Mẹ&Con – Sinh con là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của hai vợ chồng. Niềm hạnh phúc được “lên chức” song hành với bao nỗi lo toan khi đứa con yêu quý ra đời.

Không ít những cặp vợ chồng cứ nghĩ: Thì cứ sinh đã, khi nào túng thiếu sẽ tính sau! Nhưng thực tế cho thấy, hoạch định tài chính rõ ràng trước lúc có con là việc rất cần làm. Bởi vì nếu bạn không tính đến những chuyện tưởng chừng “Ôi trời, sao mà thực tế dữ vậy!” này, thì có nguy cơ ngay sau khi sinh, gia đình bạn sẽ xáo trộn với bao nỗi chật vật hoàn toàn không tính trước! 

Ban da chuan bi tai chinh toi dau

(Ảnh minh hoạ)

Trời sinh voi sinh cỏ?

Mặc dù cuộc sống còn chật vật, mới cưới vợ, nhưng Thanh Việt, một công nhân bình thường của lò gốm sứ tư nhân vẫn luôn nài nỉ, thậm chí là ép buộc vợ phải… sinh cho anh một đứa con!

Cô vợ tên Vân, cũng là công nhân hãng tôm đông lạnh xuất khẩu, nói thế nào cũng không thuyết phục được chồng, thậm chí còn bị anh nghi ngờ là “có ý gì” nên chưa chịu sinh con, ràng buộc. Thật ra, Vân cũng rất muốn có con. Nhưng cô biết với đồng lương ba cọc ba đồng của hai vợ chồng, chưa dành dụm được gì mà có con thì sẽ thế nào. Nói ý này với chồng, Vân chỉ nhận được cái… phủi tay đầy “tự tin” từ anh.

Việt bảo: “Hai bên nội ngoại cô chú bác đầy ra đó, chẳng lẽ khi mình sinh con không ai giúp được đồng nào, hơi đâu mà lo bò trắng răng!”. Nhưng xem ra, bò… trắng răng thật khi nỗi lo của Vân càng lúc càng “nên dạng nên hình” một cách rõ rệt hơn. Vân có thai, họ hàng ban đầu còn giúp được hộp sữa ký đường, song khi hỏi đến tiền thì ai cũng từ chối. Suốt thời gian mang thai, Vân vẫn phải đi làm dù ốm nghén rất kinh khủng vì không muốn mất việc.  Làm việc trong môi trường lạnh, cơ thể mẹ không được tiếp nước và hít thở không khí trong lành, Vân sinh khó, phải mổ cấp cứu mà em bé chỉ được tròm trèm hai kí.

Bé phải nằm hấp điện mười ngày sau mới xuất viện. Thể trạng Vân quá yếu, cô gần như kiệt sức sau khi sinh. Mấy tháng Vân nằm ổ là gánh nặng đè lên vai Việt. Không dự đoán trước việc sinh khó, phải tốn thêm một khoản chi phí mổ, thuốc men khá đắt, tiền để dành không có, anh phải chạy mượn nợ khắp nơi.

Kế tiếp, Vân lại bị stress nặng sau sinh, tính tình bẳn gắt, cộc cằn, nhìn con nhỏ yếu ớt thấy chán ngán, nhìn chồng lôi thôi lếch thếch lại còn bực mình hơn. Trước kia cô quen với việc chi tiêu bằng tiền của mình (dù ít nhưng vẫn là tiền mình kiếm ra), nay thì cái gì cũng phải ngửa tay hỏi tiền chồng (thậm chí đến tiền mua gói băng vệ sinh, vấn đề vô cùng tế nhị, cũng phải hỏi tiền anh để mua!).

Gia đình bằng đầu những xung đột ngày một nặng nề. Mặt chồng, mặt vợ lúc nào cũng căng ra vì nghĩ tới mấy đồng nợ. Nhà đôi vợ chồng trẻ, suốt ngày ngoài tiếng con nít khóc còn có cả tiếng gây gổ nhau của hai ông bố bà mẹ trẻ. Thế là thay vì được vui vẻ ngắm nhìn con, được hạnh phúc cười đùa bên nhau với con, vợ chồng chỉ còn cảm giác cuộc sống của mình đang dần biến thành… địa ngục!!! 

Sinh con cũng cần có kế hoạch rõ ràng

Hơn 30 tuổi mới lập gia đình, Khánh cũng thèm con lắm nhưng lại bàn với Diệu thôi để đợi một thời gian nữa. Các em của Khánh đều đã có vài mặt con, nhưng cuộc sống vốn chỉ vừa đủ ăn, bao nhiêu tiền làm ra đổ hết vào đám con, có khi nhà kẹt đến mức chẳng có đồng nào mua sữa, lại phải qua hỏi mượn anh.

Anh là thợ hồ, lương cũng ba cọc ba đồng, lại không ổn định. Vợ anh buôn bán nhỏ, có đồng ra đồng vô nhưng của dư để dành cũng không nhiều. Anh nhìn hoàn cảnh của những đứa em rồi trấn an vợ: “Mình ráng dành dụm được kha khá rồi hãy có con. Chứ sinh con ra rồi để chúng cù bơ cù bất như đám cháu anh, tội lắm!”. Khánh muốn cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất, một sự chào đời khỏe mạnh, một cuộc sống vật  chất đầy đủ, và nhất là con anh phải được học hành tới nơi tới chốn.

Thế hệ của anh đã vất vả vì không có điều kiện ăn học cao, nhưng con anh phải khác đi, chúng có quyền được bố mẹ đầu tư cho một tương lai tươi sáng. Hiểu ý chồng, Diệu rất đồng tình với anh. Hai vợ chồng tích cóp mãi rồi cũng đến lúc chào đón thằng cu con ra đời. Diệu được chồng bồi bổ trước và sau khi sinh rất chu đáo, đầy đủ nên rất mát sữa, thằng bé chỉ bú mẹ thôi mà người mũm mĩm tròn trịa.

Lên chức bố khi đã gần 40, niềm hứng khởi của anh đong đầy trong mắt. Anh chia sẻ: “Phải khó khăn lắm mới có được ngày hôm nay. Nhưng với tình thương con, khó khăn nào vợ chồng tôi cũng vượt qua. Trong thời gian chờ kiếm đủ tiền để sinh con, chúng tôi mệt mỏi lắm, và sốt ruột, nhưng bù lại, hôm nay con tôi được đầy đủ như thế này, tôi sung sướng lắm!”.

Rõ ràng, sống trong tình trạng sáng mở mắt ra đã nghe giá cả mọi thứ đều nhích lên, với những gia đình khá giả, điều đó là bình thường, nhưng với những người có thu nhập thấp, là chan chứa nỗi âu lo. Có những cặp vợ chồng khi có con, bữa cơm đạm bạc cũng phải sớt lại vài chén. Làm sao để thoát khỏi tình cảnh tương tự như vợ chồng Vân, Thanh Việt trên đây? Làm sao để được hạnh phúc như cặp Khánh, Diệu như vừa kể?

Tất cả đều không khó, nếu như bạn quyết tâm thực hiện đúng những kế hoạch tài chính đã vạch ra cho con trước khi sinh. Tiết kiệm, nhất là tiết kiệm cho con, là một việc làm đúng đắn, một thói quen tốt và là một biểu hiện của tình thương yêu vô bờ bến mà cha mẹ muốn dành hết cho con yêu. Tiết kiệm tiền bạc cho con trước khi sinh lại chính là chăm bẵm sức khỏe cho chính cha mẹ sau khi có em bé.

Cứ nghĩ xem, có biết bao nhiêu ông bố bà mẹ vì không tiết kiệm tiền cho con mà sau khi được “lên chức” đã phải nai lưng ra làm đúp (double) công việc để kiếm tiền. Sức khỏe vì thế mà hao hụt, chất lượng của việc chăm sóc con từ đó cũng tuột dốc thảm hại. Và hậu quả thì đứa con lãnh đủ. Sẽ không có gì đáng bàn cãi khi các chuyên viên tư vấn đưa ra lời khuyên NÊN hoạch định kế hoạch tài chính trước khi sinh cho các cặp vợ chồng trẻ. Chuẩn bị một khoản tài chính ổn định cho con trước khi sinh cũng chính là chuẩn bị dọn đường đến hạnh phúc của chính bạn. Vì thế, đừng lơ là nếu đọc được lời khuyên này!

Tags:

Bài viết liên quan