Nhiễm trùng ối, nhiễm trùng tiết niệu là các cụm từ liên quan đến nhiễm trùng – nhiễm khuẩn mà bà bầu nào cũng nên quan tâm, vì nó rất “thân thuộc” với thai phụ suốt chín tháng thai kỳ.

1. Bạn biết gì về nhiễm trùng ối?

  • Nước ối là…

Nước ối là một chất lỏng trong suốt, bao quanh thai nhi trong giai đoạn thai kỳ. Nước ối bảo vệ thai nhi chống lại việc bị nhiễm khuẩn. Khi bạn mang thai, màng ối sẽ được hình thành chứa nước ối bên trong, giúp thai nhi bơi và hoạt động trong môi trường tinh khiết tuyệt đối đó. Nếu màng ối bị vỡ, nước ối sẽ chảy ra ngoài. Thai nhi không còn môi trường để được nuôi dưỡng, bảo vệ.

  • Sao lại có nhiễm trùng ối?  

Như đã nói, màng ối có nhiệm vụ che chở không cho vi khuẩn xâm nhập vào buồng tử cung. Nhưng nếu mẹ (thai phụ) bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai mà không được điều trị đúng cách, dứt điểm thì lúc này, vi khuẩn sẽ có thể xâm nhập, gây viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ trong bất cứ giai đoạn nào.

Trường hợp màng ối vỡ, sẽ xảy ra nguy cơ nhiễm trùng ối, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Bé sinh ra trong tình trạng vỡ ối non, nhiễm trùng ối thường non tháng, rất khó cứu sống. Với thai phụ, tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho thai phụ.

Bà bầu dễ nhiễm gì

(Hình minh hoạ)
  • Có cách nào nhận biết và phòng ngừa, điều trị kịp thời?

Điều khá may mắn là tình trạng vỡ ối, nhiễm trùng ối thường không xảy ra đột ngột. Ban đầu chỉ là rỉ ối, màng ối mòn dần khiến xảy ra tình trạng rỉ ối na ná giống như bị són tiểu. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, thai phụ nên báo những dấu hiệu này cho bác sĩ, đồng thời có lịch khám thai và khám phụ khoa đều đặn suốt quá trình thai nghén để được phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường.

Khi có nghi ngờ, bác sĩ sẽ phải theo dõi liên tục, siêu âm khối lượng ối, lấy dịch rỉ để kiểm tra xem có phải là tình trạng rỉ ối không và có hướng điều trị kịp thời. Ngoài ra, trước khi mang thai và trong suốt chín tháng thai kỳ, thai phụ nên coi trọng từng nhắc nhở của bác sĩ về tình trạng viêm nhiễm nếu có. Đã có nhiều trường hợp, thai phụ bị viêm nhiễm, bác sĩ hướng dẫn điều trị nhưng thai phụ tự ý… bỏ vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Thực tế, khi bác sĩ sản phụ khoa đưa ra bất kỳ hướng điều trị nào (cho dùng thuốc đặt, dung dịch vệ sinh…) thì đều đã cân nhắc và đảm bảo không ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu không tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị này, coi thường những chứng bệnh viêm nhiễm (nghĩ rằng chẳng qua chỉ ngứa một chút, đau rát một chút) thì nguy cơ vỡ ối non, nhiễm trùng ối là rất lớn.

Thai phụ nên coi trọng từng nhắc nhở của bác sĩ về tình trạng viêm nhiễm nếu có

2. Bạn biết gì về nhiễm trùng tiết niệu

  • Nhiễm trùng tiết niệu là….

Nhiễm trùng tiết niệu thường do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường niệu đạo. Phụ nữ có niệu đạo ở vị trí rất gần âm đạo và hậu môn nên dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn là nam giới. Đặc biệt, trong giai đoạn mang thai, thai nhi lớn dần dễ gây ra sự chèn ép làm giãn đài bể thận, gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn niệu đạo, viêm bàng quang, hoặc lan đến thận gây viêm thận – bể thận cấp.

  • Làm sao phát hiện bệnh?

Thai phụ nên chú ý đến các triệu chứng như tiểu nhiều lần, cả ban ngày lẫn ban đêm, luôn thấy buồn đi tiểu dữ dội. Khi tiểu có cảm giác nóng rát, đau. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tiểu ra máu, sốt cao (có thể lên đến 39-40 độ C), đau lưng nhiều (nhất là vùng thắt lưng bên phải), mạch đập nhanh, rét run, mệt mỏi, ngủ li bì, phù nhanh toàn thân…

Khi thấy các dấu hiệu này, phải báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi, cho tiến hành làm xét nghiệm nước tiểu. Nếu chủ quan, không theo dõi và đến bệnh viện kịp thời, có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi.

Trong những trường hợp nặng, thai phụ có thể bị suy thận cấp, người bị phù, xét nghiệm creatinin tăng cao. Nếu để xảy ra đến mức độ này, thai phụ có thể bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non, băng huyết, nhiễm trùng máu…

  • Phòng bệnh bằng cách nào?

Suốt chín tháng thai kỳ, cần thiết phải kiểm tra nước tiểu định kỳ 3 tháng/lần. Không nên chủ quan khi thấy cơ thể vẫn khỏe và lơ là việc kiểm tra này.

Ngoài ra, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Không được nhịn tiểu, khi thấy có dấu hiệu buồn đi tiểu cần cố gắng để đi ngay. Nhiều chị em phụ nữ hay “ngại”, mắc cỡ, sợ dơ nên cố nhịn khi đi trên tàu xe, đến nơi công cộng…

Nên tạo thói quen uống nhiều nước để giúp nước tiểu không bị cô đặc. Những ngày nóng, không cần đợi khát mới uống nước mà nên tạo thói quen để sẵn một bình nước trên bàn làm việc, cứ khoảng nửa tiếng đồng hồ uống một lần. Khi thấy có hiện tượng bất thường, đi tiểu ít, tiểu khó khăn, đau rát khi tiểu… là đã cần báo ngay với bác sĩ chứ không nên chờ đến các dấu hiệu nghiêm trọng mới đến bệnh viện có khi đã quá muộn.

Một điều nữa cần nhắc là trong một số trường hợp, các biểu hiện tiểu ít, tiểu đau rát… như đã kể trên chỉ xuất hiện trong vài ngày rồi biến mất. Trong trường hợp này, vẫn cần báo với bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm. Vì dấu hiệu biến mất đó không có nghĩa là bệnh đã tự khỏi.

Khi đã có kết quả xét nghiệm nước tiểu, xác định chính xác nhiễm trùng tiết niệu thì bác sĩ sẽ thực hiện việc kê đơn thuốc thích hợp. Nếu kịp phát hiện sớm, có thể điều trị dứt điểm và chữa khỏi hoàn toàn.

Tags:

Bài viết liên quan