vào lúc mẹ nghỉ ngơi hoặc khoảng 1 giờ sau khi ăn tối. Bạn nhớ đếm các cử động này và nếu như có linh cảm bất an, nhắc bạn một lần nữa là nhớ báo cho bác sĩ biết.

* Chuyện gối chăn

Tình dục ở 3 tháng cuối cần hạn chế tối đa, tạm ngưng được càng tốt. Trong trường hợp bạn vẫn có cảm giác ham muốn thì có thể vợ chồng cùng nhau thực hiện những âu yếm, vuốt ve thật nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu bị ra máu, ra nước, bác sĩ nghi ngờ tổn thương màng ối, nhiễm khuẩn âm đạo, đau bụng do có các cơn co thì tuyệt đối không nên “giao ban”.

* Nếu bạn ngứa nhiều…

Rất nhiều phụ nữ bị ngứa ở bụng hay toàn thân trong 3 tháng cuối thai kỳ. Điều đó là bình thường, bạn đừng lo lắng. Cảm giác ngứa sẽ tự hết hoặc nhanh chóng hết khi bác sĩ cho vài loại thuốc an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp ngứa ngáy rất nhiều, ngoài ra có các dấu hiệu bất thường như buồn nôn và nôn trong những tháng cuối, mất khẩu vị, mỏi mệt, vàng da… thì nên báo với bác sĩ để thực hiện kiểm tra chức năng gan.

* Cơn mất ngủ lại trở về!

Ba tháng cuối thai kỳ, bụng đã rất to, bé lại hiếu động (có khi nghịch ngợm hiếu động ngay cả giữa đêm khuya), nên giấc ngủ của bạn chập chờn trở lại. Thêm vào đó, buồng ối giờ đây ngày càng chật chội khi bé đã lớn nên gây áp lực cho bàng quang, khiến bạn cảm giác buồn đi tiểu nhiều hơn. Không thể nào ngủ thẳng giấc nữa, trung bình cứ khoảng 2 tiếng một lần bạn sẽ phải thức dậy vào nhà vệ sinh. Lưu ý với bạn là nên đặt một chiếc bô có nắp đậy ở gần giường nếu như phòng bạn không có toilet trong phòng để tránh việc trơn trượt, té ngã khi đi lại trong đêm, khi đang buồn ngủ. Đấy cũng là cách giúp bạn nhanh chóng quay lại giường thay vì mỗi lần “đi” xong là chật vật lắm mới dỗ cho mắt nhíu lại lần nữa.

* Nhớ khám thai đều đặn!

Ba tháng cuối thai kỳ, bạn vẫn cần khám thai đều đặn để tính toán ngày dự sinh, để kiểm tra xem bé có phát triển bình thường không. Lưu ý, tuy biết rằng đi được đến đây là gần như đã “an toàn” rồi (vì nếu chẳng may sinh non ở những tháng cuối thì xác suất rất cao vẫn là giữ được bé), nhưng bạn vẫn phải cẩn thận chứ đừng chủ quan. Vì rằng có những trường hợp, đến những tháng cuối cùng thai vẫn bị chết lưu (thai chết tự nhiên trong bụng mẹ chứ không phải bị sẩy). Việc khám thai những tháng cuối cũng chính là để xác định lại những vấn đề bất ổn (nếu có) về sức khỏe của mẹ, nhằm có biện pháp chuẩn bị trước, lường trước các khó khăn có thể xảy ra.  

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan