Mẹ&Con - Dạy trẻ quản lý tài chính cá nhân từ sớm sẽ giúp con hiểu rõ hơn về giá trị của đồng tiền, giúp con không ỷ lại vào bố mẹ và sử dụng tiền hiệu quả hơn trong tương lai.

Giáo dục con cái về quản lý tài chính cá nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Việc triển khai dạy trẻ về vấn đề này từ khi còn nhỏ sẽ định hướng cho các bé tiêu tiền có ý thức, dạy cách tiết kiệm và không tiêu hoang phí. Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục này, bố mẹ dễ mắc một số sai lầm phổ biến khiến không đạt được kết quả như mong đợi. Cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá bí quyết giúp con có thể hiểu hơn về tài chính nhé!

Bạn đã biết cách dạy con quản lý tài chính cá nhân? 5

Những sai lầm thường gặp khi dạy con quản lý tài chính cá nhân

Né tránh nói chuyện về tiền bạc trước mặt bé

Người ta thường suy nghĩ rằng “trẻ con biết gì về tiền bạc mà nói” do đó sẽ không đề cập tới các vấn đề tài chính, thu nhập, chi tiêu hoặc những khó khăn tài chính hiện tại cho các bé biết. Và các quyết định chi tiêu tài chính, các cuộc thảo luận mua bán đều không có sự có mặt của con cái. Mặc dù bố mẹ cảm thấy điều này là tốt, là đang bảo vệ con khỏi những căng thẳng không cần thiết, nhưng chúng ta lại vô tình cướp đi một cơ hội học hỏi cách quản lý tài chính cá nhân của bé.

Tất nhiên, sẽ có những vấn đề quá lớn mà bé không thể hiểu được nhưng bố mẹ có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, cho bé tham gia một số cuộc thảo luận nhỏ, những khoản chi không quá lớn rồi tăng dần lên. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi bé muốn dùng số tiền này để cả nhà đi nghỉ mát trong nước hay tiếp tục tiết kiệm để du lịch nước ngoài, cùng con đưa ra lợi và hại của vấn đề cũng như cách tiết kiệm… Điều này sẽ khiến bé cảm thấy mình là một phần của gia đình và khi lớn lên có thể tự quản lý tài chính cá nhân.

Tâm lý đổ lỗi

Khi vấn đề tiền bạc eo hẹp, thiếu thốn, chúng ta trở nên mệt mỏi, căng thẳng với nhau, đặc biệt khi hóa đơn cuối tháng ập tới nhiều hơn cả tháng trước. Chúng ta đi tìm nguyên nhân nhưng lại vô tình đổ lỗi lên cho các thành viên trong gia đình, đổ lỗi lên con cái, khiến lũ trẻ cũng cảm thấy ám ảnh và mệt mỏi khi nghĩ tới tiền nong. Ví dụ, bạn nhận hóa đơn tiền điện nhiều hơn tháng trước và bắt đầu nổi giận vì biết rằng lũ trẻ không tiết kiệm điện, không tắt đèn hoặc các thiết bị khác khi không sử dụng. Thực tế, nguyên nhân sâu xa là bạn đang quá căng thẳng vì khoản thu nhập tháng này cùng nhiều kế hoạch chi tiêu phát sinh nên nhất thời nóng giận. Tuy nhiên, việc đổ lỗi tất cả cho con lại khiến bé bị căng thẳng vì gánh vác quá nhiều trách nhiệm hơn những gì chúng đã làm.

Cách giải quyết tốt nhất nếu lỡ nóng giận thì bạn nên xin lỗi bé đồng thời giải thích lý do tại sao bạn khó chịu, nói cho bé rằng việc bé không tiết kiệm điện cũng là một phần lý do trong đó. Việc thẳng thắn nhận lỗi và nói rõ vấn đề sẽ dạy bé rằng khi mắc sai lầm thì có thể sửa sai bằng cách đối mặt với nó. Sau đó các thành viên trong gia đình cùng nhau lên kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu để có thể quản lý tài chính cá nhân nói riêng và gia đình nói chung một cách hiệu quả nhất.

Bạn đã biết cách dạy con quản lý tài chính cá nhân? 6

Không xác định rõ giữa nhu cầu và mong muốn

Tâm lý của trẻ nhỏ là luôn muốn tất cả những điều mà chúng thích. Điều này vô tình biến thành thói quen mua sắm theo cảm tính, nếu không được “uốn nắn”, phân biệt rạch ròi giữa nhu cầu và mong muốn. Chính vì vậy, bố mẹ nên dạy cho trẻ khái niệm về “nhu cầu” và “mong muốn”. “Nhu cầu” là những thứ cần thiết, buộc phải mua để tồn tại, ngược lại “mong muốn” là những thứ muốn có, nhưng không phải thiết yếu. Hãy cho bé tham gia vào việc lập danh sách những món hàng cần mua sắm, khi bé đề xuất sẽ hỏi con rằng đây là đồ con cần hay đồ con muốn nhé!

Bạn nên khuyến khích và dạy bé biết nói “không”, tiết chế với những nhu cầu không thực sự cần và biết ưu tiên cho những thứ quan trọng vào thời điểm đó. Với kỹ năng này, tin chắc rằng trong tương lai dù sống xa bố mẹ thì con vẫn có thể tự lập, tự quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả nhất.

Cãi nhau về tiền bạc trước mặt bé

Một số chủ đề hoặc vướng bận về tài chính giữa hai vợ chồng không nhất thiết phải có sự tham gia của con cái. Tuy nhiên, cũng không nên cãi nhau về vấn đề tiền bạc trước mặt các con, vì điều này sẽ hình thành tâm lý căng thẳng khi đối mặt với việc quản lý tài chính cá nhân trong bé.

Để trẻ không bị ám ảnh tiêu cực về tài chính, bố mẹ cần tránh gây nhau trước mặt các con. Tốt nhất là đưa bé đi ngủ, sau đó hai vợ chồng ngồi xuống tính toán, xem xét ngân sách và tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp hai vợ chồng có thể nói chuyện nghiêm túc, không bị phân tâm hoặc cảm thấy có lỗi khi có mặt bé.

Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm mà bố mẹ không bao giờ muốn nhắc tới trước mặt con cái. Tuy nhiên, nếu chúng ta không dạy các bé về việc quản lý tài chính cá nhân thì sẽ chẳng còn ai dạy bé cả và sai lầm sẽ là điều đương nhiên. Vậy nên dạy con nhỏ từ nhỏ về tiền bạc là cách giáo dục thông minh mà bố mẹ nên cân nhắc sớm.

Bạn đã biết cách dạy con quản lý tài chính cá nhân? 7

Bí quyết dạy con quản lý tài chính, chi tiêu đúng cách

Dạy con cách “kiếm tiền”

Thay vì cho con tiền tiêu vặt mỗi ngày, bạn có thể khuyến khích trẻ làm việc để tự “kiếm tiền” phục vụ cho những nhu cầu của con. Như vậy, con sẽ ý thức được từ sớm về giá trị đồng tiền, không ỷ lại vào bố mẹ, không đòi hỏi quá nhiều từ bố mẹ.

Tuy nhiên, một lưu ý cho bạn khi áp dụng phương pháp này chính là đừng yêu cầu con làm việc nhà để kiếm tiền. Việc này sẽ khiến khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái ngày một xa hơn. Hơn nữa, việc này sẽ khiến trẻ có tâm lý khi nào bố mẹ trả tiền thì mới làm việc nhà, nếu bố mẹ không trả tiền thì thôi. Thay vào đó, bạn có thể gợi ý cho con một số công việc khác như dạy kèm cho các bé nhỏ trong sớm, tự làm các món đồ thủ công như thiệp handamde,…

Dạy trẻ phân loại tiết kiệm

Có khoảng 51% trẻ em có xu hướng tiêu tiền ngay khi nhận tiền từ bố mẹ. Vì thế, để dạy trẻ quản lý tài chính cá nhân, bạn nên hướng dẫn con phải tiết kiệm lại tiền. Bạn có thể chia sẻ với con rằng sắp đến Tết rồi, nếu con không tiết kiệm tiền mà sử dụng hết tiền ngay bây giờ thì Tết không còn đủ tiền để mua quần áo mới chẳng hạn. Khi con quen dần, bạn có thể gợi ý cho con hướng đến các mục tiêu lớn hơn.

quản lý tài chính cá nhân

Dạy trẻ cách xác định nhu cầu của bản thân

Vào dịp Black Friday hay siêu sale, bạn có xu hướng vung tiền nhiều hơn, mua sắm vượt quá nhu cầu bản thân? Có thể thấy, kể cả đã là người lớn thì chúng ta vẫn rất khó để tiêu xài đúng với nhu cầu của bản thân. Trẻ nhỏ lại càng khó khăn hơn trong việc tiêu tiền đúng với nhu cầu. Do đó, bạn có thể hướng dẫn con từng bước như hỏi con về tất cả những dự định con muốn tiêu tiền, hỏi con việc nào cần gấp, nếu không mua món đồ đó thì có sao hay không…? Những gợi ý này sẽ giúp con hiểu rõ hơn về nhu cầu của bản thân, không mua đồ, tiêu tiền trong trường không cần thiết.

Để dạy con biết cách quản lý chi tiêu là điều không hề dễ dàng bởi khi còn nhỏ, trẻ chưa có nhiều ý thức đúng về giá trị của đồng tiền. Do đó, hãy thật kiên nhẫn với con khi hướng dẫn con về phương pháp quản lý tài chính cá nhân bạn nhé! Chúc bạn thành công

Bài viết liên quan