Không phải chỉ người lớn mới mệt mỏi, căng thẳng và áp lực. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những đứa trẻ cũng có nguy cơ đối diện với căn bệnh trầm cảm vì áp lực học tập, sợ bị điểm kém sẽ bị bố mẹ trách phạt, thầy cô phê bình. Những đứa trẻ nếu đến trường chỉ vì mục đích thi cử, không còn khát khao tìm kiếm kiến thức cho chính bản thân mình thì thật đáng thương.
Áp lực học tập là gì?
Có lẽ, đối với người lớn thì học tập luôn là nghĩa vụ bắt buộc của trẻ em. Bố mẹ, ông bà thường cho rằng, là con nít, chỉ có ăn và học không cần phải suy nghĩ hay làm bất cứ việc gì nên con cần học tốt, đạt điểm cao, xếp hạng nhất, nhì. Trẻ em không được phép làm sai bài kiểm tra, không được phép điểm thấp. Mỗi ngày, con đi học về phải hoàn thành bài tập về nhà, khi nào xong hết thì mới được đi ngủ. Thời gian rảnh rỗi, con cần tự học hoặc đến lớp học thêm để nâng cao kiến thức, giúp con có điểm số tốt hơn khi đến trường thay vì học các môn năng khiếu hay chơi thể thao.
Với chúng ta, những điều trên có lẽ là chuyện bình thường, con buộc phải làm như thế. Nhưng với con trẻ, đây là một gánh nặng khi nhiệm vụ của con luôn xoay quanh việc làm thế nào để đạt điểm số cao, làm bố mẹ và thầy cô hài lòng. Không ít những đứa trẻ đã bị trầm cảm, thậm chí tự tử vì áp lực học tập đến từ gia đình và thầy cô.
Vì sao vấn nạn stress học đường ngày càng gia tăng?
Các môn học quá nhiều
Hiện nay, trẻ em ở các trường cấp 2, cấp 3 phải học trung bình từ 10 – 13 môn học. Để trở thành học sinh giỏi buộc con phải học tốt cả những môn tự nhiên như toán, lý, hóa và những môn xã hội như văn, sử, địa. Đây là một áp lực học tập vô cùng lớn với trẻ, bởi không phải ai cũng có thể cùng lúc giỏi tất cả các khía cạnh như thế.
Bên cạnh đó, trẻ còn được bố mẹ cho học thêm các môn năng khiếu hoặc cho tham gia các lớp học thể thao với hy vọng con có thể trở thành một người phát triển toàn diện. Việc này chính là lý do gây nên tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em bị áp lực học tập.
Áp lực điểm số
Không chỉ dành toàn bộ thời gian cho việc học, trẻ còn được yêu cầu phải học sao thật tốt. Bài kiểm tra phải đạt điểm 10, thành tích thi cuối kỳ phải đạt học sinh giỏi hay thậm chí là đứng nhất lớp, nhất khối, thi đại học phải đậu vào các trường điểm cao,…
Nếu trẻ không đạt được những yêu cầu này sẽ bị thầy cô la mắng, bố mẹ trách phạt, họ hàng, hàng xóm dè bỉu. Nền giáo dục chạy theo thành tích khiến việc học không còn tạo được hứng thú cho trẻ, thậm chí còn gây nên tác dụng ngược, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi mỗi khi nhắc đến, lâu dần thành áp lực học tập của trẻ.
Sự kỳ vọng của bố mẹ
Một nguyên nhân khác luôn song hành cùng áp lực học tập của trẻ chính là kỳ vọng của bố mẹ, người thân dành cho con quá lớn. Rất dễ thấy trong các gia đình ngày nay, sau bữa cơm tối trẻ hoàn toàn không cần phải phụ giúp bố mẹ rửa chén bát hay quét dọn nhà cửa. Con sẽ được người lớn “ưu ái”, tạo điều kiện để con có nhiều thời gian học nhất có thể.
Điều này xuất phát từ tâm lý kỳ vọng và quan điểm trẻ sẽ học tốt hơn, giỏi hơn nếu có nhiều thời gian học hơn của người lớn. Và khi con không làm được như những gì mà người lớn mong chờ thì con sẽ bị trách phạt. Những câu nói như “có việc học thôi cũng làm không xong” hay “suốt ngày chỉ có ăn với học mà cũng làm không ra hồn” tưởng chừng như chỉ là một lời la mắng bình thường từ bố mẹ nhưng lại có thể trở thành bóng ma tâm lý với trẻ sau này.
Áp lực học tập tác động như thế nào đến trẻ?
Trẻ học nghiêm túc hơn
Nhìn nhận một cách khách quan, một số trẻ được tôi luyện trong môi trường nghiêm khắc, bị áp lực học tập có thể học tốt hơn. Vì sợ bố mẹ, thầy cô nên trẻ nghiêm túc học, không lơ là, làm việc riêng trong giờ học, tự giác làm bài tập về nhà. Đây là một ưu điểm đáng kể nếu người lớn thường xuyên nhắc nhở trẻ về việc học của con.
Sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng
Bên cạnh ưu điểm thì áp lực học tập có hàng tá khuyết điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những đứa trẻ đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Nếu bố mẹ bắt ép con phải học liên tục, sáng dậy đến trường, chiều về ăn cơm xong lại tiếp tục ngồi vào bàn học đến tận khuya, sức khỏe thể chất của con có thể bị suy giảm. Trẻ có thể mắc nhiều chứng bệnh như đau cột sống, mỏi mắt, cận thị, sụt cân, giảm sức đề kháng, đau đầu, mệt mỏi, thiếu ngủ…
Trẻ bị trầm cảm
Không ít trẻ em đã rơi vào tình trạng trầm cảm, cần điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế vì gặp áp lực học tập. Một đứa trẻ không có thời gian vui chơi và làm điều mình thích. Trẻ luôn tập trung nghĩ đến việc phải làm sao để đạt điểm cao, sợ hãi sự trách mắng của người lớn… sẽ không thể nào có cuộc sống hạnh phúc được. Vì thế, áp lực học tập có thể đẩy trẻ vào tình trạng ám ảnh tâm lý, trầm cảm.
Cảm thấy tự ti về chính mình
Một đứa trẻ bị tiêm vào đầu tư tưởng chỉ những người đạt thành tích cao trong học tập mới là người thành công sẽ cảm thấy tự ti về chính mình, nếu chẳng may con có điểm số thấp trong kỳ kiểm tra vừa qua. Càng tự ti, mặc cảm con càng bị áp lực. Càng áp lực con lại càng không thể làm tốt trong những bài kiểm tra sắp đến. Nếu lại tiếp tục bị điểm thấp, con sẽ tự ti hơn nữa.
Có thể nói, đây là một vòng tròn lẩn quẩn, lặp đi lặp lại, khiến trẻ đánh mất sự tự tin của chính mình.
Những dấu hiệu trẻ bị áp lực học tập
Để biết con có đang căng thẳng quá mức trong việc học hay không, bố mẹ có thể quan sát một vài biểu hiện của con như:
- Trẻ cảm thấy sợ hãi, thậm chí là toát mồ hôi, run rẩy mỗi khi được hỏi về tình hình học tập hiện tại
- Kết quả học tập giảm sút
- Trẻ thường đờ đẫn, mệt mỏi
- Trẻ ít giao tiếp, trò chuyện với bố mẹ và những người xung quanh
- Trẻ có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống
- Trẻ thích ở một mình
- Trẻ không còn sở thích, đam mê cá nhân
- Trẻ cảm thấy bản thân mình vô dụng
Phải làm sao nếu bạn khiến con căng thẳng trong việc học?
Đôi lúc, sự khắt khe quá mức của người lớn đã khiến tình trạng áp lực học tập của con ngày một nghiêm trọng hơn. Thay vì quát mắng con, hãy cho con biết điều bố mẹ mong muốn là con có thể tiếp thu được những kiến thức hay, bổ ích chứ không phải là con có đạt được điểm số cao hay không.
Ngoài ra, hãy giúp con củng cố niềm tin vào chính mình. Hãy luôn động viên con, cho con biết rằng con tuyệt vời như thế nào. Nếu con xuất sắc ở một môn học nào đó, hãy khuyến khích con theo đuổi những gì mà mình làm tốt thay vì bắt ép con phải 10/10 ở tất cả các môn học.
Để có thể giảm áp lực học tập đối với trẻ, bạn cũng có thể thường xuyên đưa con đi chơi, cho con giải trí bằng cách đưa con đi bơi, chơi thể thao, đi dạo ở công viên, tham gia các buổi hướng đạo sinh, các hoạt động ngoại khóa. Điều này vừa có lợi cho sức khỏe thể chất của con mà còn giúp con thư giãn, loại bỏ các áp lực đang mang trên người.
Trên hết, để con không bị áp lực học tập, chính người lớn chúng ta cần hiểu được mình đang quá khắt khe trong việc điểm số với con. Chính chúng ta là những người cần thay đổi suy nghĩ của mình. Hy vọng những chia sẻ từ Tạp chí Mẹ và Con có thể giúp bạn phần nào đồng hành cùng con đúng cách trên con đường học tập của trẻ, bạn nhé!