Mẹ&Con – Bà bầu có nên ăn chay không? Ăn chay liệu có cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho bà bầu không? Có lẽ đây là thắc mắc của khá nhiều mẹ bầu, nhất là những người đã có thói quen ăn chay trước khi mang bầu.

Bà bầu có nên ăn chay không? Câu trả lời là “Có thể” nhưng rất khó vì những lý do dưới đây:

Bà bầu ăn chay – Ưu và nhược điểm

Theo bà Martha K. Grodrian – một chuyên gia dinh dưỡng thẩm mỹ thuộc bệnh viện Good Samaritan ở Dayton, bang Ohio, Mỹ: “Hầu hết phụ nữ ăn ít đồ ăn nhanh và có một chế độ ăn uống dinh dưỡng hơn khi ăn chay”.

Trên thực tế, ăn chay khi mang thai đem tới một số lợi ích nhất định cho mẹ mà những lợi ích này không thể tìm thấy khi mẹ ăn mặn, chẳng hạn:

  • Rau củ quả là thực đơn phổ biến trong mâm cơm chay. Ăn chay, mẹ bầu sẽ tránh được một số bệnh thường gặp khi mang thai như táo bón, trĩ nhờ hàm lượng chất xơ giàu có trong rau củ.
  • Lượng protein từ rau quả cung cấp cho cơ thể sẽ tốt hơn cho thận. Thận không mất thời gian sàng lọc, không phải làm việc quá sức từ đó nguy cơ mắc các bệnh về thận cũng hầu như không có.
  • Thực phẩm chay có nguồn gốc từ thực vật, chính vì vậy chúng không chứa cholesterol và rất ít chất béo bão hòa. Điều này giúp mẹ bầu gạt bỏ nỗi lo lắng về bệnh tim mạch, bởi hàm lượng cholesterol xấu trong máu được kiểm soát tốt.
  • Thực phẩm chay không chứa nhiều chất béo, mẹ có thể tiêu thụ thoải mái mà không lo việc tăng cân quá nhiều khi mang thai. Ngoài ra, ăn chay còn giúp mẹ tránh được nhiều loại bệnh khác như sâu răng, tiểu đường thai kỳ hay thậm chí là ung thư.

Tuy nhiên, chỉ ăn chay không thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai.

Bà bầu có nên ăn chay không? 3

Chất dinh dưỡng trong đồ ăn chay chủ yếu đến từ rau củ quả. (Ảnh minh họa)

Bà bầu có nên ăn chay không? Theo thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Phòng khám dinh dưỡng, trung tâm y tế dự phòng Hà Nội): “Phụ nữ ăn chay, đặc biệt là chay trường thường dễ có nguy cơ thiếu máu do thiếu vitamin B12, sắt, kẽm bởi đa phần các vi chất như sắt, kẽm, vitamin B12 thường có ở thịt hoặc các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng cung cấp sắt và kẽm nhưng giá trị sinh học thấp nên khó hấp thu”.

Về mặt dinh dưỡng, phần lớn các nhà khoa học không khuyến khích việc ăn chay tuyệt đối. Trong khi món mặn có đầy đủ các amino axít thiết yếu mà cơ thể không tự sản sinh được thì món chay lại chủ yếu dựa vào dinh dưỡng từ rau củ, trái cây, đậu nành… nên cơ thể dễ bị thiếu hụt nhiều dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất béo… Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng dễ khiến thai nhi rơi vào tình trạng còi cọc, chậm phát triển, sinh non…

Vậy, rút cuộc bà bầu có nên ăn chay không? Câu trả lời thích hợp nhất dành cho các mẹ, đó là:

Đối với những mẹ ăn chay trường từ trước khi mang thai:

Cần có thực đơn khoa học, bổ sung dưỡng chất đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm chay khác nhau để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi. Ngoài ra, nên bổ sung viên sắt, axit folic, các vitamin và khoáng chất cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với những mẹ ăn chay không thường xuyên:

Lâu lâu, mẹ có thể ăn chay để thanh lọc cơ thể nhưng không cần ăn chay tuyệt đối. Bổ sung đa dạng nguồn dinh dưỡng từ động và thực vật giúp cả mẹ và thai nhi trong bụng hấp thu cũng như phát triển tốt hơn.

Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

Bài viết liên quan