Ăn uống vô độ là một chứng rối loạn ăn uống được đặc trưng bởi tình trạng ăn vô độ không kiểm soát, gây đau khổ về mặt cảm xúc và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những người mắc chứng rối loạn này có thể cảm thấy mất kiểm soát khi tiêu thụ một lượng lớn thức ăn, ngay cả khi điều đó khiến họ cảm thấy buồn nôn. Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc chứng rối loạn ăn uống này.
Ăn vô độ là gì?
Ăn vô độ là tình trạng một người tiêu thụ một lượng lớn thức ăn rất nhanh, ngay cả khi không đói và thậm chí cảm thấy khó chịu. Hầu hết mọi người thỉnh thoảng ăn quá nhiều, nhưng nếu bạn lặp lại việc này quá thường xuyên hay mỗi ngày thì đây có thể là một dạng rối loạn ăn uống. Ngoài việc ăn quá nhiều thức ăn đến mức khó chịu, tình trạng này còn được đặc trưng bởi cảm giác mất kiểm soát khi ăn và cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi về hành vi đó.
Các giai đoạn ăn quá nhiều được phân loại là ăn vô độ có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Chứng rối loạn ăn uống vô độ là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể điều trị nếu bạn sớm phát hiện và tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ.
Dấu hiệu & triệu chứng mắc chứng ăn vô độ
Triệu chứng mắc chứng ăn vô độ
Một người bị rối loạn ăn uống, ăn vô độ thi thường sẽ có những triệu chứng gì? Theo đó, các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Các giai đoạn ăn uống vô độ liên tục và lặp đi lặp lại, được đặc trưng bởi sự thiếu kiểm soát trong quá trình ăn uống và tiêu thụ lượng thức ăn lớn hơn nhiều so với lượng cần thiết để cung cấp năng lượng và duy trì các hoạt động trong ngày.
- Cảm thấy rằng hành vi ăn uống này nằm ngoài tầm kiểm soát.
- Đau khổ về cảm xúc trong và sau một đợt ăn uống vô độ.
- Ăn rất nhanh trong một thời gian ngắn.
- Tiếp tục ăn mặc dù cảm thấy no và khó chịu.
- Tham gia vào việc ăn uống quá mức ngay cả khi bạn không thèm ăn.
- Ăn một mình vì xấu hổ, mặc cảm hoặc tội lỗi.
- Tự trách và ghê tởm bản thân sau một đợt ăn vô độ.
Chẩn đoán chứng rối loạn ăn uống vô độ
Cũng cần lưu ý rằng để chẩn đoán chứng rối loạn ăn vô độ thì các triệu chứng cần diễn ra trong khoảng 3 tháng và lặp lại vài lần mỗi tuần trở lên.
Khi một chuyên gia sức khỏe tâm thần đang đánh giá chứng rối loạn ăn uống vô độ, họ sẽ loại trừ chứng chán ăn và chứng cuồng ăn, chứng rối loạn lo âu và bất kỳ bệnh lý thần kinh nào như rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm vì các triệu chứng bệnh gần như giống nhau, có thể dễ bị nhầm với chứng ăn vô độ. Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về hành vi ăn uống gần đây và trong quá khứ của bạn.
Chẳng hạn như, một số người cảm thấy lo lắng quá mức có thể tìm đến thức ăn để giải khuây trong lúc tâm trạng xuống dốc. Nhưng nếu điều này không xảy ra hàng tuần, hành vi này sẽ không đáp ứng các tiêu chí thuộc chứng rối loạn ăn vô độ. Ngoài ra, nếu các biểu hiện ăn uống vô độ xảy ra trong giai đoạn trầm cảm thì rất có thể đây chỉ là một biến chứng của bệnh trầm cảm mà thôi.
Chứng rối loạn ăn vô độ có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Một số người có thể gặp các triệu chứng nhẹ hơn và ăn vô độ khoảng một lần mỗi tuần, trong khi những người khác có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và ăn vô độ 14 lần trở lên mỗi tuần. Nếu thói quen ăn uống vô độ bắt đầu có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn, thì đó là điều đáng lo ngại.
Các biến chứng của việc ăn uống vô độ
Bạn có biết, chứng rối loạn ăn uống này nguy hiểm như thế nào? Theo đó, ăn uống vô độ có thể góp phần gây ra một số biến chứng về sức khỏe bao gồm:
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tim
- Huyết áp cao
- Đột quỵ
- Thừa cân, béo phì
Không phải ai cũng gặp hết tất cả các biến chứng này. Tuy nhiên, khi bạn mắc chứng rối loạn ăn vô độ và ăn quá nhiều thức ăn thì nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe thường sẽ cao hơn.
Các biến chứng này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn như một người bị béo phì thường sẽ tự ti về ngoại hình của mình và trở nên lo lắng khi ra ngoài. Thừa phân béo phì cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân của việc ăn vô độ là gì?
Cho đến nay vẫn chưa thể tìm được guyên nhân chính xác của việc ăn vô độ là gì. Một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Di truyền học: Nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn ăn uống vô độ có thể có yếu tố di truyền.
- Tiền sử gia đình: Bạn có thể có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống hơn nếu ai đó trong gia đình của bạn cũng mắc chứng rối loạn ăn uống.
- Các tình trạng tâm lý khác: Hầu hết những người mắc chứng rối loạn ăn vô độ cũng đang gặp một vấn đề nào đó liên quan đến bệnh lý thần kinh khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
- Các vấn đề về ăn kiêng và hình ảnh cơ thể: Những người càng ám ảnh về việc ăn kiêng giảm cân, duy trì vóc dáng lại càng có nguy cơ mắc chứng ăn vô độ cao hơn.
Điều trị và cải thiện chứng ăn vô độ như thế nào?
Nếu bạn cảm thấy mình đang mắc chứng ăn vô độ, hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán. Bác sĩ có thể lên phác đồ điều trị phù hợp bằng cách sử dụng thuốc kết hợp với các liệu pháp tinh thần phù hợp. Các loại thuốc có thể được kê đơn bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, nên chú ý đến việc ăn uống của bạn và cố gắng chỉ ăn khi cơ thể có cảm giác đói. Bạn cũng nên nhờ những người xung quanh nhắc nhớ để kiểm soát khẩu phần ăn của mình.
Chứng rối loạn ăn vô độ có thể khiến bạn tự ti, trầm cảm. Vì thế, nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường thì hãy ngay lập tức đến bác sĩ thăm khám bạn nhé!