1. Tự kỷ là gì?
Một định nghĩa tương đối để bạn có thể hình dung: Tự kỷ là hiện tượng rối loạn về tương tác xã hội, rối loạn về giao tiếp và có hành vi lặp đi lặp lại, có thể ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ, giao tiếp của trẻ và trong tương tác với trẻ khác / người khác. Các dấu hiệu tự kỷ thường bộc lộ nhiều ở những tháng cuối của năm đầu tiên sau khi bé chào đời và rõ rệt hơn ở năm thứ 2-3. Hiện chưa có “thuốc” điều trị cho trẻ bị tự kỷ, và các nhà nghiên cứu cũng chưa chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên cũng đã có các liệu pháp và nhiều cách khác nhau có thể giúp đỡ trẻ mắc bệnh tự kỷ và gia đình trẻ.
2. Vì sao con mắc bệnh?
Như đã nói, cho đến nay, vẫn chưa có được một kết luận chính xác nào về nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ. Một số nghiên cứu hiện đang tập trung vào sự mất cân bằng hóa chất, những khác biệt ở não, gen hay các vấn đề ở hệ miễn dịch, dị ứng thức ăn, thừa quá mức lượng men trong hệ tiêu hóa, nhiễm chất độc từ môi trường…
Một số khác lại cho rằng đó là do trẻ ít được trò chuyện, chơi đùa, trẻ sinh trong các gia đình ít người, cha mẹ lại bận rộn, người chăm sóc trẻ chỉ mới chú ý đến vấn đề thể chất như ăn ngủ, song lại quên mất việc tập cho trẻ trò chuyện, chơi, bày tỏ nhiều cảm xúc ngay từ khi vài tháng tuổi. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để cho thấy đây là những nguyên nhân chính thức.
Một chia sẻ thêm từ bác sĩ là rất nhiều bậc phụ huynh tự trách rằng mình đã thiếu sót gì trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc con để con mắc bệnh. Song, xin hãy nhớ rằng việc tự trách này không có ích gì cả. Chúng ta chỉ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách phòng ngừa, còn nếu chẳng may trẻ mắc chứng tự kỷ thì điều quan trọng nhất chính là tìm cách để chữa trị cho con, thay vì ngày đêm tự vấn chính mình, cho rằng mình có lỗi. Nên nhớ, tâm lý thoải mái, sự lạc quan, niềm tin, lòng kiên trì và tình yêu thương vô bờ của bạn có tác động vô cùng lớn đến con.
3. Một số điểm “đặc trưng” của trẻ tự kỷ
Trẻ mắc bệnh tự kỷ chậm nói (2-3 tuổi có thể vẫn chưa biết nói), hay nói lặp, cách hiểu đơn giản, thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác, rất hiếm khi chịu tự giác nhìn thẳng vào người đối diện. Những trẻ này thường say mê một vật gì đó quá mức, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Trẻ tự kỷ cũng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.
Một số trẻ mắc bệnh tự kỷ có kỹ năng cao về nhìn nhận không gian (trẻ có thể xoay vòng vòng liên hồi mà không hề chóng mặt), giỏi học vẹt, hình thức bề ngoài có vẻ linh hoạt, thông minh, khác hẳn với các trẻ chậm phát triển trí tuệ thuộc nhóm khác. Tình trạng này có thể phát hiện sớm nếu cha mẹ thường xuyên chú ý đến trẻ.
4. Ngôn ngữ của trẻ tự kỷ
Khoảng 40% trẻ tự kỷ không nói được. Đa số chậm nói. Những trẻ có khả năng nói thì lại hay nhại lời. Ví dụ trẻ có thể nói thuộc lòng những câu quảng cáo trên tivi nhưng lại không hiểu nghĩa, không thể dùng lời nói để giao tiếp một cách có ý nghĩa hoặc có hiệu quả. Những trẻ khác cảm thấy rất khó khăn khi nói chuyện cùng trẻ tự kỷ, vì không “bắt nhịp” được vấn đề đang được đề cập. Trẻ tự kỷ có thể lặp đi lặp lại nhiều từ ngữ không đúng ngữ cảnh, không hợp lý và ít hiểu những khái niệm trừu tượng (ví dụ khái niệm “nguy hiểm”). Đặc biệt, trẻ khó làm chủ cường độ và âm lượng giọng nói. Những lúc phấn khích, trẻ có thể tạo nên những tiếng hét chói tai khiến người lớn hoặc trẻ khác hoảng sợ.
5. Thời điểm “vàng” để điều trị
Kể cả ở Việt Nam và trên thế giới đều ghi nhận, 5 năm đầu đời là thời gian “vàng” để can thiệp cho trẻ tự kỷ vì tính “dễ uốn nắn” của não trong thời gian đó. Đặc biệt, nếu phát hiện trẻ tự kỷ trong vòng 3 năm đầu đời và nỗ lực điều trị đúng cách thì xác suất thành công rất cao (trẻ có thể gần như bình thường lại hoàn toàn và học hòa nhập được với các trẻ khác, sinh hoạt tự chủ, bình thường).
Lưu ý thêm rằng, để điều trị tự kỷ đạt kết quả tốt nhất thì chuyên viên tâm lý, bác sĩ còn phải “điều trị” (thực tế là giúp giải tỏa tâm lý và ổn định tinh thần) cho chính phụ huynh, nhất là người mẹ. Khi được nâng đỡ tâm lý tốt, các bậc cha mẹ sẽ chính là “bác sĩ” giúp đỡ tốt nhất con mình.
Các nghiên cứu cho thấy mỗi trẻ đáp ứng với chương trình trị liệu hoặc can thiệp khác nhau. Vì thế, bạn cũng không cần khăng khăng tìm cho được một chương trình nào thích hợp cho mọi trẻ tự kỷ và mọi gia đình. Bản thân bạn, trong quá trình điều trị cùng con sẽ là người cảm nhận và tìm ra được đâu là phương thức, chương trình trị liệu phù hợp với con mình nhất.
6. Tìm sự giúp đỡ ở đâu?
Nếu nhận ra con có các triệu chứng bất thường như đã nêu trên và bạn nghi ngờ bé có khả năng bị tự kỷ, bạn nên đưa con đến đơn vị Tâm Lý – bệnh viện Nhi Đồng 1 (tại TP.HCM) hoặc bệnh viện Nhi Trung Ương (tại Hà Nội). Khi đến khám, bạn sẽ được hướng dẫn cần phải theo những bước gì để giúp con bạn phát triển. Có thể con bạn cần được gặp chuyên viên về các lĩnh vực như tâm vận động, âm ngữ, hoạt động hòa nhập… Trẻ cũng cần được thăm khám một cách toàn diện để được đánh giá mức độ phát triển và được hưởng chương trình can thiệp giáo dục tâm lý càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể tìm hiểu và tham khảo thêm các chương trình điều trị chứng tự kỷ ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu.