Mẹ và Con - Hiện nay có rất nhiều bệnh viện có dịch vụ bấm khuyên tai cho bé mới chào đời. Và để thuận tiện, nhiều cha mẹ cũng quyết định bấm cho con từ rất sớm. Tuy nhiên điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bông tai từ lâu được xem là phụ kiện nhỏ gọn tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ cũng như con gái từ khi lọt lòng. Tuy nhiên việc bấm lỗ tai cho bé quá sớm sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nguy hiểm nếu chẳng may chỗ bấm bị nhiễm trùng, mưng mủ… Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua những lưu ý quan trọng sau đây trước khi thực hiện bấm khuyên tai cho con yêu mẹ nhé!

Khi nào nên bấm lỗ tai cho bé?

Đối với trẻ sơ sinh

Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất mong manh và dễ tổn thương. Thậm chí chỉ cần một vết chích của muỗi đốt cũng làm cho da con bị sưng tấy đỏ. Không những thế, hệ miễn dịch non nớt của con cũng sẽ khiến con đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với người trưởng thành.

Vì thế, khi cha mẹ có ý định bấm lỗ tai cho bé, hãy đợi ít nhất khi con được 3 tháng tuổi vì nếu như không may xảy ra các nhiễm trùng do lỗ xỏ, trẻ dưới 3 tháng tuổi phải nhập viện và điều trị theo phác đồ của bác sĩ kèm theo những nguy cơ biến chứng cao.

Bấm lỗ tai cho bé
Bấm lỗ tai cho bé

Không những thế, cha mẹ cũng nên tìm vị trí bấm lỗ tai cho bé phù hợp. Tốt hơn, bạn chỉ nên bấm ở phần dái tai. Tránh xa phần sụn tai vì nơi đây chứa nhiều dây thần kinh có thể sẽ gây ra những cơn đau dai dẳng và khả năng mắc nhiễm trùng cao hơn.

Đối với những bé gái lớn

Khi trẻ được 10 tuổi là thời điểm cha mẹ có thể cùng con bàn luận về vấn đề bấm lỗ tai cho bé, vì lúc này con đã có ý thức về việc làm đẹp và trách nhiệm cho bản thân như vệ sinh khuyên tai thường xuyên, không chạm vào lỗ xỏ và biết tháo ra – thay bông khác vào khi có lựa chọn khác.

Mới bấm khuyên tai có tháo được không? 

Khi vừa bấm lỗ tai cho bé xong, cha mẹ tuyệt đối không được tháo ra ngay vì lỗ bấm còn đang bị tổn thương và cần thời gian để lên da non và lành lại. Việc tháo ra liền có thể làm lỗ bấm có nguy cơ bị bít lại khi vết thương đang tự làm lành, điều này dẫn đến việc lỗ bấm bị mất đi và bạn phải đưa trẻ đi bấm lại sau đó.

Nếu bạn muốn tháo khuyên cho con, hãy tùy thuộc và loại da và thể trạng sức khỏe của từng bé mà chọn thời gian tháo khuyên thích hợp. Nhìn chung, thời gian cụ thể để vết bấm được lành lại và đảm bảo an toàn cho làn da của con là khoảng từ 3 – 6 tuần sau khi bấm.

Mẹ cũng không nên quá nôn nóng tháo khuyên tai của con khi vết thương còn chưa lành nhé, vì có thể sẽ làm chảy máu hoặc bít lỗ khuyên. Không những thế, việc tháo quá sớm còn làm con bị dị ứng, nhiễm trùng vết bấm. Vì thế, mẹ hãy chờ đến khi vết thương được lành lại hoàn toàn.

Cách vệ sinh tai sau khi bấm cho bé

Để giữ vết thương được sạch sẽ, khô ráo, tránh để lỗ tai bị sưng hoặc chảy mủ do nhiễm trùng, bạn nên biết cách vệ sinh cho con ngay sau khi vừa bấm lỗ tai cho bé. Đầu tiên nên duy trì thói quen 1 ngày 2 lần rửa sạch mặt trước và sau dái tai của bé bằng nước muối sinh lý. Trước khi vệ sinh tai cho con, bạn nên chú ý rửa tay của mình bằng xà phòng trước.

Bên cạnh đó, để tránh nhiễm trùng vết bấm tai của con làm cho con bị sưng đau, mưng mủ, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Tránh các tác động vào sụn sau khi thực hiện bấm lỗ tai cho bé. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, hình thành sẹo cho con. Khi con yêu thay quần áo hoặc chải tóc, bạn cũng nên lưu ý trẻ cẩn thận không nên chạm đến bông tai, tốt hơn nên bày cho con cái cột tóc cao ở phía sau.
  • Khi tắm gội cho trẻ, bạn nên tránh để dầu gội, sữa tắm hoặc nước hoa, sản phẩm chăm sóc da khác tác động đến vị trí khuyên tai vừa bấm. Hạn chế dùng máy hút ráy tai hoặc hãy làm thật cẩn thận trong khoảng thời gian này.
  • Những kiểu áo tròng đầu có thể gây ma sát khi mặc làm cho vết thương bị chạm, kích ứng, khiến cho quá trình hồi phục bị kéo dài. Vì thế trong thời gian này, mẹ nên hạn chế cho trẻ mặc kiểu áo này, đồng thời không đội nón, đặc biệt là các loại nón che tai.
  • Tốt hơn, bạn nên đợi đến khi trẻ được 6 tháng tuổi mới bắt đầu bấm lỗ tai cho bé. Dù cho trẻ có đang khỏe mạnh đi nữa, việc bấm lỗ tai khi chưa đủ 6 tháng tuổi cũng sẽ làm cho con dễ bị nhiễm trùng và vì con chưa học được khả năng tự chủ, con sẽ dễ tác động đến vết thương theo bản năng của mình.

Cách vệ sinh tai sau khi bấm lỗ tai

  • Sau khi xỏ khuyên cho con và đã qua thời gian lỗ xỏ lành, mẹ có thể thông lỗ xỏ tai bằng cách dùng một sợi chỉ mỏng và trượt đi trượt lại hoặc xoay nhẹ bông tai mỗi ngày cho con. Sau khi tháo bông tai, mẹ nên thay bằng bông tai vàng cho trẻ.
  • Nên cho trẻ đeo liên tục 6 tháng để hình thành lỗ xỏ vĩnh viễn.
  • Mẹ nên tham khảo những địa chỉ xỏ tai uy tín, chất lượng ở các bệnh viện – cơ sở y tế có dịch vụ bấm lỗ tai cho bé. Điều này đảm bảo quá trình xỏ lỗ tai cho con được an toàn, sạch sẽ, hạn chế tình trạng nhiễm trùng, sưng đau, mưng mủ…

Nếu như khu vực bạn sống không có cơ sở hay bác sĩ nào bấm lỗ tai cho bé an toàn, bạn có thể tìm đến những địa chỉ chuyên bấm lỗ tai uy tín, có tai nghề. Mẹ nên tham khảo và quan sát trước địa điểm, khu vực làm việc cũng như hình thức bấm lỗ tai của họ, đảm bảo rằng họ có vệ sinh diệt khuẩn, đeo găng tay và sát trùng tai trẻ cùng bông tai bằng cồn trước khi thực hiện.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau khi bấm lỗ tai cho bé

Sau khi bấm lỗ tai cho bé về, mẹ nên theo dõi và quan sát kỹ chỗ vết thương ở tai của trẻ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường và kịp thời ứng phó. Những dấu hiệu sau đây cho thấy lỗ khuyên tai của con bị nhiễm trùng và mẹ cần liên hệ với bác sĩ ngay:

  • Tại vị trí xỏ khuyên xuất hiện vết sưng đỏ, đau lan ra ngoài.
  • Lỗ khuyên có mủ hoặc mùi hôi.
  • Bé bắt đầu sốt cao sau khi bấm lỗ (trên 38 độ C).

Nếu tai trẻ có phản ứng với bông tai kim loại, mẹ sẽ thấy con có những dấu hiệu như khô da, da nứt nẻ, sưng tấy và bị ngứa ngái xung quanh vùng bấm. Con sẽ luôn trong trạng thái khó chịu, quấy khóc lớn do vết thương gây ra. Lúc này, mẹ nên:

  • Đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán về tình trạng nhiễm trùng vết xỏ.
  • Với những trường hợp trẻ bị mưng mủ ở tai nặng, con có thể được điều trị bằng kháng sinh trong khoảng 4 – 5 ngày.
  • Hoặc nếu như con có những triệu chứng dị ứng kim loại, cách duy nhất bạn có thể làm là tháo bỏ khuyên tai và thực hiện theo những hướng dẫn chăm sóc, lời khuyên từ bác sĩ để điều trị cho con được tốt nhất.

Mẹ và Con hy vọng đã cung cấp được những thông tin bổ ích đến cho mẹ xoay quanh vấn đề bấm lỗ tai cho bé. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!

Bài viết liên quan