Mẹ và Con - Mọc răng được xem là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của con. Giai đoạn này đánh dấu sự "lớn khôn" của cơ thể trẻ để con dần thích nghi và hòa hợp với môi trường sống. 

Trong giai đoạn bé mọc răng và thay răng, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi về sức khỏe của bé để tìm ra cách chăm sóc trẻ tốt hơn. Đặc biệt là trong việc xây dựng chế độ ăn uống, sắp xếp thời gian ngủ nghỉ của con thật khoa học, đảm bảo tối ưu được sự tăng trưởng và tốc độ phát triển bình thường của trẻ. Sau đây là những lời khuyên của các bác sĩ BV Nhi Đồng để con yêu có được một hàm răng đẹp mê ly! Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay, mẹ nhé!

Chú ý đến mốc giai đoạn mọc răng của con

Thông thường, khi trẻ 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Đây thường là răng cửa, hàm dưới. Thời kỳ mọc răng sữa của con cũng thường bắt đầu từ khoảng 5 tháng – 8 tháng tuổi. Thông thường không có mốc hay tiêu chuẩn cụ thể quy định về thời gian mọc răng sữa của con. Một số trẻ mọc sớm sẽ rơi vào khoảng 3 – 4 tháng, có trẻ mọc răng khoảng 6 – 7 tháng tuổi và một số trẻ có thể muộn hơn.

Khi thấy con mọc răng quá sớm hoặc đến cột mốc 6 – 7 tháng nhưng vẫn không có dấu hiệu mọc răng, cha mẹ nên bình tĩnh, không cần quá lo lắng. Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng là điều hoàn toàn rất bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình “nuôi” hàm răng đẹp của con. Thậm chí có trẻ sinh ra đã có sẵn 1 – 2 chiếc răng đầu tiên, thường gọi là “răng sơ sinh”. Giới hạn tuổi mọc răng đầu tiên là từ lúc mới sinh đến khoảng 1 tuổi. Răng đầu tiên trung bình mọc khi bé 6 – 8 tháng tuổi. Hai răng cửa hàng dưới sẽ mọc đầu tiên, sau đó sẽ đến các răng khác tuần tự mọc.

em bé dễ thương

Hai răng hàm thứ 2 của hàm trên thường là những răng mọc cuối cùng. Răng thường mọc theo từng cặp, cụ thể hơn, như răng nanh hàm dưới ở bên phải và bên trái cũng được mọc cùng lúc. Đôi khi răng hàm dưới sẽ mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên. Tổng cộng bộ răng sữa của con sẽ gồm có tất cả 20 răng, 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới.

Những dấu hiệu trẻ đang mọc răng

Trong những chú thích của các bác sĩ BV Nhi Đồng khi mách các mẹ cách để con có được hàm răng đẹp mê ly có chia sẻ, cha mẹ cần chú ý ngay từ lúc con có những dấu hiệu mọc răng đầu tiên. Đặc biệt, khi mọc răng, trẻ thường gặp phải một số “rối loạn” bên trong cơ thể, dễ gặp nhất là mệt mỏi, quấy khóc, gắt gỏng, khó ngủ, dễ bị kích động và “mè nheo”, bứt rứt khó chịu. Không những thế, bé còn hay làm nũng, nhõng nhẽo với cha mẹ.

Một số bé còn có biểu hiện hay chảy nước miếng hoặc ngứa nướu, muốn gặm thứ gì đó trong miệng. Những điều này hoàn toàn là những dấu hiệu bình thường hay gặp của đa số những trẻ đang trong giai đoạn mọc răng và sẽ chấm dứt trong vòng 3 – 7 ngày. Nguyên nhân được giải thích là do trẻ dồn hết năng lượng cho quá trình mọc răng, sức đề kháng bảo vệ cơ thể của cơ trở nên yếu đi và khiến trẻ dễ bị bệnh, rối loạn tiêu hóa.

hàm răng đẹp

Để con có được hàm răng đẹp, lúc này mẹ nên để ý và dành thời gian chăm sóc trẻ nhiều hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi đi nặng kèm phân lỏng, dân gian hay gọi là “tướt mọc răng”. Trước khi răng nhú lên, nướu của con có thể bị sưng nhẹ, viêm đỏ, đôi khi bị loét. Điều này sẽ làm trẻ luôn cảm thấy bị ngứa ngáy, khó chịu tại vị trí đó, nên con sẽ thường hay đưa tay hoặc đồ chơi, đồ vật gì đó trong tay vào miệng để cắn, nhai/ Những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng được nhú lên 3 – 5 ngày.

Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra, việc này sẽ làm con đau đớn hoặc dễ bị nhiễm trùng vùng răng miệng, khiến con quấy khóc nhiều hơn, không chịu ăn uống, dễ dẫn đến sụt cân. Vì thế, cha mẹ cần phải thật bình tĩnh, nếu con quấy khóc nhiều, hãy đưa con đến ngay những bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được điều trị, giảm triệu chứng khó chịu cho trẻ khi mọc răng.

Cách chăm sóc trẻ để có hàm răng đẹp mê ly

Để có thể làm dịu sự khó chịu cho trẻ trong thời gian mọc răng, cũng như mang lại một hàm răng đẹp cho tương lai, bạn nên lựa cho con những vật nhẹ, mềm để con có thể cắn, ngặm thoải mái, chẳng hạn như vòng mọc răng, núm vú giả bằng cao su… Nếu như thấy con có những biểu hiện như đau khóc dữ dội, khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu hơn, tìm được cách khắc phục mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con.

Nếu trong quá trình mọc răng sữa, trẻ sốt cao quá 38,5 độ C trở lên và có dấu hiệu đau nhiều, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau. Thông thường liều lượng đúng chuẩn sẽ là 10 – 15mg/kg cân nặng, cứ khoảng 4 – 6 tiếng, bạn cho con uống một lần. Không nên để con sốt quá cao. Nếu như sốt nhẹ thì mẹ không cần cho uống hạ sốt, chỉ cần lau ấm và bổ sung cho con đầy đủ nước hoặc nhiều hơn bình thường.

bé ngứa nướu

Trẻ trong giai đoạn mọc răng thường xuyên chảy nhiều nước miếng và hay có thói quen đưa tay vô miệng cắn, hoặc dùng lưỡi liếm vùng nưới phía trước. Vì thế, cha mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng cho con nhiều lần mỗi ngày và thật tốt. Kiểm tra con thường xuyên để lau sạch nước miếng chảy quanh miệng con bằng khăn mềm sạch. Đặc biệt là làm sạch nướu răng của con mỗi khi con bú hoặc ăn. Bạn có thể dùng một miếng gạc hoặc vải mềm, mang đi nhúng nước sạch và quấn quanh đầu ngón tay, lau nhẹ nhàng.

Thường xuyên cho con uống nước lọc khi bú hoặc sau khi cho trẻ ăn. Chú ý cho con uống nhiều nước. Điều này rất quan trọng, vì trong quá trình mọc răng, con thường sốt, tiêu chảy khiến cơ thể mất nhiều nước. Tốt hơn, cha mẹ nên cho con ăn những thức ăn lỏng, mềm để dễ dàng ăn uống hơn. Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng đều không tốt cho sự phát triển răng miệng của bé sau này, làm con không có hàm răng đẹp. Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong các bữa ăn hàng ngày.

Làm sao để con có hàm răng đẹp khi thay răng?

Theo dõi quá trình phát triển của cả răng sữa và răng vĩnh viễn

Việc theo dõi thường xuyên quá trình phát triển răng của con sẽ giúp cha mẹ phát hiện sớm các vấn đề như: răng sữa chưa rụng, răng vĩnh viễn bị mọc lệch, răng mọc quá thưa… để nhanh chóng đưa trẻ đến nha khoa can thiệp kịp thời.

Để có hàm răng đẹp – Không nhổ răng sữa quá sớm

Hầu hết các bậc phụ huynh thường nôn nóng và tự nhổ răng sữa con tại nhà. Tuy nhiên điều này không hề an toàn cho bé. Để con có hàm răng đẹp, bố mẹ không nên tự ý nhổ răng của con khi chưa đến thời điểm vì điều này sẽ khiến răng vĩnh viễn có nguy cơ mọc lệch, mọc không đều, dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, nếu bố mẹ không biết nhổ răng đúng cách, hãy đưa con đến nha khoa để được hỗ trợ và xử lý nhanh chóng, an toàn và mang tính hiệu quả hơn.

giúp con có hàm răng đẹp

Lựa chọn bài chải và kem đánh răng phù hợp với con

Trẻ còn nhỏ nên men răng của con cũng sẽ yếu hơn rất nhiều so với người lớn. Do đó, bạn không nên cho con dùng chung kem đánh răng với người lớn vì lượng flour sẽ dễ tổn thương men răng của trẻ. Đồng thời, hãy chọn cho bé một chiếc bàn chải đánh răng lông mềm, mịn, nhưng phải đảm bảo được độ cứng nhất định. Điều này sẽ giúp vừa làm sạch răng, vừa đảm bảo lợi của con không bị ảnh hưởng. Thời gian thay bàn chải để giảm thiểu các vi khuẩn có hại là khoảng 3 – 4 tháng một lần.

Để có hàm răng đẹp, hãy xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ

Bố mẹ nên khuyến khích con vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đây là điều quan trọng đầu tiên khi muốn có hàm răng đẹp. Hãy cùng trẻ đánh răng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối. Thời gian đánh răng mỗi lần nên từ 1 – 2 phút. Sau đó, hướng dẫn cho trẻ cách súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng dành riêng cho bé để men răng của con được bảo vệ tốt hơn.

Không nên cho con chạm tay vào lợi khi răng sữa đã bị rụng, không cho trẻ mút tay, chống cằm. Đặc biệt, hãy dặn trẻ không được đá lưỡi vào răng khi răng vĩnh viễn đang trong quá trình phát triển. Đồng thời, bạn cũng nên tạo thói quen cho con sử dụng chỉ nha khoa từ nhỏ để làm sạch răng, loại bỏ những mảng bảm còn sót trong kẽ răng, hạn chế nguy cơ bị sâu răng hoặc răng ố vàng.

em bé mọc răng

Đừng quên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con

Trong quá trình thay răng của trẻ, cha mẹ nên ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm mềm để con có thể nuốt dễ dàng, tiêu hóa thuận lợi. Tốt hơn, hãy chọn những loại thực phẩm giàu canxi để giúp răng của con được chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng.

Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, nước uống chứa nhiều axit. Những loại thực phẩm này sẽ dễ làm hư men răng của trẻ, khiến răng dễ đen, xỉn màu, hư hỏng.

Gặp nha sĩ định kỳ, thường xuyên

Để đảm bảo cho con có một hàm răng đẹp mê ly, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng mỗi lần. Vì như thế, bạn không chỉ yên tâm vì răng con đang được phát triển bình thường mà còn sớm phát hiện ra những vấn đề về răng, các bệnh lý răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ.

Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã gợi ý được cho mẹ nhiều thông tin bổ ích, giúp con yêu có được một hàm răng đẹp, đều thẳng tắp. Chúc mẹ áp dụng thành công, bé yêu hay ăn chóng lớn và có được hàm răng như mong đợi nhé!

Bài viết liên quan